Chi phí lãi tiền vay khi xác định thuế TNDN
Để hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được thuận lợi và nhanh chóng thì ngoài luồng tiền được huy động của doanh nghiệp thì nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng hoặc cá nhân cũng đóng một vai trò quan trọng. Vậy làm thế nào để chi phí lãi tiền vay này được xác định là chi phí hợp lý của doanh nghiệp thì các bạn cùng Lamketoan.vn nghiên cứu các quy định của luật kế toán liên quan đến: Chi phí lãi tiền vay khi xác định thuế TNDN năm 2017.
Tham khảo:
Cách hạch toán vay và nợ thuê tài chính tài khoản 341 theo TT 133
Điều kiện để chi phí lãi vay hợp lý hợp lệ
Dịch vụ báo cáo tài chính vay vốn ngân hàng
1. Theo khoản 2 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015
Quy định các khoản chi phí không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế như sau:
1.1. Chi phí trả lãi tiền vay vốn sản xuất kinh doanh
“ 2.17. Phần chi phí trả lãi tiền vay vốn sản xuất kinh doanh của đối tượng không phải là tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay
1.2. Chi trả lãi tiền vay tương ứng với phần vốn điều lệ
2.18. Chi trả lãi tiền vay tương ứng với phần vốn điều lệ (đối với doanh nghiệp tư nhân là vốn đầu tư) đã đăng ký còn thiếu theo tiến độ góp vốn ghi trong điều lệ của doanh nghiệp kể cả trường hợp doanh nghiệp đã đi vào sản xuất kinh doanh. Chi trả lãi tiền vay trong quá trình đầu tư đã được ghi nhận vào giá trị của tài sản, giá trị công trình đầu tư
Trường hợp doanh nghiệp đã góp đủ vốn điều lệ, trong quá trình kinh doanh có khoản chi trả lãi tiền vay để đầu tư vào doanh nghiệp khác thì khoản chi này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế
Chi trả lãi tiền vay tương ứng với vốn điều lệ còn thiếu theo tiến độ góp vốn ghi trong điều lệ của doanh nghiệp không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế được xác định như sau:
+ Nếu số tiền vay <= số vốn điều lệ còn thiếu thì toàn bộ lãi tiền vay là khoản chi không được trừ
+ Nếu số tiền vay > số vốn điều lệ còn thiếu
Khi DN phát sinh nhiều khoản vay, phần chi phí lãi vay không được trừ = (Vốn điều lệ còn thiếu / Tổng số tiền vay ) * Tổng số lãi vay
Nếu DN chỉ phát sinh một khoản vay, phần chi phí lãi vay không được trừ = Vốn điều lệ còn thiếu * Lãi suất của khoản vay * Thời gian góp vốn điều lệ còn thiếu.
1.3. Như vậy, theo quy định trên chi phí lãi vay của những khoản vay sau, không được tính vào chi phí được trừ:
– Lãi tiền vay của đối tượng là cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức kinh tế, tổ chức tín dụng vượt quá 150 % mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay
– Lãi tiền vay tương ứng với phần vốn điều lệ còn thiếu
– Lãi tiền vay trong quá trình đầu tư đã được ghi nhận vào giá trị của tài sản, giá trị công trình đầu tư
Ví dụ 1:
Ngày 15/02/2017,Công ty Cổ phần Đông Phong vay tiền của Anh Nam là nhân viên công ty 300.000.000 đồng với lãi suất trả cho Anh Nam là 1,1%/tháng. Biết mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng NNVN công bố ngày 15/02/2017 là 0.6%/tháng.
– Chi phí lãi vay phải trả cho cá nhân hàng tháng: 300.000.000 * 1,1% = 3.300.000 đồng
– Chi phí lãi vay được trừ = 300.000.000 * 0.6% * 150% = 2.700.000 đồng
– Phần chi phí lãi vay không được trừ = 3.300.000 – 2.700.000 = 600.000 đồng
Ví dụ 2:
Vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Việt Hưng trên Giấy phép đăng ký kinh doanh là 4.000.000.000 đồng và tiến độ góp vốn ghi trong điều lệ công ty là 30 ngày. Nhưng hết 30 ngày thì các thành viên mới chỉ góp được 3.000.000.000 đồng, còn 1.000.000.000 chưa góp. Công ty đã đi vay ngân hàng Vietinbank 1.000.000.000 đồng với lãi suất 1,1 %/tháng
– Chi phí lãi vay hàng tháng công ty phải trả cho Ngân hàng là: 1.000.000.000 * 1,1% = 11.000.000 đ
– Chi phí lãi vay không được trừ là: 11.000.000 đồng/tháng
2. Theo khoản 2 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 quy định Các khoản chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế như sau:
– Chi phí lãi vay để đầu tư vào doanh nghiệp khác được tính vào chi phí được trừ khi đã góp
đủ vốn điều lệ theo quy định
– Lãi tiền vay của đối tượng là cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức kinh tế, tổ chức tín dụng không vượt quá 150 % mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay
3. Hồ sơ vay
3.1 Hồ sơ vay vốn của cá nhân
– Hợp đồng vay vốn
– Chứng minh thư của cá nhân cho vay
– Chứng từ thu tiền vay: Phiếu thu, giấy báo có
– Chứng từ thu lại 5% thuế TNCN từ đầu tư vốn của cá nhân cho vay
– Chứng từ chi trả tiền lãi vay: phiếu chi
– Chứng từ chi trả tiền vốn vay: phiếu chi
– Chứng từ nộp thuế TNCN thay cho người cho vay: Mẫu 06/TNCN theo TT 92/2015
3.2 Hồ sơ vay vốn của tổ chức
– Hợp đồng vay vốn
– Hồ sơ giải ngân
– Chứng từ chuyển tiền vốn vay
– Chứng từ chuyển tiền chi phí lãi vay
– Chứng từ chuyển tiền trả vốn vay