Hỏi đáp kế toán hành chính sự nghiệp chi tiết

Câu hỏi: tôi đang công tác tại Trường THPT Gò Vấp – TPHCM, là đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo một phần chi thường xuyên, có một vấn đề muốn trợ giúp: Cuối năm 2020 được trích lập quỹ phúc lợi từ chênh lệch thu lớn hơn chi từ nguồn ngân sách năm là: 715 triệu đồng; Trường làm giấy rút dự toán từ ngân sách cho quỹ phúc lợi: vào ngày 19/12/2020 rút 225 triệu đồng (tạm ứng) từ KBNN và ngày 06/01/2021 rút 490 triệu đồng (thực chi) từ KBNN, ngày 10/01/2021 đã làm giấy Thanh toán tạm ứng với KBNN số tiền 225 triệu đồng. Xin hỏi trong “Báo cáo chi tiết chi từ nguồn NSNN và nguồn phí được khấu trừ để lại “năm 2020 (phụ biểu F01-01/BCQT), số tiền trích lập quỹ phúc lợi từ nguồn ngân sách nhà nước được ghi là: 490 triệu đông. Xin hỏi việc này có đúng không?

==> Trả lời:

Nội dung thư độc giả hỏi về việc đơn vị hạch toán và lập báo cáo quyết toán đối với khoản trích quỹ phúc lợi năm 2020 theo quy định của chế độ kế toán hành chính sự nghiệp ban hành theo Thông tư 107/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính. Về vấn đề này Cục Quản lý giám sát Kế toán, Kiểm toán- Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

1. Năm 2020 các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện tự chủ tài chính theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/02/2015 về quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo Khoản 3, Điều 14, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định về tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên:

“3. Phân phối kết quả tài chính trong năm

a) Hàng năm, sau khi hạch toán đầy đủ các khoản chi phí, nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước khác (nếu có) theo quy định, phần chênh lệch thu lớn hơn chi hoạt động thường xuyên (nếu có), đơn vị được sử dụng theo trình tự như sau:

– Trích tối thiểu 15% để lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp;

– Trích lập Quỹ bổ sung thu nhập tối đa không quá 2 lần quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp lương do Nhà nước quy định;

– Trích lập Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi tối đa không quá 2 tháng tiền lương, tiền công thực hiện trong năm của đơn vị;

– Trích lập Quỹ khác theo quy định của pháp luật;

– Phần chênh lệch thu lớn hơn chi còn lại (nếu có) sau khi đã trích lập các quỹ theo quy định được bổ sung vào Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp.

Trường hợp chênh lệch thu lớn hơn chi bằng hoặc nhỏ hơn một lần quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ thực hiện trong năm, đơn vị được quyết định sử dụng theo trình tự sau: Trích lập Quỹ bổ sung thu nhập; Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi, Quỹ khác (nếu có).

b) Mức trích cụ thể của các quỹ theo quy định tại Điểm a Khoản này và việc sử dụng các quỹ do thủ trưởng đơn vị quyết định theo quy chế chi tiêu nội bộ và phải công khai trong đơn vị. Nội dung chi từ các quỹ thực hiện theo quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 12 Nghị định này”.

2. Theo quy định của Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp ban hành theo Thông tư 107/2017/TT-BTC, tại Phụ lục số 02, nguyên tắc hạch toán tài khoản 421 “Thặng dư (thâm hụt) lũy kế”: “Việc phân phối và sử dụng số thặng dư phải tuân thủ các quy định của chế độ tài chính hiện hành”.

3. Trường hợp năm 2020, đơn vị đã thực hiện việc trích lập quỹ theo đúng quy định của cơ chế tài chính. Số đã rút thực chi (bao gồm cả số đã thanh toán tạm ứng với Kho bạc nhà nước) để trích các quỹ từ dự toán ngân sách cấp trong năm 2020 ngoài việc hạch toán tài khoản trong bảng còn phải được hạch toán đồng thời vào bên Có TK 008 (thực chi), lưu ý việc hạch toán các khoản rút dự toán vào bên Có TK 008 phải căn cứ theo chứng từ rút tiền với Kho bạc nhà nước (thuộc dự toán năm trước, năm nay) để hạch toán niên độ phù hợp.

Với tình huống cụ thể trong thư hỏi của độc giả, không nêu rõ ngày 06/01/2021 đơn vị rút dự toán thực chi 490 triệu đồng để trích quỹ phúc lợi và ngày 10/01/2021 thực hiện thanh toán tạm ứng 225 triệu đồng (cho khoản đã ứng trong tháng 12/2020) là khoản chi được hạch toán vào ngân sách năm 2020, hay đã được chuyển mang sang dự toán sang 2021.

Trường hợp các khoản thực chi nêu trên đơn vị chưa chuyển sổ dự toán sang 2021 mà thực hiện rút dự toán năm 2020 (trong thời gian chỉnh lý quyết toán) thì số liệu này sẽ được thể hiện trên báo cáo quyết toán năm 2020.

Câu hỏi: Chúng tôi là một đơn vị trong lực lượng vũ trang, là đơn vị dự toán. Hiện nay, đang lập thiết kế sửa chữa và dự toán sửa chữa công trình đột xuất, sử dụng ngân sách chi thường xuyên cho công tác bảo quản, sửa chữa doanh trại (mục sửa chữa nhà cửa và bảo trì công trình), có giá trị dự toán sửa chữa là 450 triệu đồng. Theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 thì đơn vị chúng tôi phải lập dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu trình cấp trên trực tiếp phê duyệt. Tuy nhiên, theo quy định tại muc a) khoản 4 Điều 35 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình, thì đối với nội dung sửa chữa công trình, thiết bị công trình có chi phí dưới 500 triệu đồng sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước chi thường xuyên thì chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình tự quyết định về kế hoạch sửa chữa với các nội dung như tên bộ phận công trình hoặc thiết bị cần sửa chữa, thay thế; lý do sửa chữa hoặc thay thế, mục tiêu sửa chữa hoặc thay thế; khối lượng công việc; dự kiến chi phí, dự kiến thời gian thực hiện và thời gian hoàn thành. Vậy, đối với trường hợp của chúng tôi thì phải thực hiện theo Thông tư số 58/2016/TT-BTC hay theo Nghị định số 06/2021/NĐ-CP.

Trả lời:

1. Về lập dự toán, phân bổ và quyết toán kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công:

Tại Thông tư số 65/2021/TT-BTC ngày 26/7/2021 của Bộ Tài chính quy định về lập dự toán, phân bổ và quyết toán kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công quy định:

Điều 2. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công từ các nguồn kinh phí sau:

a) Nguồn chi thường xuyên của ngân sách nhà nước được cân đối tương ứng với từng lĩnh vực sử dụng tài sản công, trong dự toán chi ngân sách nhà nước được giao hàng năm của cơ quan, đơn vị theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành;

b) Nguồn trích từ phí được để lại để chi thường xuyên theo quy định của pháp luật;

c) Nguồn từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị;

d) Nguồn kinh phí hợp pháp khác.

2. Thông tư này không điều chỉnh đối với:

a) Kinh phí xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng tài sản công theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn;

b) Kinh phí xây dựng, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa tài sản công trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh thực hiện theo Nghị định số 165/2016/NĐ-CP ngày 24tháng 12năm 2016 của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninhvà được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 01/2020/NĐ-CP ngày 14tháng 5năm 2020 củaChính phủ;

c) Đối với các lĩnh vực đã có quy định pháp luật chuyên ngành về quản lý kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công thì thực hiện theo quy định chuyên ngành đối với từng lĩnh vực;

d) Kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công giao cho doanh nghiệp nhà nước quản lý, sử dụng thực hiện theo quy định đối với doanh nghiệp Nhà nước.

2. Về thực hiện pháp luật về đấu thầu đối với các công trình sửa chữa:

Tại Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ Tài chính quy định chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp quy định:

– Điều 1. Đối tượng áp dụng: Các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức khoa học và công nghệ công lập (sau đây gọi tắt là cơ quan, đơn vị) khi sử dụng vốn nhà nước theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư này để mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ nhằm duy trì hoạt động thường xuyên.

(Điều 2. Phạm vi điều chỉnh

2. Nguồn kinh phí mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ, gồm:

a) Nguồn chi thường xuyên ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước được cơ quan có thẩm quyền giao trong dự toán chi ngân sách hàng năm của cơ quan, đơn vị (bao gồm cả nguồn bổ sung trong năm);

b) Nguồn vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia trong trường hợp thực hiện theo hình thức không hình thành dự án đầu tư;

c) Vốn tín dụng do nhà nước bảo lãnh, vốn khác do nhà nước quản lý (nếu có);

d) Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA): Vay nợ, viện trợ không hoàn lại được cân đối trong chi thường xuyên ngân sách nhà nước; nguồn viện trợ, tài trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước thuộc ngân sách nhà nước (trừ trường hợp Điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác);

đ) Nguồn thu từ phí, lệ phí được sử dụng theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí;

e) Nguồn kinh phí từ thu hoạt động sự nghiệp, quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, quỹ hợp pháp khác theo quy định của pháp luật tại đơn vị sự nghiệp công lập;

g) Nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế;

h) Nguồn thu hợp pháp khác theo quy định (nếu có))

– Điểm h khoản 1 Điều 2. Phạm vi điều chỉnh:

h) Dịch vụ phi tư vấn bao gồm: Thuê các dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa máy móc, trang thiết bị, phương tiện làm việc, phương tiện vận chuyển; sửa chữa thường xuyên nhỏ, lẻ nhà cửa, công trình xây dựng không thuộc dự án đầu tư xây dựng cơ bản; dịch vụ thuê trụ sở làm việc, nhà trạm, ô tô phục vụ công tác, vệ sinh công nghiệp; dịch vụ xử lý chất thải; dịch vụ chăm sóc vườn hoa, cây cảnh; dịch vụ thuê đường truyền dẫn; dịch vụ bảo hiểm; dịch vụ thẩm định giá (nếu có); dịch vụ cung cấp điện, nước, điện thoại cố định; dịch vụ đào tạo, tập huấn, tổ chức hội nghị, hội thảo và các dịch vụ phi tư vấn khác.

– Chương II (Trách nhiệm thẩm định, phê duyệt trong lựa chọn nhà thầu): Điều 5, 6, 7, 8.

– Chương III (Kế hoạch lựa chọn nhà thầu): Điều 9, 10, 11, 12, 13, 14.

….

Vì vậy, bạn cần nghiên cứu các quy định tại Thông tư số 65/2021/TT-BTC và Thông tư số 58/2016/TT-BTC để thực hiện theo quy định.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *