Nếu bạn là một người có mức thu nhập từ khá trở lên, hay đơn giản bạn là người quan tâm đến các vấn đề về thuế, đặc biệt là thuế thu nhập cá nhân thì xin chúc mừng vì bài viết này là dành cho bạn. Hôm nay tôi sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cách xác định mức thuế suất thuế TNCN phải nộp.
- Cách tra cứu mã số thuế cá nhân và doanh nghiệp online
- Mức lương tối thiểu vùng mới nhất năm 2019 theo 157/2018/NĐ-CP
CÁCH XÁC ĐỊNH THUẾ SUẤT THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN NĂM 2019
Theo Điều 22, 23, 24, mục 2, chương 2, Luật thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12 của Quốc hội, là nơi quy định về Biểu thuế để căn cứ xác định mức thuế suất áp dụng tính thuế TNCN:
1. Biểu thuế luỹ tiến từng phần
– Biểu thuế luỹ tiến từng phần áp dụng đối với thu nhập tính thuế quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật Thuế thu nhập cá nhân (Thu nhập tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công là tổng thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 10 và Điều 11 của Luật này, trừ các khoản đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành, nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, các khoản giảm trừ quy định tại Điều 19 và Điều 20 của Luật này.)
– Biểu thuế luỹ tiến từng phần được quy định như sau:
Bậc thuế | Phần thu nhập tính thuế/năm
(triệu đồng) |
Phần thu nhập tính thuế/tháng
(triệu đồng) |
Thuế suất (%) |
1 | Đến 60 | Đến 5 | 5 |
2 | Trên 60 đến 120 | Trên 5 đến 10 | 10 |
3 | Trên 120 đến 216 | Trên 10 đến 18 | 15 |
4 | Trên 216 đến 384 | Trên 18 đến 32 | 20 |
5 | Trên 384 đến 624 | Trên 32 đến 52 | 25 |
6 | Trên 624 đến 960 | Trên 52 đến 80 | 30 |
7 | Trên 960 | Trên 80 | 35 |
Ứng với mỗi bậc thuế thì sẽ được áp dụng từng mức thuế suất khác nhau. Phương pháp tính thuế thu nhập cá nhân trên áp dụng đối với Cá nhân cư trú có thu nhập tiền lương, tiền công, thu nhập từ kinh doanh. Sau đây là cách áp dụng cho mỗi bậc thuế để các bạn dễ hình dung hơn:
Bậc 1:Thu nhập tính thuế TNCN từ 0 – 5 triệu/tháng thì áp dụng mức thuế suất 5% Do đó
Số thuế TNCN phải nộp: 0 trđ + 5% thu nhập tính thuế
Bậc 2: Thu nhập tính thuế TNCN từ 5-10 triệu/tháng thì áp dụng mức thuế suất 10% do đó
Số thuế TNCN phải nộp: 0,25trđ + 10% thu nhập tính thuế trên 5 trđ
Bậc 3: Thu nhập tính thuế TNCN từ 10 -18 triệu/tháng thì áp dụng mức thuế suất 15% do đó
Số thuế TNCN phải nộp: 0,75 trđ + 15% thu nhập tính thuế trên 10 trđ
Bậc 4: Thu nhập tính thuế TNCN từ 18 – 32 triệu/tháng thì áp dụng mức thuế suất 20% do đó
Số thuế TNCN phải nộp: 1,95 trđ + 20% thu nhập tính thuế trên 18 trđ
Bậc 5: Thu nhập tính thuế TNCN từ 32 – 52 triệu/tháng thì áp dụng mức thuế suất 25% do đó
Số thuế TNCN phải nộp: 4,75 trđ + 25% thu nhập tính thuế trên 32 trđ
Bậc 6: Thu nhập tính thuế từ 52 – 80 triệu/tháng thì áp dụng mức thuế suất 30% do đó
Số thuế TNCN phải nộp: 9,75 trđ + 30% TNTT trên 52 trđ
Bậc 7: Thu nhập tính thuế trên 80 triệu/tháng thì áp dụng mức thuế suất 35% do đó
Số thuế TNCN phải nộp: 18,15 trđ + 35% TNTT trên 80 trđ
2. Biểu thuế toàn phần
– Biểu thuế toàn phần áp dụng đối với thu nhập tính thuế quy định tại khoản 2 Điều 21 của Luật này. ( Thu nhập tính thuế đối với thu nhập từ đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản, trúng thưởng, tiền bản quyền, nhượng quyền thương mại, nhận thừa kế, quà tặng là thu nhập chịu thuế quy định tại các điều 12, 13, 14, 15, 16, 17 và 18 của Luật này.)
– Biểu thuế toàn phần được quy định như sau: (đối với cá nhân cư trú)
Thu nhập tính thuế | Thuế suất (%) |
a) Thu nhập từ đầu tư vốn | 5 |
b) Thu nhập từ bản quyền, nhượng quyền thương mại | 5 |
c) Thu nhập từ trúng thưởng | 10 |
d) Thu nhập từ thừa kế, quà tặng | 10 |
đ) Thu nhập từ chuyển nhượng vốn quy định tại khoản 1 Điều 13 của Luật này
Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán quy định tại khoản 2 Điều 13 của Luật này |
20
0,1 |
e) Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này
Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản quy định tại khoản 2 Điều 14 của Luật này |
25
2 |
3. Thu nhập từ kinh doanh đối với cá nhân cư trú
– Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ;
– Thu nhập từ hoạt động hành nghề độc lập của cá nhân có giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật. Thu nhập từ kinh doanh quy định tại khoản này không bao gồm thu nhập của cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống.”
Biểu thuế áp dụng cho Thu nhập từ kinh doanh:
Lĩnh vực kinh doanh | % Doanh thu |
Phân phối, cung cấp hàng hoá | 0,5 |
Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu | 2 |
Cho thuê tài sản, đại lý bảo hiểm, đại lý xổ số, đại lý bán hàng đa cấp | 5 |
Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hoá, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu | 1,5 |
Hoạt động kinh doanh khác | 1 |
4. Thu nhập từ kinh doanh đối với cá nhân không cư trú:
– Thuế chỉ tính trên phần thu nhập phát sinh tại Việt Nam
– Cách xác định TNCT khác với đối tượng cư trú: không được trừ chi phí
– Không áp dụng giảm trừ gia cảnh
– Mỗi loại thu nhập áp dụng một mức thuế suất riêng
Loại Thu nhập chịu thuế | Thuế suất (%) |
Thu từ sản xuất kinh doanh
+ Đối với hoạt động thương mại + Đối với hoạt động cung cấp dịch vụ + Đối với hoạt động sản xuất, xây dựng, vận tải và hoạt động sản xuất kinh doanh khác Lưu ý: TH không tách riêng được từng loại TN |
1 5 2 |
Thu nhập từ tiền lương, tiền công | 20 |
Thu nhập từ đầu tư vốn | 5 |
Thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn | 0,1 |
Thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng, chuyển đối bất động sản | 2 |
Thu nhập từ tiền bản quyền, nhượng quyền thương mại | 5 |
Thu nhập từ trúng thưởng, nhận thừa kế, quà tặng vượt trên 10tr | 10 |
5. Ví dụ về cách tính thuế thu nhập cá nhân năm 2019
Chị An có thu nhập từ tiền lương tiền công trong tháng 6/2019 là 70 triệu đồng và chị phải nộp các khoản bảo hiểm như sau:
– 7% bảo hiểm xã hội
– 1,5 % bảo hiểm y tế
Ngoài ra:
– Chị nuôi 2 con gái đều dưới 18 tuổi
– Trong tháng 6 này chị An không đóng góp khoản tiền từ thiện hay nhân đạo nào cả
Cách tính thuế thu nhập cá nhân của chị An trong tháng 5/2019 như sau:
Thu nhập chịu thuế của chị là: 70 triệu đồng
– Các khoản giảm trừ của chị An:
+ Giảm trừ bản thân: 9 triệu
+ Giảm trừ gia cảnh cho 2 con của chị: 3,6 triệu x 2 = 7,2 triệu
+ Bảo hiểm xã hội, BHYT: 70 triệu x ( 7% + 1,5%) = 5,95 triệu
Tổng cộng các khoản giảm trừ cho chị An = 9 triệu + 7,2 triệu+ 5,95 triệu = 22,15 triệu đồng
Từ đó ta suy ra được thu nhập tính thuế của chị An = 70 triệu – 22,15 = 47,85 triệu đồng
Vậy nên chị An có mức thuế suất ở bậc 5 là vì thu nhập tính thuế là 47,85 triệu đồng thuộc khoảng Trên 32 đến 52 triệu đồng trên biểu thuế lũy tiến
Vậy số thuế thu nhập cá nhân mà chị An phải nộp trong tháng 6/2019 là
= (5 triệu x 5%) + ( (10 triệu – 5 triệu) x 10%) +( (18 triệu đồng – 10 triệu đồng) × 15%) + ((32 triệu đồng – 18 triệu) x 20%) + ((47,85 triệu – 32 triệu) x 25% = 0,25 triệu + 0,5 triệu + 1,2 triệu + 2,8 triệu + 3,9625 triệu = 8,7125 triệu đồng
Trên đây là ví dụ minh họa để các bạn hiểu rõ hơn về cách tính thuế thu nhập cá nhân. Qua bài viết, tôi hy vọng các bạn đã có cái nhìn tổng quát hơn về các mức thuế suất thuế TNCN để từ đó áp dụng khi tiến hành tính thuế TNCN. Nếu còn những thắc mắc liên quan tới nội dung bài viết nói riêng và về vấn đề làm kế toán nói chung, xin mời bạn dành chút thời gian truy cập Website lamketoan.vn và để lại câu hỏi để được giải đáp sớm nhất.