Giải đáp thắc mắc về thuế thu nhập cá nhân mới nhất

Ủy quyền quyết toán thuế, giảm trừ gia cảnh thuế TNCN, xin cấp mã số thuế… Chắc hẳn đang có rất nhiều thắc mắc về thuế thu nhập cá nhân đang cần được giải đáp. Muốn tìm câu trả lời chính xác, tham khảo ngay bài viết của Kế Toán Việt Hưng nhé!

Giải đáp thắc mắc về thuế thu nhập cá nhân mới nhất

Câu hỏi 1: Với các cán bộ trong đơn vị có thực hiện tự hoàn thuế, phần thuế TNCN đã khấu trừ trong năm. Bây giờ khi làm quyết toán thuế TNCN tôi có phải tích vào ủy quyền quyết toán thuế thay không? (TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH THÁI BÌNH)

==> Trả lời:

Với thắc mắc về thuế thu nhập cá nhân này, theo quy định, cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công ủy quyền quyết toán thuế thu nhập cá nhân cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập, cụ thể như sau:

– Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một nơi và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện việc quyết toán thuế, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm dương lịch. Trường hợp cá nhân là người lao động được điều chuyển từ tổ chức cũ đến tổ chức mới do tổ chức cũ thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp hoặc tổ chức cũ và tổ chức mới trong cùng một hệ thống thì cá nhân được ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức mới.

– Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một nơi và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập quyết toán thuế, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm dương lịch; đồng thời có thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng và đã được khấu trừ thuế TNCN theo tỷ lệ 10% nếu không có yêu cầu quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.

Giải đáp thắc mắc về thuế thu nhập cá nhân mới nhất

– Cá nhân sau khi đã ủy quyền quyết toán thuế, tổ chức trả thu nhập đã thực hiện quyết toán thuế thay cho cá nhân, nếu phát hiện cá nhân thuộc diện trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế thì tổ chức trả thu nhập không điều chỉnh lại quyết toán thuế TNCN của tổ chức trả thu nhập, chỉ cấp chứng từ khấu trừ thuế cho cá nhân theo số quyết toán và ghi vào góc dưới bên trái của chứng từ khấu trừ thuế nội dung: “Công ty… đã quyết toán thuế TNCN thay cho Ông/Bà… (theo ủy quyền) tại dòng (số thứ tự)… của Phụ lục Bảng kê 05-1/BK-TNCN” để cá nhân trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế. Trường hợp tổ chức, cá nhân trả thu nhập sử dụng chứng từ khấu trừ thuế TNCN điện tử thì in chuyển đổi từ chứng từ khấu trừ thuế TNCN điện tử gốc và ghi nội dung nêu trên vào bản in chuyển đổi để cung cấp cho người nộp thuế.

Khi thực hiện quyết toán thuế TNCN, tổ chức trả thu nhập tổng hợp thu nhập của người lao động trong năm (bao gồm cả trường hợp ủy quyền quyết toán và không ủy quyền quyết toán).

Câu hỏi 2: Kính gửi Tổng cục Phụ lục Tờ khai 05-1/BK- TNCN tại chỉ tiêu (17) Tổng số tiền giảm trừ gia cảnh, số tiền lớn hơn 132tr khi nhập sẽ bị lỗi. Xin được hướng dẫn trường hợp trên (Công ty YHV)

==> Trả lời cho thắc mắc về thuế thu nhập cá nhân này như sau:

Phụ lục 05-1/BK-TNCN (cột 17 – Tổng số tiền giảm trừ gia cảnh) số tiền lớn hơn 132tr có nghĩa là Anh/chị đã giảm trừ cho người phụ thuộc. Vì ứng dụng sẽ kiểm tra ràng buộc tại các phụ lục, do đó Anh/Chị phải khai đầy đủ dữ liệu trên BK05-3 (Bằng kê chi tiết người phụ thuộc giảm trừ gia cảnh) để khớp với 05-1/BK-TNCN (Bảng kê chi tiết cá nhân thuộc diện tính thuế theo bảng lũy tiến từng phần).

Câu hỏi 3: Người lao động có ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên, làm việc từ ngày 1/1/2021 đến hiện tại. Tháng 5/2020 người lao động đăng ký NPT là con sinh năm 2019. Vậy khi quyết toán thuế TNCN năm 2021, người lao động được tính giảm trừ gia cảnh bao nhiêu tháng? Trường hợp đủ điều kiện ủy quyền quyết toán TNCN thì được tính bao nhiêu tháng? Xin cảm ơn (Công ty TNHH Samwoo Việt Nam – Long An)

==> Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2018 của Bộ Tài chính thì người lao động đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc sẽ được tạm tính giảm trừ gia cảnh trong năm kể từ khi đăng ký.

Trường hợp người nộp thuế chưa tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc trong năm tính thuế thì được tính giảm trừ cho người phụ thuộc kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng khi người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế và có đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc.

Người nộp thuế chỉ phải đăng ký và nộp hồ sơ chứng minh cho mỗi một người phụ thuộc một lần trong suốt thời gian được tính giảm trừ gia cảnh. Trường hợp người nộp thuế thay đổi nơi làm việc, nơi kinh doanh thì thực hiện đăng ký và nộp hồ sơ chứng minh người phụ thuộc như trường hợp đăng ký người phụ thuộc lần đầu theo hướng dẫn tại Tiết h.2.1.1.1 Điểm h Khoản 1 Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC.

Theo đó, trường hợp bạn đã đăng ký giảm trừ gia cảnh từ tháng 5/2020 thông qua tổ chức trả thu nhập và không thay đổi nơi làm việc thì khi thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân kỳ tính thuế năm 2021 bạn sẽ được tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc từ tháng 1/2021 đến tháng 12/2021.

Câu 4: Trường hợp NLĐ có thu nhập chịu thuế từ 2 tổ chức có quan hệ anh – em (cùng mẹ), ví dụ giữa các chi nhánh, giữa các công ty con trong cùng tập đoàn, trong đó, NLĐ ký HĐLĐ với tổ chức A và thu nhập tại tổ chức này là thu nhập trích thuế lũy tiến, NLĐ ký HĐ dịch vụ với tổ chức B và thu nhập tại đơn vị này là thu nhập trích thuế vãng lai (10%). Như vậy NLĐ này có đủ điều kiện để ủy quyền cho tổ chức A quyết toán thuế hay không (Hà – Long Biên)

==> Trả lời:

Theo quy định tại Tiết d.2, Điểm d, Khoản 6, Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, thắc mắc về thuế thu nhập cá nhân tại trường hợp này được giải đáp: cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một nơi và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập quyết toán thuế, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm dương lịch; đồng thời có thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng và đã được khấu trừ thuế TNCN theo tỷ lệ 10% nếu không có yêu cầu quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.

Theo đó, trường hợp NLĐ có thu nhập từ hai nơi trở lên mà thu nhập vãng lai ở nơi khác (tổ chức B) bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng và đã được khấu trừ thuế TNCN theo tỷ lệ 10% thì có thể ủy quyền quyết toán thuế TNCN cho tổ chức A.

Câu hỏi 5: Cá nhân có thu nhập 2 nơi, 1 nơi ký HĐLĐ chính thức khấu trừ theo luỹ tiến từng phần, nơi thứ 2 đã khấu trừ 10% trên TN. Vậy tôi có phải thuộc diện QT thuế TNCN hay không? (CTY TNHH MTV DU LỊCH PHONG CÁCH VIỆT – Tp. Hồ Chính Minh)

==> Trả lời:

Theo quy định tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP, cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công từ hai nơi trở lên mà không đáp ứng điều kiện được ủy quyền quyết toán theo quy định thì phải trực tiếp khai quyết toán thuế TNCN với cơ quan thuế nếu có số thuế phải nộp thêm hoặc có số thuế nộp thừa đề nghị hoàn hoặc bù trừ vào kỳ khai thuế tiếp theo.

thắc mắc về khấu trừ thuế tncn

Đối với trường hợp cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một đơn vị, đồng thời có thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng và đã được khấu trừ thuế TNCN theo tỷ lệ 10% nếu không có yêu cầu thì không phải quyết toán thuế đối với phần thu nhập này. Theo đó, nếu thu nhập vãng lai ở nơi thứ 2 của anh/chị bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng và đã được khấu trừ thuế TNCN theo tỷ lệ 10% mà anh/chị không có yêu cầu thì anh/chị có thể ủy quyền quyết toán cho tổ chức trả thu nhập mà anh/chị ký hợp đồng lao động chính thức và không phải quyết toán thuế đối với phần thu nhập tại nơi thứ 2 được khấu trừ theo tỷ lệ 10%.

Câu hỏi 6: Tôi muốn hỏi thủ tục, mẫu biểu để cấp hay chuyển đổi mã số thuế cho người đã có mã số thuế người phụ thuộc như thế nào ạ? (bên công ty tôi có người lao động từng là người phụ thuộc được cấp mã số thuế người phụ thuộc, giờ họ làm tại công ty tôi làm nhưng tôi xin cấp mã số thuế nộp thuế cho họ không được thì phải làm như thế nào ạ? (Phạm Thảo – Hưng Yên)

==> Trả lời:

Với trường hợp thắc mắc về thuế thu nhập cá nhân này, Công ty sử dụng mã số thuế người phụ thuộc đã được cấp để khai thuế cho cá nhân đó. Khi có nghĩa vụ thuế cá nhân đó đến thì Cán bộ Thuế sẽ tự động chuyển mã số thuế người phụ thuộc thành mã số thuế nộp thuế.

Câu hỏi 7: Trong thời gian dịch vừa qua, đơn vị tôi có phát sinh một số khoản chi liên quan người lao động (NLĐ) như sau: – Thuê đơn vị bên ngoài xét nghiệm nhanh và PCR SARS CoV-2 cho NLĐ (có tên và thông tin người được xét nghiệm) – Mua kit xét nghiệm nhanh và phát cho NLĐ tự xét nghiệm (NLĐ có ký nhận) – Thuê khách sạn và chi phí liên quan chữa bệnh cho người nhiễm SARS CoV-2 (có tên và thông tin người sử dụng dịch vụ) Vậy các khoản trên có tính vào thuế TNCN cho NLĐ khi quyết toán thuế TNCN không? (Thanh Loan – Tp. Hồ Chí Minh)

==> Trả lời:

Với thắc mắc về thuế thu nhập cá nhân này, Bộ Tài Chính (Tổng cục Thuế) đã có công văn 4110/TCT-DNNCN ngày 27/10/202, theo đó, trường hợp các khoản phi chí cách ly y tế do dịch covid-19, chi phí xét nghiệm Covid-19 xét nghiệm và các chi phí phí ăn, ở của người lao động ở tại doanh nghiệp hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” thì các khoản chi phí này được tính vào chi phí được trừ khi thuế thu nhập doanh nghiệp và không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của người lao động nếu phản ánh thực tế phát sinh và có đầy đủ hóa đơn, chứng từ theo đúng quy định của pháp luật.

Câu hỏi 8: Trong năm, thu nhập của ông A tại đơn vị được tính thuế luỹ tiến (viên chức), tuy nhiên ông A có thu nhập từ việc làm đề tài nghiên cứu của sở, do đơn vị chi hộ và đã được khấu trừ thuế 10% tại nguồn, đơn vị đã kê khai thuế cho phần thu nhập này. Vậy khi lên tờ khai quyết toán, thu nhập từ đề tài nghiên cứu của ông A được đưa vào bảng nào trên tờ khai quyết toán thuế TNCN. (Bệnh viện y học cổ truyền – Tp. Hồ Chí Minh)

==> Trả lời:

Căn cứ Tiết d.3 Điểm d, Khoản 6 Điều 6, Nghị định 126/2020/NĐ-CP, cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một đơn vị, đồng thời có thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng và đã được khấu trừ thuế TNCN theo tỷ lệ 10% nếu không có yêu cầu thì không phải quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.

Câu hỏi 9: 1. Công ty đơn phương chấm dứt hđ không xác định thời hạn (hđ vô thời hạn), tiền đền bù cho NLĐ có thuộc thu nhập chịu thuế không ạ? Nếu cty đã trích thuế thì khi cá nhân quyết toán TNCN có được hoàn không ạ? Tiền phép trả cho NLĐ có thuộc thu nhập chịu thuế không ạ? 2. Trợ cấp điện thoại ghi trong hợp đồng lđ có thuộc thu nhập chịu thuế không ạ? (Bùi Thị Ngoan – Hoài Đức, Hà Nội)

==> Trả lời:

1. Thắc mắc về thuế thu nhập cá nhân này được giải đáp dựa theo quy định Khoản 2, Điều 2 Thông tư 111/2013-BTC thì: Các khoản trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và trợ cấp mất việc làm không tính vào thu nhập từ tiền lương, tiền công của Người lao động để tính thuế TNCN nếu các khoản trợ cấp trên được chi trả theo đúng quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội.

– Trong trường hợp cá nhân đến khi thực hiện quyết toán thuế mà phát sinh số thuế nộp thừa và đề nghị hoàn thuế TNCN sẽ đề hoàn thuế TNCN.

– Theo quy định của Bộ Luật Lao động thì nếu người lao động chưa nghỉ phép hàng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ phép hàng năm được chi trả phép cho những ngày chưa nghỉ đó thì theo Luật thuế TNCN khoản tiền này có tính vào Thu nhập chịu thuế.

2. Theo quy định, phần khoán chi điện thoại cao hơn mức quy định của Nhà nước thì tính vào Thu nhập chịu thuế.

Những thắc mắc về thuế thu nhập cá nhân của bạn có thể còn rất nhiều, để tránh mất nhiều thời gian tìm câu trả lời chính xác, tại sao không truy cập ngay fanpage của chúng tôi. Không chỉ cung cấp các kiến thức nghiệp vụ, Kế Toán Việt Hưng sẽ chia sẻ đến bạn những thông tin nóng hổi được cập nhật hàng ngày, hàng giờ. Cùng vào và học hỏi mỗi ngày nhé!

Tham khảo từ Tổng Cục thuế

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *