Hướng dẫn cách tính chi phí bị khống chế (phần 2)

Bài viết hôm nay, Kế Toán Việt Hưng xin gửi đến bạn phần cuối trong loạt bài về hướng dẫn cách tính chi phí bị khống chế của doanh nghiệp. Bài viết sẽ đề cập đến các khoản chi phí như: tăng ca, thuê nhà, vi phạm hợp đồng… Mời bạn cùng theo dõi nhé!

Các khoản chi phí bị khống chế

5. Chi phí tăng ca

Theo quy định về khoản chi phí bị khống chế tại Điều 107 Bộ luật lao động 2019, việc làm thêm giờ phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

– Phải được sự đồng ý của người lao động;

– Không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 40 giờ trong 01 tháng;

– Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 01 năm. Chỉ những trường hợp dưới đây số giờ làm thêm không quá 300 giờ trong 01 năm:

+ Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm hàng dệt, may, da, giày, điện, điện tử, chế biến nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản;

+ Sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước;

+ Trường hợp giải quyết công việc đòi hỏi lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao mà thị trường lao động không cung ứng đầy đủ, kịp thời;

Cách tính khoản chi phí bị khống chế với chi phí tăng ca
Cách tính khoản chi phí bị khống chế với chi phí tăng ca

+ Trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn do tính chất thời vụ, thời điểm của nguyên liệu, sản phẩm hoặc để giải quyết công việc phát sinh do yếu tố khách quan không dự liệu trước, do hậu quả thời tiết, thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, thiếu điện, thiếu nguyên liệu, sự cố kỹ thuật của dây chuyền sản xuất;

– Khi tổ chức làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 doanh nghiệp lưu ý thủ tục và gửi Công văn đến Sở lao động và được chấp thuận.

6. Chi phí thuê nhà

Theo Điều 11 Thông tư 92/2015/TT-BTC, nếu doanh nghiệp chi trả thay người lao động khoản tiền thuê nhà, điện nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có) thì phải tính và khấu trừ thuế TNCN. Tuy nhiên khoản chi phí bị khống chế này không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế phát sinh (chưa bao gồm tiền thuê nhà, điện nước và dịch vụ kèm theo (nếu có) tại đơn vị không phân biệt nơi trả thu nhập.”

7. Trích lập quỹ dự phòng tiền lương

Theo Khoản 2 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC, khoản chi phí bị khống chế này được quy định như sau:

Khoản chi tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp phải trả cho người lao động nhưng hết thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế năm thực tế chưa chi không được tính vào chi phí được trừ. Trường hợp doanh nghiệp có trích lập quỹ dự phòng để bổ sung vào quỹ tiền lương của năm sau liền kề nhưng không quá 17% quỹ tiền lương thực hiện.

Quỹ tiền lương thực hiện là tổng số tiền lương thực tế đã chi trả của năm quyết toán đó không bao gồm số tiền trích lập quỹ dự phòng tiền lương của năm trước chi trong năm quyết toán thuế.

Việc trích lập dự phòng tiền lương phải đảm bảo: Sau khi trích lập, doanh nghiệp không bị lỗ. Nếu doanh nghiệp bị lỗ thì không được trích đủ 17%.

Trường hợp năm trước doanh nghiệp có trích lập quỹ dự phòng tiền lương. Mà sau 6 tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính doanh nghiệp chưa sử dụng. Hoặc sử dụng không hết quỹ dự phòng tiền lương. Thì doanh nghiệp phải tính giảm chi phí của năm sau.

8. Chi phí phạt vi phạm hợp đồng 

– Đối với hợp đồng xây dựng: công trình xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, mức phạt hợp đồng không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm (Điều 146 Luật Xây dựng 2014, điểm c khoản 64 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020)

Quy định về chi phí vi phạm hợp đồng theo Luật Xây dựng sửa đổi 2020
Quy định về chi phí vi phạm hợp đồng theo Luật Xây dựng sửa đổi 2020

– Đối với hợp đồng thương mại: Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật Thương mại 2005.

Các bên trong hợp đồng chỉ được áp dụng phạt vi phạm khi có thỏa thuận.

9. Chi phí chuyển lỗ

Theo Điều 7 Nghị định 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013, doanh nghiệp có lỗ thì được chuyển lỗ sang năm sau, số lỗ này được trừ vào thu nhập chịu thuế. Thời gian được chuyển lỗ tính liên tục không vượt quá 5 năm kể từ từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ.

10. Chi phí vượt định mức tiêu hao nguyên vật liệu

Theo Điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC quy định chi phí không được trừ:

2.3.Phần chi vượt định mức tiêu hao nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hoá đối với một số nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hóa đã được Nhà nước ban hành định mức.

11. Chi phí khấu hao Tài sản cố định, Công cụ dụng cụ

Theo Khoản 2 Điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC:

-“d) Phần trích khấu hao vượt mức quy định hiện hành của Bộ Tài chính về chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định.

Doanh nghiệp thực hiện thông báo phương pháp trích khấu hao tài sản cố định mà doanh nghiệp lựa chọn áp dụng với cơ quan thuế trực tiếp quản lý trước khi thực hiện trích khấu hao (ví dụ: thông báo lựa chọn thực hiện phương pháp khấu hao đường thẳng…). Hàng năm doanh nghiệp trích khấu hao tài sản cố định theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính về chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định kể cả trường hợp khấu hao nhanh (nếu đáp ứng điều kiện).

Như vậy chi phí khấu hao TSCĐ phải được trích theo đúng quy định (nếu vượt mức sẽ bị loại) và phải được thông báo với cơ quan thuế. 

– “Doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả kinh tế cao được trích khấu hao nhanh nhưng tối đa không quá 2 lần mức khấu hao xác định theo phương pháp đường thẳng để nhanh chóng đổi mới công nghệ đối với một số tài sản cố định theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính về chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định. Khi thực hiện trích khấu hao nhanh, doanh nghiệp phải đảm bảo kinh doanh có lãi.

– “Đối với tài sản là công cụ, dụng cụ, bao bì luân chuyển,… không đáp ứng đủ điều kiện xác định là tài sản cố định theo quy định thì chi phí mua tài sản nêu trên được phân bổ dần vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ nhưng tối đa không quá 3 năm.

– Đối với Chi phí khấu hao xe ô tô trên 1.6 tỷ: “e,Không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế: Phần trích khấu hao tương ứng với nguyên giá vượt trên 1,6 tỷ đồng/xe đối với ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (trừ: ô tô dùng cho kinh doanh vận tải hành khách, kinh doanh du lịch, khách sạn; ô tô dùng để làm mẫu và lái thử cho kinh doanh ô tô); phần trích khấu hao đối với tài sản cố định là tàu bay dân dụng, du thuyền không sử dụng kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, kinh doanh du lịch, khách sạn.” 

12. Chi phí lãi vay

Theo Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC khoản lãi vay là chi phí bị khống chế được quy định như sau:

– Phần chi phí trả lãi tiền vay vốn sản xuất kinh doanh của đối tượng không phải là tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay.

Quy định về chi phí bị khống chế với chi phí lãi vay
Quy định về chi phí bị khống chế với chi phí lãi vay

– Trường hợp doanh nghiệp chưa góp đủ vốn điều lệ, chi phí lãi tiền vay tương ứng với vốn điều lệ còn thiếu theo tiến độ góp vốn ghi trong điều lệ của doanh nghiệp không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế được xác định như sau:

+ Trường hợp số tiền vay nhỏ hơn hoặc bằng số vốn điều lệ còn thiếu thì toàn bộ lãi tiền vay là khoản chi không được trừ.

+ Trường hợp số tiền vay lớn hơn số vốn điều lệ còn thiếu theo tiến độ góp vốn:

* Nếu doanh nghiệp phát sinh nhiều khoản vay thì khoản chi trả lãi tiền vay không được trừ bằng tỷ lệ (%) giữa vốn điều lệ còn thiếu trên tổng số tiền vay nhân (x) tổng số lãi vay.

* Nếu doanh nghiệp chỉ phát sinh một khoản vay thì khoản chi trả lãi tiền không được trừ bằng số vốn điều lệ còn thiếu nhân (x) lãi suất của khoản vay nhân (x) thời gian góp vốn điều lệ còn thiếu.

– Đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết: Chi phí lãi vay được trừ được quy định tại Khoản 2 Điều 17 Nghị định 132/2020/NĐ-CP như sau:

(1) Tổng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ của người nộp thuế.

(2) Phần chi phí lãi vay không được trừ theo quy định tại điểm (1) được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo khi xác định tổng chi phí lãi vay được trừ trong trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo thấp hơn mức quy định tại điểm (1).

Bài viết trên đây là phần cuối trong loạt bài về cách tính chi phí bị khống chế cho doanh nghiệp. Hi vọng đã giúp bạn hoàn thành công việc xuất sắc hơn. Truy cập fanpage của chúng tôi để nhận những chia sẻ về nghiệp vụ kế toán nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *