Cập nhật chi tiết chế độ thai sản mới nhất dành cho nam và nữ

Chế độ thai sản mới nhất – Lao động nữ sinh con và đáp ứng đủ điều kiện về quá trình đóng bảo hiểm xã hội theo quy định thì người lao động sẽ được hưởng chế độ thai sản. Bên cạnh đó cũng có chế độ thai sản dành cho nam khi nhận được thiên chức làm bố. Cùng Kế toán Việt Hưng tìm hiểu chi tiết chế độ thai sản mới nhất dành cho nam và nữ qua bài viết sau đây.

chế độ thai sản
Cập nhật chi tiết chế độ thai sản mới nhất dành cho nam và nữ

Áp dụng theo:

+ Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014

+ Quyết định 166/QĐ-BHXH

+ Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH

Chế độ thai sản mới nhất năm 2020

1. Đâu là đối tượng được hưởng chế độ thai sản cho nam giới lẫn nữ giới?

Theo Điều 31 tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014:

– Lao động nữ mang thai

– Lao động nữ sinh con

– Người lao động nhận con nuôi

– Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ

– Lao động nữ đặt vòng tránh thai hay áp dụng các biện pháp triệt sản

– Lao động nam đang đóng BHXH có vợ sinh con

⇒ Khi vợ sinh con thì chỉ cần đang tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) thì lao động nam sẽ được hưởng chế độ thai sản.

XEM THÊM: Lao động nghỉ việc trước khi sinh con có được hưởng chế độ thai sản không?

2. Điều kiện hưởng chế độ thai sản mới nhất cho nam giới lẫn nữ giới?

Thời gian tham gia để được hưởng chế độ này của nhóm đối tượng trên:

– Thuộc 1 trong các nhóm đối tượng được hưởng chế độ thai sản nêu trên

– (1)  Lao động nữ sinh con, mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ và nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

– (2) Lao động nữ sinh con đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

⇒ Người lao động nam và nữ đáp ứng đủ điều kiện (1) & (2) chấm dứt hợp đồng lao động hoặc thôi việc trước khi sinh hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ này.

[?] Trường hợp chỉ có cha tham gia BHXH (mẹ không tham gia BHXH) thì người cha có được hưởng chế độ thai sản cho nam không?

Trả lời: Căn cứ theo Điểm a Khoản 2 Điều 9 tại Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, để được hưởng trợ cấp 1 lần trong trường hợp chỉ có cha tham gia BHXH (mẹ không tham gia BHXH) thì người cha còn phải đáp ứng thêm điều kiện:

“Phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.”

LƯU Ý: Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì chỉ được hưởng các chế độ như khám thai, thai chết lưu, nạo hút thai, sẩy thai, phá thai bệnh lý, thời gian nghỉ sinh

3. Thời gian hưởng chế độ thai sản mới nhất

3.1 Thời gian hưởng chế độ thai sản cho nam khi sinh con

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014:

2. Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:

a) 05 ngày làm việc;

b) 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;

c) Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;

d) Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.

⇒ Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.

MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT CHẾ ĐỘ THAI SẢN CHO NAM:

– Trường hợp chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội hoặc cả cha và mẹ đều tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ theo quy định tại Khoản 1 Điều này. Trường hợp mẹ tham gia bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 31 của Luật này mà chết thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.

– Trường hợp cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng tham gia bảo hiểm xã hội mà không nghỉ việc theo quy định tại khoản 4 Điều này thì ngoài tiền lương còn được hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của mẹ theo quy định tại khoản 1 Điều này trên.

– Trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con hoặc gặp rủi ro sau khi sinh mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.

3.2 Thời gian hưởng chế độ thai sản cho nữ

(1) Chế độ thai sản khi đi khám thai

– Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai.

– Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

(2) Chế độ thai sản khi bị sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý

– Khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau:

  • 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi;
  • 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi;
  • 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi;
  • 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.

– Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản 1 Điều này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

(3) Chế độ thai sản khi sinh con

– Trường hợp chế độ thai sản trước & sau khi sinh con có trường hợp sinh đôi con:

  • Trước và sau khi sinh được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản là 06 tháng (*)
  • Trước khi sinh thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản tối đa không quá 02 tháng
  • Sinh đôi con trở lên thì lao động nữ thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng

– Trường hợp chế độ thai sản khi sinh con bị chết:

  • Nếu con dưới 02 tháng tuổi bị chết thì mẹ được nghỉ việc 04 tháng tính từ ngày sinh con
  • Nếu con từ 02 tháng tuổi trở lên bị chết thì mẹ được nghỉ việc 02 tháng tính từ ngày con chết, nhưng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không vượt quá thời gian quy định tại (*); thời gian này không tính vào thời gian nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động.

– Trường hợp chế độ thai sản khi sinh con thứ 3

Đáp ứng đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản vẫn tham gia hưởng chế độ thai sản như bình thường không bị ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động

(4) Chế độ thai sản khi mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ

Theo quy định tại Điều 35 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014:

– Lao động nữ mang thai hộ được hưởng chế độ khi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý và chế độ khi sinh con cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ nhưng không vượt quá thời gian quy định tại (*) của Luật này. Trong trường hợp kể từ ngày sinh đến thời điểm giao đứa trẻ mà thời gian hưởng chế độ thai sản chưa đủ 60 ngày thì người mang thai hộ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi đủ 60 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần

– Người mẹ nhờ mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.

– Chính phủ quy định chi tiết chế độ thai sản, thủ tục hưởng chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ.

(5) Chế độ thai sản khi nhận nuôi con nuôi

– Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.

– Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản 2 Điều 31 của Luật này thì chỉ cha hoặc mẹ được nghỉ việc hưởng chế độ.

(6) Chế độ khi thực hiện các biện pháp tránh thai

– Khi thực hiện các biện pháp tránh thai thì người lao động được hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau:

  • 07 ngày đối với lao động nữ đặt vòng tránh thai
  • 15 ngày đối với người lao động thực hiện biện pháp triệt sản

⇒ Thời gian hưởng chế độ thai sản tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

tiền thai sản
Bảo hiểm thai sản đối với lao động nữ khi khám thai

4. Nghỉ dưỡng sức sau sinh có được hưởng lương không?

Đối với những lao động nữ trong 30 ngày đầu trở lại làm việc mà vẫn chưa đủ sức khỏe, pháp luật tạo điều kiện cho họ được nghỉ dưỡng sức từ 05 đến 10 ngày:

– Tối đa 10 ngày nếu sinh một lần từ hai con trở lên;

– Tối đa 07 ngày nếu sinh mổ;

– Tối đa 05 ngày với các trường hợp khác.

Trong thời gian này, người lao động được chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản với mức hưởng:

Mức hưởng mỗi ngày   =30%   x   Mức lương cơ sở

5. Mức hưởng tiền thai sản 2020 tính như thế nào?

5.1 Đối với lao động nữ sinh con & nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi

– Trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.

Theo Nghị quyết số 86/2019/QH14, từ nay đến ngày 30/6/2020, mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng và từ ngày 01/7/2020, mức lương cơ sở là 1.600.000 đồng/tháng.

Mức trợ cấp=2x Lương cơ sở

Cụ thể tiền trợ cấp 1 lần khi sinh con tăng 220.000 đồng:

+ Từ 01/01/2020, mức trợ cấp là: 1.490.000 đồng x 2 = 2.980.000 đồng.

+ Từ 01/07/2020, mức trợ cấp là: 1.60.000 đồng x 2 = 3.200.000 đồng.

– Sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.

♦ Tiền thai sản

Mức hưởng hàng tháng =  100%  x  Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH 06 tháng trước khi nghỉ việc

⇒ Trường hợp chưa đóng đủ 06 tháng thì mức hưởng được tính theo mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng (tiền thai sản)

♦ Tiền chế độ tính theo tiền lương tháng đóng BHXH

– Căn cứ theo Điều 39 tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014: “Mức hưởng chế độ thai sản của lao động nữ sinh con mỗi tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.”

– Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.

VÍ DỤ:

Chị Linh đóng BHXH từ tháng 01/2019 đến tháng 12/2019 với mức 05 triệu đồng/tháng. Từ tháng 01/2020 đến tháng 02/2020, mức lương đóng BHXH là 06 triệu đồng/tháng. Đến tháng 3/2020, chị nghỉ sinh con.

=> Mức bình quân tiền tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi chị nghỉ việc sinh con là 5,5 triệu đồng/tháng. Đây chính là mức hưởng chế độ thai sản hàng tháng của chị.

Nếu nghỉ sinh đủ 06 tháng thì tổng số tiền thai sản mà chị nhận được là 5,5 triệu đồng/tháng x 6 = 33 triệu đồng.

♦ Tiền dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh

– Căn cứ theo Khoản 3 Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định: “Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.”

– Mức lương cơ sở được lấy làm căn cứ để tính tiền dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh (từ ngày 01/7/2020 trở đi thì tiền dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh tăng 33.000 đồng/ngày)

  • Trường hợp sinh con trước ngày 01/7/2020, tiền dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh là 1.490.000 đồng x 30% = 447.000 đồng/ngày
  • Trường hợp sinh con từ ngày 01/07/2020, tiền dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh là là 1.600.000 đồng x 30% = 480.000 đồng/ngày

5.2 Đối với lao động nam

–  Trợ cấp một lần trường hợp sinh con nhưng chỉ có người chồng tham gia BHXH và đã đóng đủ từ 06 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi người vợ sinh.

Mức trợ cấp=2x Lương cơ sở

– Tiền thai sản của chồng khi vợ sinh con:

Mức hưởngMức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ việc : 24  x  Số ngày nghỉ

6. Thủ tục hồ sơ hưởng chế độ thai sản mới nhất

6.1 Hồ sơ hưởng chế độ thai sản cho nam

Quy định tại Điểm 2.2 khoản 2 Điều 4 Quyết định 166/QĐ-BHXH, hồ sơ hưởng chế độ thai sản cho chồng bao gồm:

  • Bản sao giấy chứng sinh
  • Hoặc bản sao giấy khai sinh
  • Hoặc trích lục khai sinh

Trường hợp đặc biệt:

– Vợ sinh con phải phẫu thuật hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi mà giấy chứng sinh không thể hiện thì cần có thêm giấy tờ của cơ sở khám, chữa bệnh thể hiện việc vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi.

– Con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh thì thay bằng trích sao hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ hoặc của lao động nữ mang thai hộ thể hiện con chết.

6.2 Hồ sơ hưởng chế độ thai sản cho nữ

Quy định tại Điều 101 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Điều 9 Quyết định 166/QĐ-BHXH, hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con bao gồm:

– Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con

– Bản sao giấy chứng tử của con trong trường hợp con chết, bản sao giấy chứng tử của mẹ trong trường hợp sau khi sinh con mà mẹ chết

– Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về tình trạng người mẹ sau khi sinh con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con

– Trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh

– Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc lao động nữ phải nghỉ việc để dưỡng thai đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 31 của Luật này

Trường hợp đặc biệt:

– Trường hợp lao động nữ đi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý, thực hiện biện pháp tránh thai:

  • Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH nếu điều trị ngoại trú
  • Giấy ra viện nếu điều trị nội trú

– Trường hợp người lao động nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi

  • Giấy chứng nhận nuôi con nuôi

THỜI GIAN HOÀN TẤT THỦ TỤC HƯỞNG CHẾ ĐỘ THAI SẢN

(1) Nộp hồ sơ hưởng chế độ

– Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản nêu trên cho người sử dụng lao động (tại khoản 1 và khoản 2 Điều 100, các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 101 Luật Bảo hiểm xã hội 2014)

– Trường hợp thôi việc trước khi sinh hoặc nhận con nuôi thì nộp hồ sơ và xuất trình sổ BHXH cho cơ quan BHXH (tại khoản 1 và khoản 3 Điều 101 Luật Bảo hiểm xã hội 2014)

(2) Người chủ sử dụng lao động

– Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ quy định tại Điều 100 và Điều 101 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 này nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội

(3) Thời gian hồ sơ xem xét giải quyết của cơ quan bảo hiểm xã hội

– 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người sử dụng lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động

– 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người lao động thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con nuôi, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động

=> Tối đa trong 20 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ, người lao động sẽ được nhận tiền thai sản.

THAM KHẢO: Danh sách các khoá học kế toán Online

XEM THÊM: Tra cứu số sổ bảo hiểm xã hội

Trên đây cập nhật chi tiết chế độ thai sản mới nhất dành cho nam và nữ mà Kế toán Việt Hưng muốn chia sẻ mong rằng sẽ hữu ích cho các bạn xem – Tham gia ngay Khoá học Kế toán Online tại Việt Hưng cam kết nâng trình nghệp vụ sau 1 khoá không hiệu quả hoàn tiền. 

0 0 Bình chọn
Bình chọn
Theo dõi
Thông báo cho
guest

0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận