Những lưu ý khi quyết toán thuế TNCN năm 2021

4 lưu ý khi quyết toán thuế TNCN năm 2021 hôm nay sẽ giúp bạn hiểu chi tiết hơn về các nội dung liên quan đến việc tính giảm trừ gia cảnh, đăng ký mã số thuế và đăng ký giảm trừ gia cảnh… Cùng Kế Toán Việt Hưng tìm hiểu nhé!

4 lưu ý khi quyết toán thuế TNCN năm 2021

Trong quá trình thực hiện các mẫu biểu quyết toán thuế và nơi nộp hồ sơ cần lưu ý khi quyết toán thuế TNCN với một số điểm sau:

1. Về việc tính giảm trừ gia cảnh

– Trường hợp trong kỳ tính thuế cá nhân cư trú chưa tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân hoặc tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân chưa đủ 12 tháng thì được tính đủ 12 tháng nếu thực hiện quyết toán thuế theo quy định.

– Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm);

– Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng (52,8 triệu đồng/năm);

– Đối với cá nhân là công dân của quốc gia, vùng lãnh thổ đã ký kết Hiệp định với Việt Nam về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và là cá nhân cư trú tại Việt Nam thì việc tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân được tính từ tháng đến Việt Nam trong trường hợp cá nhân lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam đến tháng kết thúc hợp đồng lao động và rời Việt Nam

Ví dụ: Ông X là người nước ngoài đến Việt Nam lần đầu tiên vào ngày 25/10/2020, Ngày 07/8/2021, ông F kết thúc hợp đồng lao động về nước. Trong khoảng thời gian từ ngày 25/10/2020 đến ngày 07/8/2021 Ông F có mặt tại Việt Nam 287 ngày. Như vậy trong năm tính thuế đầu tiên (từ ngày 25/10/2020 đến ngày 07/8/2021), ông X là cá nhân cư trú tại Việt Nam và được giảm trừ gia cảnh cho bản thân từ tháng 10/2020 đến hết tháng 8/2021.

2. Về đăng ký mã số thuế và đăng ký giảm trừ người phụ thuộc

Người nộp thuế được tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc nếu người nộp thuế đã đăng ký thuế và được cấp mã số thuế. Việc đăng ký mã số thuế cho người nộp thuế và việc đăng ký mã số thuế cho người phụ thuộc được thực hiện theo khoản 9, khoản 10 Điều 7 Thông tư số 105/2020/TT-BTC ngày 03/12/2020 của Bộ Tài chính kể từ ngày 17/01/2021. Cụ thể:

– Đối với hồ sơ đăng ký thuế của người nộp thuế: Cơ quan chi trả thu nhập căn cứ Văn bản ủy quyền và một trong các giấy tờ của cá nhân (bản sao Thẻ căn cước công dân hoặc bản sao Giấy chứng minh nhân dân còn hiệu lực đối với cá nhân là người có quốc tịch Việt Nam; bản sao Hộ chiếu còn hiệu lực đối với cá nhân là người có quốc tịch nước ngoài hoặc người có quốc tịch Việt Nam sinh sống tại nước ngoài) để tổng hợp hồ sơ đăng ký thuế theo mẫu 05 ĐK-TH-TCT ban hành kèm theo Thông tư số 105/2020/TT-BTC ngày 03/12/2020 (trên tờ khai đánh dấu vào ô “Đăng ký thuế”) gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp cơ quan chi trả thu nhập.

Lưu ý khi quyết toán thuế TNCN về đăng ký mã số thuế
Lưu ý khi quyết toán thuế TNCN về đăng ký mã số thuế

– Đối với hồ sơ đăng ký thuế của người phụ thuộc: Cơ quan chi trả thu nhập căn cứ Văn bản ủy quyền và giấy tờ của người phụ thuộc bản sao Thẻ căn cước công dân hoặc bản sao Giấy chứng minh nhân dân còn hiệu lực đối với người phụ thuộc có quốc tịch Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên; bản sao Giấy khai sinh hoặc bản sao Hộ chiếu còn hiệu lực đối với người phụ thuộc có quốc tịch Việt Nam dưới 14 tuổi; bản sao Hộ chiếu đối với người phụ thuộc là người có quốc tịch nước ngoài hoặc người có quốc tịch Việt Nam sinh sống tại nước ngoài) để tổng hợp và gửi Tờ khai đăng ký thuế mẫu số 20-ĐK-TH-TCT ban hành kèm theo Thông tư số 105/2000/TT-BTC ngày 03/12/2020 (trên tờ khai đánh dấu vào ô “Đăng ký thuế”) gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp cơ quan chi trả thu nhập.

Cơ quan chi trả thu nhập gửi File mềm định dạng XML kết xuất từ phần mềm HTKK phiên bản mới nhất qua cổng điện tử Tổng cục Thuế.

Việc giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc mà người nộp thuế có nghĩa vụ nuôi dưỡng được tính kể từ tháng có phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng theo hướng dẫn tại Thông tư số 111/2013/TT-BTC và Thông tư số 92/2015/TT-BTC, cụ thể một số nội dung cần lưu ý như sau:

– Trường hợp người nộp thuế chưa tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc trong năm tính thuế thì được tính giảm trừ cho người phụ thuộc kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng khi người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế và có đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc. Riêng đối với người phụ thuộc khác theo hướng dẫn tại tiết d.4, điểm d, khoản 1, Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC thời hạn đăng ký giảm trừ gia cảnh chậm nhất là ngày 31 tháng 12 của năm tính thuế, quá thời hạn nêu trên thì không được tính giảm trừ gia cảnh cho năm tính thuế đó.Trường hợp người phụ thuộc là con nhưng có đủ hồ sơ xác định nghĩa vụ nuôi dưỡng thì người nộp thuế vẫn được giảm trừ cho người phụ thuộc đó;

Mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ một lần vào một người nộp thuế trong năm tính thuế

Ví dụ: Người nộp thuế A (vợ) có con là người phụ thuộc đã đăng ký giảm trừ từ tháng 01 đến tháng 6/2021, thì người nộp thuế B (chồng) không được đăng ký giảm trừ các tháng tiếp theo trong năm tính thuế 2021 cho người từ tháng 7/2021 cho con nêu trên).

Trường hợp này để không bị thiệt thòi, l ưu ý khi quyết toán thuế TNCN là khi người vợ thực hiện đăng ký cắt giảm người phụ thuộc từ kỳ tháng 01 đến tháng 6/2021, Người vợ phải kê khai khấu trừ bổ sung phần thuế phát sinh do giảm người phụ thuộc; Người chồng, trước khi nộp hồ sơ quyết toán thuế, phải đăng ký bổ sung con (đã cắt giảm người phụ thuộc vào người mẹ) vào đối tượng người phụ thuộc của chồng từ tháng 01 năm tính thuế. Kể từ tháng đăng ký giảm trừ, người chồng được tính giảm trừ người phụ thuộc bổ sung vào thu nhập hàng tháng để xác định số thuế phải khấu trừ nộp NSNN. Thời gian trước khi đăng ký bổ sung người phụ thuộc, được khấu trừ khi tổng hợp quyết toán năm tính thuế.

– Đối với cá nhân là công dân của quốc gia, vùng lãnh thổ đã ký kết Hiệp định với Việt Nam về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và là cá nhân cư trú tại Việt Nam thì việc tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc được tính từ tháng đến Việt Nam trong trường hợp cá nhân lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam đến tháng kết thúc hợp đồng lao động và rời Việt Nam

– Trường hợp người nộp thuế đăng ký giảm trừ người phụ thuộc sau thời điểm thực tế phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng thì khi khai “thời điểm tính giảm trừ khi đăng ký thuế, đăng ký giảm trừ như hướng dẫn nên trên đúng với thời điểm thực tế phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng thì khi quyết toán thuế TNCN được tính lại theo thực tế phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng mà không phải đăng ký lại.

Ví dụ: Giả sử tháng 3/2021 bà K sinh con, tháng 10/2021 bà K đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc “thời điểm tính giảm trừ” trong hồ sơ đăng ký lần đầu là tháng 3/2021 thì trong năm bà K được tạm tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc kể từ tháng 10/2021, khi quyết toán bà K được tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc từ tháng 3/2021 đến hết tháng 12/2021 mà không phải đăng ký lại.

– Trường hợp người nộp thuế đăng ký giảm trừ người phụ thuộc sau thời điểm thực tế phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng nếu cá nhân thuộc diện phải quyết toán thuế thì khi quyết toán thuế để được tính lại theo thực tế phát sinh, cá nhân đăng ký lại tại Mẫu 07/ĐK-NPT-TNCN (đối với cá nhân quyết toán trược tiếp) hoặc Mẫu PL 07.THDK-NPT-TNCN (đối với tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện đăng ký giảm trừ người phụ thuộc cho người lao động) ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC và gửi kèm theo hồ sơ quyết toán thuế.

Ví dụ: Giả sử tháng 3/2021 bà K sinh con, tháng 10/2021 bà K đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc: “thời điểm tính giảm trừ là tháng 10/2021 thì trong năm bà K được tạm tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc kể từ tháng 10/2021, khi quyết toán để được tính lại theo thực tế phát sinh từ tháng 3/2021 thì bà K phải đăng ký lại theo thực tế phát sinh tại Mẫu 07/ĐK/NPT-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC và gửi kèm theo hồ sơ quyết toán thuế.

– Trường hợp người nộp thuế chưa tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc trong năm tính thuế thì được tính giảm trừ gia cảnh cho NPT kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng khi người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế, đăng ký giảm trừ như hướng dẫn nêu trên. Nếu đăng ký giảm trừ gia cảnh quá thời hạn nêu trên người nộp thuế không được giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc cho năm tính thuế đó mà chỉ được giảm trừ từ năm tính thuế nộp hồ sơ đăng ký người phụ thuộc đó trở đi.

– 1 lưu ý khi quyết toán thuế TNCN nữa là trường hợp người nộp thuế có phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng đối với người phụ thuộc khác hướng dẫn tại tiết d.4, điểm d, khoản 1, Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC (như: anh, chị, em ruột; ông, bà nội ngoại; cô, dì…) thì thời hạn đăng ký giảm trừ gia cảnh chậm nhất là ngày 31 tháng 12 của năm tính thuế, quá thời hạn nêu trên thì không được tính giảm trừ gia cảnh cho năm tính thuế đó.

3.Lưu ý khi quyết toán thuế TNCN về thu nhập chịu thuế

– Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công là thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho người nộp thuế.

 lưu ý khi quyết toán thuế TNCN năm 2021 về thu nhập chịu thuế

– Đối với khoản tiền nhà ở, điện, nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có) không bao gồm: khoản lợi ích về nhà ở, điện nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có) đối với nhà ở do người sử dụng lao động xây dựng để cung cấp miễn phí cho người lao động làm việc tại khu công nghiệp; nhà ở do người sử dụng lao động xây dựng tại khu kinh tế, địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn cung cấp miễn phí cho người lao động làm việc tại đó.

– Các khoản phụ cấp, trợ cấp không tính vào thu nhập chịu thuế được tổng hợp tại Danh mục tổng hợp các khoản phụ cấp, trợ cấp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành làm cơ sở xác định thu nhập chịu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công, ban hành tại Công văn số 1381/TCT-TNCN ngày 24/4/2014 của Tổng cục Thuế.

– Khoản tiền học phí cho con của người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam học tại Việt Nam, con của người lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài học tại nước ngoài theo bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông do người sử dụng lao động trả hộ” không tính vào thu nhập thu nhập chịu thuế là số tiền chi trả về học phí theo quy định, không bao gồm: tiền ăn, tiền xe buýt, tiền đồng phục, bảo hiểm, mua sách, tiền đóng góp xây dựng trường…

– Trường hợp người lao động nước ngoài được Công ty chi trả khoản chi phí cách ly phòng chống dịch Covid-19 khi nhập cảnh vào Việt Nam thì khoản chi này là lợi ích được hưởng của người lao động, được tính vào thu nhập chịu thuế Thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công của người lao động.

– Về xác định thu nhập làm căn cứ quy đổi và số tiền thuế thu nhập cá nhân, thuế cư trú đã nộp tại nước ngoài được trừ vào số thuế TNCN phải nộp tại Việt Nam, Tổng cục Thuế có công văn số 5979/TCT-TNCN ngày 29/12/2017.

4. Lưu ý khi quyết toán thuế TNCN về các đối tượng và trường hợp phải thực hiện quyết toán thuế TNCN.

a. Đối với tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập

Tổ chức, cá nhân trả thu nhập từ tiền lương, tiền công có trách nhiệm khai quyết toán thuế và quyết toán thay cho các cá nhân có ủy quyền do tổ chức, cá nhân trả thu nhập chi trả, không phân biệt có phát sinh khấu trừ thuế hay không phát sinh khấu trừ thuế. Trường hợp tổ chức, cá nhân không phát sinh trả thu nhập thì không phải khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân. Trường hợp cá nhân là người lao động được điều chuyển từ tổ chức cũ đến tổ chức mới do tổ chức cũ thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp hoặc tổ chức cũ và tổ chức mới trong cùng một hệ thống thì tổ chức mới có trách nhiệm quyết toán thuế theo ủy quyền của cá nhân đối với cả phần thu nhập do tổ chức cũ chi trả và thu lại chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân do tổ chức cũ đã cấp cho người lao động (nếu có).

b. Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công ủy quyền cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập quyết toán thuế thay

c. Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công trực tiếp khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân với cơ quan thuế trong các trường hợp sau đây:

– Có số thuế phải nộp thêm hoặc có số thuế nộp thừa đề nghị hoàn hoặc bù trừ vào kỳ khai thuế tiếp theo.

– Cá nhân có mặt tại Việt Nam tính trong năm dương lịch đầu tiên dưới 183 ngày, nhưng tính trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam là từ 183 ngày trở lên.

– Cá nhân là người nước ngoài kết thúc hợp đồng làm việc tại Việt Nam . khai quyết toán thuế với cơ quan thuế trước khi xuất cảnh. Trường hợp cá nhân chưa làm thủ tục quyết toán thuế với cơ quan thuế thì thực hiện ủy quyền cho tổ chức trả thu nhập hoặc tổ chức, cá nhân khác quyết toán thuế theo quy định về quyết toán thuế đối với cá nhân. Trường hợp tổ chức trả thu nhập hoặc tổ chức, cá nhân khác nhận ủy quyền quyết toán thì phải chịu trách nhiệm về số thuế thu nhập cá nhân phải nộp thêm hoặc được hoàn trả số thuế nộp thừa của cá nhân.

– Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công đồng thời thuộc diện xét giảm thuế do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo ảnh hưởng đến khả năng nộp thuế thì không ủy quyền cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập quyết toán thuế thay mà phải trực tiếp khai quyết toán với cơ quan thuế theo quy định.

Liên quan đến lưu ý khi quyết toán thuế TNCN trên đây sẽ giúp các kế toán viên thực hiện quyết toán thuế nhanh chóng chính xác, tránh sai sót không mong muốn. Đừng bỏ lỡ các thông tin hữu ích trên fanpage của chúng tôi.

5 1 Bình chọn
Bình chọn
Theo dõi
Thông báo cho
guest

2 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Mai Thuy Trinh
Mai Thuy Trinh
Bình chọn :
     

Dạ cho em hỏi vừa có thu nhập từ công ty + cho thuê nhà thì có phải đóng thuế tncn không ạ .

Admin Kế Toán Việt Hưng
Admin Kế Toán Việt Hưng
Trả lời  Mai Thuy Trinh

Chào bạn, với câu hỏi của bạn Kế Toán Việt Hưng xin trả lời như sau:

Trường hợp này 2 loại thuế này sẽ đóng theo mức riêng từng loại. Không có gộp chung đâu bạn ạ! Tới lúc quyết toán thì bạn cũng chỉ cần qt tiền thuế từ tiền lương của bạn thôi.

Mời bạn truy cập Cộng Đồng Làm Kế Toán https://www.facebook.com/groups/congdonglamketoan để đặt câu hỏi và nhận câu trả lời nhanh chóng, chính xác nhất từ đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm của chúng tôi!