Kế toán Việt Hưng sẽ giới thiệu tới bạn đọc bài viết về chủ đề Quy trình kế toán tài sản cố định đối với loại hình doanh nghiệp. Tài sản cố định ( TSCĐ) là tư liệu sản xuất chuyên dùng trong sản xuất kinh doanh, có giá trị lớn và dùng được vào nhiều chu kỳ sản xuất. Do đó, đây là bộ phận quan trọng không thể thiếu trong các doanh nghiệp.
1. Tài sản cố định là gì?
TSCĐ là một bộ phận của tư liệu sản xuất, giữ vai trò tư liệu lao động chủ yếu của quá trình sản xuất. Chúng được coi là cơ sở vật chất kỹ thuật có vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, là điều kiện tăng năng suất lao động xã hội.
Mỗi TSCĐ phải được phân loại, đánh số và có thẻ riêng, được theo dõi chi tiết theo từng đối tượng ghi TSCĐ và được phản ánh trong sổ theo dõi TSCĐ.
Mỗi TSCĐ phải được quản lý theo nguyên giá, số hao mòn luỹ kế và giá trị còn lại trên sổ sách kế toán. Đối với những TSCĐ không cần dùng, chờ thanh lý nhưng chưa hết khấu hao, doanh nghiệp phải thực hiện quản lý, theo dõi, bảo quản theo quy định hiện hành và trích khấu hao theo quy định hiện hành.
=> Tiêu chuẩn để được coi là TSCĐ:
– Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng tài sản đó;
– Có thời gian sử dụng trên 1 năm trở lên;
– Nguyên giá tài sản phải được xác định một cách tin cậy và có giá trị từ 30.000.000 đồng ( ba mươi triệu đồng) trở lên.
=> Phân loại TSCĐ:
* Phân loại theo tính chất, đặc điểm tài sản; bao gồm:
a) Tài sản cố định hữu hình
– Loại 1: Nhà, công trình xây dựng; gồm: Nhà làm việc; nhà kho; nhà hội trường; nhà câu lạc bộ; nhà văn hóa; nhà tập luyện và thi đấu thể thao; nhà bảo tồn, bảo tàng,…
– Loại 2: Vật kiến trúc; gồm: Kho chứa, bể chứa, bãi đỗ, sân phơi, sân chơi, sân thể thao, bể bơi; giếng khoan, giếng đào, tường rào và vật kiến trúc khác.
– Loại 3: Xe ô tô; gồm: Xe ô tô phục vụ công tác các chức danh, xe ô tô phục vụ công tác chung, xe ô tô chuyên dùng, xe ô tô phục vụ lễ tân nhà nước và xe ô tô khác.
– Loại 4: Phương tiện vận tải khác (ngoài xe ô tô); gồm: Phương tiện vận tải đường bộ, phương tiện vận tải đường sắt, phương tiện vận tải đường thủy, phương tiện vận tải hàng không và phương tiện vận tải khác.
– Loại 5: Máy móc, thiết bị; gồm: Máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến; máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động chung của cơ quan, tổ chức, đơn vị; máy móc, thiết bị chuyên dùng và máy móc, thiết bị khác.
– Loại 6: Cây lâu năm, súc vật làm việc và/hoặc cho sản phẩm.
– Loại 7: Tài sản cố định hữu hình khác.
b) Tài sản cố định vô hình
– Loại 1: Quyền sử dụng đất.
– Loại 2: Quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả.
– Loại 3: Quyền sở hữu công nghiệp.
– Loại 4: Quyền đối với giống cây trồng.
– Loại 5: Phần mềm ứng dụng.
– Loại 6: Thương hiệu của đơn vị sự nghiệp công lập (bao gồm các yếu tố năng lực, chất lượng, uy tín, yếu tố lịch sử, bề dày truyền thống của đơn vị sự nghiệp công lập và các yếu tố khác có khả năng tạo ra các quyền, lợi ích kinh tế cho đơn vị sự nghiệp công lập).
– Loại 7: Tài sản cố định vô hình khác.
* Phân loại theo nguồn gốc hình thành tài sản; bao gồm:
a) Tài sản cố định hình thành do mua sắm;
b) Tài sản cố định hình thành do đầu tư xây dựng;
c) Tài sản cố định được giao, nhận điều chuyển;
d) Tài sản cố định được tặng cho, khuyến mại;
đ) Tài sản cố định khi kiểm kê phát hiện thừa chưa được theo dõi trên sổ kế toán;
e) Tài sản cố định được hình thành từ nguồn khác.
2. Quy trình Kế toán tài sản cố định đối với loại hình doanh nghiệp
a, Kế toán tăng giảm TSCĐ
* Kế toán tăng TSCĐ
TSCĐ tăng do các trường hợp mua mới, nhận góp vốn, điều chuyển từ đơn vị cấp trên, tăng do đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thành hoặc do đánh giá lại TSCĐ. Kế toán phản ánh trên các tài khoản: 211 (Tài sản cố định hữu hình); 212 (Tài sản cố định thuê tài chính); 213 (Tài sản cố định vô hình).
Căn cứ vào các chứng từ liên quan (hóa đơn mua hàng, biên bản giao nhận…) kế toán hạch toán như sau:
Nợ TK 211, 212, 213 – (phần nguyên giá)
Nợ TK 1332 – Thuế GTGT được khấu trừ
Có TK 111,112, 331… (theo giá trị thanh toán – nếu là mua mới)
Có TK 411 – (nếu là góp vốn)
Có TK 136… (Điều chuyển từ đơn vị cấp trên)
Có TK 241… (Xây dựng cơ bản hoàn thành)
Đồng thời phản ánh giá trị hao mòn (nếu có)
* Kế toán giảm TSCĐ
Tài sản sử dụng ở các doanh nghiệp giảm do các nguyên nhân: thanh lý khi hết hạn sử dụng, nhượng bán lại cho đơn vị khác, góp vốn liên doanh… kế toán phải lập các chứng từ ban đầu hợp lệ, hợp pháp. Ngoài các tài khoản đã nêu kế toán còn sử dụng tài khoản 711 (Thu nhập khác), 811 (Chi phí khác) để phản ánh.
Căn cứ vào biên bản thanh lý, kế toán ghi :
Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ ( phần giá trị đã hao mòn)
Nợ TK 811 – Chi phí khác (phần giá trị còn lại)
Có TK 211, 213 – TSCĐ hữu hình (phần nguyên giá.)
Các khoản chi phí thanh lý khi phát sinh sẽ được ghi nhận vào Nợ TK 811 ( Chi phí khác); còn các khoản thu nhập khi thanh lý được ghi nhận vào Có TK 711 (Thu nhập khác).
b, Kế toán khấu hao TSCĐ
Khấu hao là việc định giá, tính toán, phân bổ một cách có hệ thống giá trị của tài sản do sự hao mòn tài sản sau một khoảng thời gian sử dụng. Khấu hao TSCĐ được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh trong suốt thời gian sử dụng tài sản cố định. Khấu hao tài sản cố định liên quan đến việc hao mòn tài sản, đó là sự giảm dần về giá trị và giá trị sử dụng do tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh, do hao mòn tự nhiên hoặc do tiến bộ khoa học công nghệ. Khấu hao chính xác sẽ tính được giá thành sản phẩm chính xác từ đó xác định được lợi nhuận chính xác. Khấu hao chính xác cũng là cơ sở cho việc tính toán việc tái sản xuất và tái đầu tư.
Tài khoản kế toán sử dụng để phản ánh tình hình tăng, giảm giá trị hao mòn của toàn bộ TSCĐ trong quá trình sử dụng là Tk 214 (Hao mòn TSCĐ). Định kỳ, căn cứ vào bảng tính và phân bổ khấu hao TSCĐ, kế toán trích khấu hao TSCĐ phân bổ vào chi phí sản xuất kinh doanh, đồng thời phản ánh giá trị hao mòn của TSCĐ, ghi:
Nợ TK 641, 642, 627,241, 632…
Có TK 214 (Hao mòn TSCĐ)
Đối với TSCĐ dùng cho hoạt động phúc lợi và hoạt động sự nghiệp, TSCĐ đầu tư mua sắm bằng quỹ phát triển khoa học và công nghệ thì phản ánh giá trị hao mòn như sau:
Nợ TK 353, 466…
Có TK 214 (Hao mòn TSCĐ)
Ở các trường hợp TSCĐ mua về chưa đưa vào sử dụng hoặc chờ thanh lý thì vẫn ghi nhận giá trị hao mòn của TSCĐ. Nhưng các chi phí này không được hạch toán vào chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN nên sẽ ghi nhận như sau:
Nợ TK 811 (Chi phí khác)
Có TK 214 (Hao mòn TSCĐ)
c, Kế toán sửa chữa TSCĐ
– Sửa chữa thường xuyên, bảo dưỡng
Đây là hoạt động sửa chữa nhỏ, thường xuyên theo yêu cầu kỹ thuật để đảm bảo cho TSCĐ hoạt động bình thường. Chi phí sửa chữa thường xuyên được hạch toán thẳng vào chi phí sản xuất kinh doanh của bộ phận có tài sản sửa chữa. Cụ thể như sau:
Nợ TK 627,641, 642… (nếu chi phí sửa chữa nhỏ)
Nợ TK 242 – Chi phí trả trước (nếu chi phí sửa chữa cần phân bổ dần)
Nợ TK 1331 (nếu là dịch vụ sửa chữa thuê ngoài)
Có TK 111,112… Số tiền thanh toán
Bên cạnh đó kế toán cần xác định mức phân bổ tín vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ như sau:
Nợ TK 627,641, 642..
Có TK 242 (Chi phí trả trước)
– Sửa chữa lớn
Mang tính chất khôi phục hoặc nâng cấp, cải tạo khi TSCĐ bị hư hỏng nặng hoặc theo yêu cầu kỹ thuật. Thời gian sửa chữa lớn thường dài, chi phí sửa chữa phát sinh nhiều do vậy doanh nghiệp phải lập kế hoạch, dự toán. Kế toán sử dụng Tk 241 để phản ánh. Cụ thể như sau:
Khi phát sinh chi phí sửa chữa lớn, ta ghi nhận vào:
Nợ TK 2413 (Sửa chữa lớn TSCĐ)
Có TK 111, 112, 152, 242…
Khi sửa chữa lớn hoàn thành ghi nhận các chi phí thỏa mãn ghi tăng nguyên giá TSCĐ:
Nợ TK 211 (TSCĐ hữu hình)
Có TK 2143 (Sửa chữa lớn TSCĐ)
Kế toán cần lưu ý tới những vấn đề được nêu trên, liên quan tới quy trình kế toán tài sản cố định trong doanh nghiệp, để theo dõi tốt TSCĐ thông qua việc hạch toán nhanh chóng và chính xác.