04 lưu ý khi nộp báo cáo quyết toán cuối năm đơn vị HCSN

Báo cáo quyết toán năm phản ánh đúng tình hình thu, chi đối với từng nguồn kinh phí của đơn vị hành chính, sự nghiệp. Phải được lập đúng nội dung, phương pháp theo quy định và được trình bày nhất quán giữa các kỳ báo cáo. Hệ thống chỉ tiêu của báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước phải phù hợp và thống nhất với chỉ tiêu dự toán năm được cơ quan có thẩm quyền giao và mục lục ngân sách nhà nước, đảm bảo có thể so sánh được giữa số thực hiện với số dự toán và giữa các kỳ kế toán với nhau. Vậy đâu là các điểm cần lưu ý đối chiếu kiểm kê trước khi nộp báo cáo quyết toán cuối năm đơn vị HCSN cùng Kế Toán Việt Hưng tìm hiểu qua bài viết ngay dưới đây.

1. Đối chiếu chênh lệch giữa số dư tài khoản ngân hàng với sổ phụ

– Thực hiện đối chiếu số dư tài khoản so với số dư trên sổ chi tiết tiền gửi tại đơn vị dựa vào sổ phụ tài khoản tiền gửi

– Thực hiện yêu cầu ngân hàng cung cấp sổ phụ tài khoản tiền gửi (theo định kỳ)

DẤU HIỆU:

– Hạch toán nhầm lẫn số liệu giữa các ngân hàng với nhau

=> nhấn vào số hiệu chứng từ trên báo cáo và chọn lại tài khoản ngân hàng cho đúng với thực tế

– Chứng từ thu/chi tiền gửi ghi nhầm số tiền thực tế thu/chi

=> nhấn vào số hiệu chứng từ trên báo cáo và sửa lại số tiền trên chứng từ cho đúng với thực tế

CÁCH KHẮC PHỤC:

– Kiểm tra từng chứng từ gốc với chứng từ đã hạch toán trên phần mềm (trường hợp là Kho bạc)

– Kiểm tra từng chứng từ đã hạch toán với các dòng trên sổ phụ (trường hợp là Ngân hàng thương mại)

[?] Đơn vị ông có được mở tài khoản tại ngân hàng thương mại và thực hiện các giao dịch tài chính (bao gồm gửi tiết kiệm có kỳ hạn từ nguồn thu sự nghiệp) không? Đơn vị thanh toán các chi phí tại ngân hàng mà không cần phải qua Kho bạc Nhà nước kiểm soát chi có được không?

BỘ TÀI CHÍNH TRẢ LỜI:

Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó:

  • Tại Điều 11, Điều 15 và Điều 19 về quy định nguồn tài chính của đơn vị 
  • Tại Điều 23 về mở tài khoản giao dịch

→ Theo đó, căn cứ quy định Nghị định số 60/2021/NĐ-CP nêu trên, đơn vị sự nghiệp được sử dụng nguồn tài chính của đơn vị quy định tại Điều 11, Điều 15 và Điều 19 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP (tùy theo đơn vị sự nghiệp thuộc nhóm nào trong 04 nhóm quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP) và được mở tài khoản tại ngân hàng thương mại đối với các khoản thu từ hoạt động sự nghiệp, hoạt động kinh doanh, dịch vụ.

Các Quỹ được trích lập theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP được gửi tiền tại ngân hàng thương mại để quản lý và sử dụng theo đúng quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP.

2. Đối chiếu chênh lệch giữa số dư tiền mặt với biên bản kiểm kê

– Kiểm kê quỹ tiền mặt là việc kiểm đếm số lượng tiền thực tế trong quỹ tại 1 thời điểm nhất định để đối chiếu giữa số lượng tiền tồn quỹ với số lượng tiền tồn trên sổ quỹ tiền mặt tại thời điểm đó.

– Sau khi thực hiện kiểm kê quỹ tiền mặt thực tế và đối chiếu với sổ quỹ tiền mặt, đơn vị lập biên bản kiểm kê báo cáo kết quả kiểm kê và xử lý chênh lệch (nếu có).

– Định kỳ theo quy định hoặc khi có phát sinh yêu cầu kiểm kê quỹ tiền mặt, quy trình nghiệp vụ như sau:

  • Thành lập ban kiểm kê gồm: kế toán tiền mặt, thủ quỹ, kế toán trưởng hoặc thủ trưởng đơn vị.

  • Kiểm đếm số tiền mặt thực tế tồn quỹ theo từng loại tiền về mặt số lượng và mệnh giá.

  • Đối chiếu số dư thực tế kiểm kê với sổ kế toán tiền mặt tại quỹ, nếu có sự chênh lệch thì tìm nguyên nhân.

  • Sau khi xác định nguyên nhân thì ban kiểm kê sẽ ra quyết định xử lý hoặc trình lên cấp cao hơn để xử lý.
báo cáo quyết toán cuối năm
Mẫu sổ quỹ tiền mặt

DẤU HIỆU:

(1) Do tiền lẻ trong thanh toán (thường dưới 1.000 đồng)

(2) Nhầm số tiền thu chi

(3) Đã lập phiếu thu, phiếu chi nhưng thủ quỹ chưa thực thu, thực chi

CÁCH KHẮC PHỤC:

(1) =>chấp nhận bỏ qua chênh lệch

(2) => nhấn vào số hiệu chứng từ trên báo cáo để sửa lạisố tiền hạch toán theo chứng từ thực tế

(3) => nhấn vào số hiệu chứng từ trên báo cáo rồi xoá bỏ chứng từ này

[?] Các khoản chi dưới 5 triệu có hóa đơn giá trị gia tăng có thể thực hiện rút tiền mặt qua Hệ thống Kho bạc không?

BỘ TÀI CHÍNH TRẢ LỜI:

Theo quy định tại Khoản 6, Điều 6 Thông tư số 13/2017/TT-BTC ngày 15/2/2017 của Bộ Tài chính Quy định quản lý thu chi qua hệ thống Kho bạc Nhà nước quy định: “Các khoản chi của đơn vị giao dịch có giá trị nhỏ không vượt quá 5 triệu đồng đối với một khoản chi; các khoản chi cho các đoàn công tác, chi hỗ trợ thôn bản ở các xã và các khoản chi khác cho các đơn vị cung cấp hàng hóa, dịch vụ không có tài khoản tại ngân hàng, trừ những khoản chi cho những công việc cần phải thực hiện đấu thầu theo chế độ quy định”.

Như vậy, theo quy định nêu trên thì đối với các khoản chi của đơn vị giao dịch có giá trị nhỏ không vượt quá 5 triệu đồng đối với một khoản chi thì các đơn vị giao dịch được phép thực hiện thanh toán bằng hình thức dùng tiền mặt.

3. Đối chiếu chênh lệch giữa tài sản cố định với biên bản kiểm kê

– Thành lập Hội đồng kiểm kê gồm kế toán TSCĐ, cán bộ quản lý tài sản, đại diện các bộ phận sử dụng tài sản, kế toán trưởng hoặc thủ trưởng đơn vị,…

– Hội đồng kiểm kê lên phương án kiểm kê nêu rõ phạm vi kiểm kê, chia tổ kiếm kê, thời gian thực hiện và hướng dẫn kiểm kê.

– Hội đồng kiểm kê chuẩn bị tài liệu kiểm kê, bao gồm: bảng tổng hợp các TSCĐ cho từng bộ phận sử dụng, liệt kê các TSCĐ không còn sử dụng hư hỏng, chờ thanh lỳ, sửa chữa, danh mục TSCĐ cho mượn,…

– Các tổ kiểm kê tiến hành kiểm kê theo phương án kiểm kê, các thành viên thực hiện quan sát và kiểm đếm tài sản cố định. Kiểm kê hiện vật TSCĐ, tình trạng hoạt động (hoạt động tốt, bị hỏng) và tình trạng sử dụng (đang sử dụng, không sử dụng) của từng TSCĐ.

– Kết thúc kiểm kê, hội đồng kiểm kê thu lại các tài liệu kiểm kê, tổng hợp kết quả. So sánh số liệu kiểm kê trên bảng tổng hợp kết quả kiểm kê với số liệu trên sổ sách kế toán. Nếu có khác biệt cần trao đổi tìm hiểu nguyên nhân và ghi lại trên biên bản kiểm kê TSCĐ cho thủ trưởng phê duyệt.

– Dựa trên biên bản kiểm kê TSCĐ, thủ trưởng đơn vị đưa ra các quyết định xử lý chênh lệch hoặc trình biên bản kiểm kê TSCĐ và phương án xử kts chênh lệch cho các cấp có thẩm quyền.

– Căn cứ vào quyết định xử lý kết quả kiểm kê, kế toán TSCĐ hạch toán điều chỉnh số liệu trên sổ sách kế toán và ghi sổ TSCĐ

báo cáo quyết toán cuối năm 3
Mẫu sổ tài sản cố định

DẤU HIỆU:

(1) Ghi sai kỳ tăng của tài sản, tăng kỳ này nhưng nhận ở kỳ sau

(2) Ghi tăng thiếu tài sản

CÁCH KHẮC PHỤC:

(1) => sửa lại ngày trên chứng từ cho đúng với kỳ thực tế

(2) => khai báo bổ sung chứng từ ghi tăng tài sản

4. Đối chiếu chênh lệch giữa vật tư hàng hóa tồn kho với Biên bản kiểm kê

– Thủ trường đơn vị ra quyết định kiểm kê và thành lập Hội đồng kiểm kê

– Hội đồng kiểm kê lên phương án kiểm kê. Phương án kiểm kê nêu rõ phạm vi kiểm kê, chia tổ kiểm kê, thời gian thực hiện, hướng dẫn kiểm kê

– Các tổ kiếm kê tiến hành kiểm kê vật tư hàng hoá trong kho theo phương án kiểm kê. Khi kiểm kê có sự chứng kiến của Thủ kho

– Sau khi kiểm kê xong cần đối chiếu với sổ sách theo dõi xem có chênh lệch không, Hội đồng kiểm kê lập Biên bản kiểm kê. Thủ kho và các cá nhân tham gia kiểm kê ký nhận vào Biên bản kiểm kê

– Căn cứ các biên bản kiểm kê của tổ kiểm kê, Hội đồng kiểm kê họp tổng kết kết quả kiểm kê và lập Báo cáo kiểm kê, nếu có chênh lệch thừa thiếu đề xuất xử lý

– Thủ trường đơn vị phê duyệt báo cáo kiểm kê ra các quyết định xử lý chênh lệch (nếu có)

– Căn cứ kết quả kiểm kê ghi nhận vào sổ sách

báo cáo quyết toán cuối năm 4
Báo cáo tồn kho

DẤU HIỆU:

(1) Hạch toán nhầm lẫn giữa các kho

(2) Chưa tính giá xuất kho

CÁCH KHẮC PHỤC:

(1) => Thực hiện sửa lại chứng từ, chọn lại đúng kho thực tế

(2) => Thực hiện tính giá xuất kho

Nếu bạn có bất kỳ vướng mắc nào về nghiệp vụ kế toán HCSN cần tháo gỡ MỜI BẠN THAM GIA ĐẶT CÂU HỎI để giải đáp NGAY LẬP TỨC bởi đội ngũ kế toán trưởng tại Group CỘNG ĐỒNG LÀM KẾ TOÁN: https://www.facebook.com/groups/congdonglamketoan

báo cáo quyết toán cuối năm 6
Hỏi đáp báo cáo quyết toán cuối năm đơn vị HCSN

Trên đây là những chia sẻ Kế Toán Việt Hưng về các lưu ý cần thực hiện đối chiếu kiểm kê trước khi nộp báo cáo quyết toán năm tài chính đối với đơn vị HCSN công lập. Đừng quên Like Fanpage chúng tôi kịp thời nhận ưu đãi dành cho tất cả các khóa học kế toán đơn vị sự nghiệp trên mọi lĩnh vực!

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *