Kế toán quản trị chi phí trong doanh nghiệp sản xuất

Kế toán quản trị chi phí là một bộ phận quan trọng của kế toán quản trị, nhất là trong những doanh nghiệp sản xuất. Kế toán quản trị chi phí thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp các thông tin về chi phí cho nhà quản trị để xây dựng kế hoạch kinh doanh, lập dự toán chi phí sản xuất, xây dựng định mức chi phí phù hợp, … giúp quản lý và kiểm soát chi phí hiệu quả.

kế toán quản trị chi phí
Kế toán quản trị chi phí trong doanh nghiệp sản xuất

1. Nhận diện và xác định các Trung tâm chi phí

Trung tâm chi phí là một bộ phận trong doanh nghiệp mà người đứng đầu chỉ chịu trách nhiệm đối với các chi phí có thể kiểm soát phát sinh trong bộ phận đó. Đây là nơi phát sinh – tiêu dùng và sử dụng các nguồn lực. Có thể xem xét trung tâm chi phí theo dạng trung tâm chi phí tiêu chuẩn và trung tâm chi phí dự toán.

– TTCP tiêu chuẩn: là TTCP mà các yếu tố chi phí và mức hao phí về các nguồn lực sử dụng để sản xuất sản phẩm được xây dựng định mức đơn vị.

– TTCP dự toán: là TTCP mà các yếu tố chi phí được dự toán và đánh giá căn cứ trên nhiệm vụ được giao, không thể xác định được cụ thể chi phí cho một đơn vị sản phẩm, dịch vụ hay một công việc được giao.

2. Phân loại chi phí trong doanh nghiệp sản xuất  (kế toán quản trị chi phí)

2.1 Phân loại chi phí theo chức năng hoạt động của chi phí

  • Chi phí sản xuất bao gồm những chi phí phát sinh trong quá trình sản xuất của DN như: chi phí vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp và chi phí sản xuất chung…
  • Chi phí ngoài sản xuất là những chi phí phát sinh liên quan đến các hoạt động bán hàng và quản lý DN.

Căn cứ vào ý nghĩa của chi phí trong giá thành sản phẩm và để thuận tiện cho việc tính giá thành toàn bộ, chi phí được phân theo khoản mục. Phân loại chi phí theo khoản mục rất thuận tiện cho công tác tính giá thành sản phẩm, lập kế hoạch giá thành và định mức chi phí cho kỳ sau. Qua đó sẽ giúp những nhà quản lý có biện pháp sử dụng chi phí một cách hợp lý, tiết kiệm, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

2.2 Phân loại chi phí theo mối quan hệ và khả năng quy nạp chi phí vào các đối tượng kế toán chi phí

  • Chi phí trực tiếp: Là những chi phí chỉ quan hệ trực tiếp đến việc sản xuất một loại sản phẩm, một công việc, lao vụ hoặc một hoạt động, một địa điểm nhất định và hoàn toàn có thể hạch toán, quy nạp trực tiếp cho sản phẩm, công việc, lao vụ,… đó.
  • Chi phí gián tiếp: Là chi phí không liên quan trực tiếp đến chất lượng và số lượng hoặc có thể liên quan đến chất lượng và số lượng sản phẩm nhưng không theo tỷ lệ thuận và không liên quan trực tiếp đến sản phẩm nào, cho nên chúng không thể được tính trực tiếp cho từng sản phẩm mà phải trải qua giai đoạn phân bổ gián tiếp vào các loại sản phẩm liên quan.

Cách phân loại này có ý nghĩa thuần tuý đối với kỹ thuật hạch toán. Trường hợp có phát sinh chi phí gián tiếp, bắt buộc phải áp dụng phương pháp phân bổ, lựa chọn tiêu thức phân bổ phù hợp. Mức độ chính xác của chi phí gián tiếp tập hợp cho từng đối tượng phụ thuộc vào tính hợp lý và khoa học của tiêu chuẩn phân bổ chi phí. Vì vậy, các nhà quản trị doanh nghiệp phải hết sức quan tâm đến việc lựa chọn tiêu thức phân bổ chi phí nếu muốn có các thông tin chân thực về chi phí và kết quả lợi nhuận từng loại sản phẩm, dịch vụ, từng loại hoạt động trong doanh nghiệp.

2.3 Phân loại chi phí theo mối quan hệ với báo cáo tài chính

Dựa vào cách thức kết chuyển để lên báo cáo tài chính, toàn bộ chi phí sản xuất kinh doanh được chia thành chi phí sản phẩm và chi phí thời kỳ. 

  • Chi phí sản phẩm là những chi phí gắn liền với các sản phẩm được sản xuất ra hoặc được mua. 
  • Chi phí thời kỳ là những chi phí làm giảm lợi tức trong một kỳ nào đó, nó không phải là một phần giá trị sản phẩm được sản xuất ra hoặc được mua nên được xem là các phí tổn, cần được khấu trừ ra từ lợi nhuận của thời kỳ mà chúng phát sinh.

2.4 Phân loại chi phí theo quan hệ của chi phí với khối lượng công việc, sản phẩm hoàn thành

Để thuận tiện cho việc lập kế hoạch và kiểm tra chi phí, đồng thời làm căn cứ để đề ra các quyết định kinh doanh, toàn bộ chi phí sản xuất kinh doanh được phân theo quan hệ với khối lượng công việc hoàn thành. Theo cách phân loại này, chi phí được chia thành biến phí và định phí.

  • Biến phí: là những khoản mục chi phí có quan hệ tỷ lệ thuận với biến động về mức độ hoạt động. Biến phí khi tính cho một đơn vị thì nó ổn định, không thay đổi. Biến phí khi không có hoạt động bằng 0.
  • Định phí: Định phí là những khoản chi phí không biến đổi khi mức độ hoạt động thay đổi. Tuy nhiên, khi tính cho một đơn vị hoạt động, thì định phí thay đổi. Khi mức độ hoạt động tăng thì định phí tính cho một đơn vị hoạt động căn cứ giảm và ngược lại.

2.5 Phương pháp xác định chi phí cho các đối tượng chịu chi phí 

Các phương pháp xác định chi phí sản xuất bao gồm:

a. Phương pháp xác định chi phí sản xuất sản phẩm truyền thống

– Phương pháp xác định chi phí sản xuất theo công việc: Căn cứ vào nhu cầu của khách hàng về đơn đặt hàng cho doanh nghiệp thông qua các đặc điểm chi tiết của sản phẩm, dịch vụ. Từ đó doanh nghiệp mới dự toán tài chính cho đơn đặt hàng và đưa ra quyết định giá bán cho phù hợp. Theo phương pháp này, đối tượng được tập hợp chi phí là sản phẩm hay đơn đặt hàng của khách. Từ các chứng từ kế toán chi phí, kế toán tập hợp theo các đối tượng sản phẩm hay đơn đặt hàng.

– Phương pháp xác định chi phí sản xuất theo quá trình sản xuất: Trong phương pháp tập hợp chi phí theo quá trình sản xuất, người ta không xác định chi phí cho từng lô sản phẩm cụ thể nào, thay vào đó, chi phí sản xuất được tập hợp theo từng công đoạn hoặc từng phân xưởng sản xuất khác nhau của doanh nghiệp

b. Phương pháp xác định chi phí sản xuất sản phẩm hiện đại

– Phương pháp xác định chi phí sản xuất theo mô hình chi phí mục tiêu (Target – Costing): Phương pháp cho phép doanh nghiệp tạo ra các cơ sở kiểm soát ở giai đoạn sản xuất và bảo đảm các sản phẩm này đạt được mục tiêu lợi nhuận đã được xác định phù hợp với chu kỳ sống của sản phẩm.

– Phương pháp xác định chi phí sản xuất dựa trên hoạt động ( Activity – Based Costing-ABC): Phương pháp ABC tập hợp toàn bộ chi phí gián tiếp trong quá trình sản xuất vào từng hoạt động (mỗi hoạt động là tập hợp những chi phí gián tiếp có cùng nguồn gốc, bản chất tương đương). Từ đó phân bổ chi phí theo hoạt động này vào từng sản phẩm, dịch vụ theo các tiêu thức thích hợp. Khoản chi phí gián tiếp này được phân bổ vào giá thành sản xuất cùng với chi phí nguyên vật liệu trực tiếp và chi phí nhân công trực tiếp

3. Phương pháp lập định mức và dự toán chi phí (kế toán quản trị chi phí)

3.1 Lập định mức

Các loại định mức trong doanh nghiệp sản xuất:

– Định mức lý tưởng: là định mức chỉ có thể đạt được trong những điều kiện hoàn hảo nhất. Chúng không cho phép bất kỳ một sự hư hỏng nào của máy móc hoặc một sự gián đoạn sản xuất.

– Định mức thực tế: là những định mức được xây dựng chặt chẽ nhưng có khả năng đạt được nếu cố gắng. Chúng cho phép có thời gian ngừng máy hợp lý, thời gian nghỉ ngơi của nhân viên

Phương pháp xây dựng định mức chi phí nguyên vật liệu trực tiếp:

Chi phí NVLTT theo định mức = Định mức tiêu hao về lượng của NVLTT x Định mức về giá của NVLTT tiêu hao

Phương pháp xây dựng định mức chi phí nhân công trực tiếp:

Chi phí NCTT theo định mức = Định mức tiêu hao về thời gian của NCTT x Định mức về giá của NCTT tiêu hao

Phương pháp xây dựng định mức chi phí sản xuất chung:

CPSXC theo định mức = Đơn giá định mức CPSXC phân bổ x Đơn vị tiêu chuẩn phân bổ

3.2 Lập dự toán

Lập dự toán là quá trình tính toán cho tương lai, nhằm sử dụng một cách có hiệu quả nhất các nguồn lực sẵn có cũng như xây dựng kế hoạch huy động các nguồn lực theo các mục tiêu kế hoạch đã đặt ra trong từng thời kỳ cụ thể như lập kế hoạch, tăng tính phối hợp giữa các bộ phận, phân bổ hợp lý các nguồn lực, kiểm soát chặt chẽ các nguồn lực và đánh

giá kết quả thực hiện. 

4. Đánh giá sản phẩm dở dang và xác định giá thành sản phẩm

4.1 Phương pháp đánh giá sản phẩm dở dang cuối kỳ

Để tính được giá thành sản phẩm thì việc đầu tiên là phải đánh giá được chi phí SXKD dở dang (Dck). Có hai phương pháp đánh giá Dck đó là:

Phương pháp đánh giá sản phẩm dở dang cuối kỳ theo chi phí nguyên vật liệu ( nguyên vật liệu chính hoặc nguyên vật liệu trực tiếp): Theo phương pháp này giá trị sản phẩm dở dang cuối kỳ chỉ tính chi phí nguyên vật liệu chính hoặc nguyên vật liệu trực tiếp. Còn các chi phí khác tính toàn bộ cho sản phẩm hoàn thành trong kỳ phải chịu (kế toán phải theo dõi chi tiết khoản chi phí này).

– Phương pháp đánh giá theo sản lượng hoàn thành tương đương: Theo phương pháp này sản phẩm dở dang cuối kỳ phải chịu toàn bộ các khoản chi phí phát sinh theo mức độ hoàn thành của sản phẩm. Do vậy khi kiểm kê phải xác định mức độ hoàn thành dở dang (%). Sau đó căn cứ sản lượng sản phẩm dở dang và mức độ hoàn thành để quy đổi sản lượng sản phẩm dở dang thành sản lượng sản phẩm hoàn thành tương đương.

4.2 Các phương pháp tính giá thành sản phẩm

– Phương pháp tính giá thành theo hệ số: Căn cứ vào tiêu chuẩn kinh tế kỹ thuật để xác định hệ số kinh tế kỹ thuật (hệ số tính giá thành) cho từng loại sản phẩm, trong đó lấy một loại sản phẩm làm sản phẩm tiêu chuẩn (hệ số = 1). Sau đó quy đổi sản lượng sản phẩm sản xuất được thực tế thành sản lượng sản phẩm tiêu chuẩn.

– Phương pháp tính giá thành theo tỷ lệ: Căn cứ vào tiêu chuẩn phân bổ hợp lý (giá thành kế hoạch hoặc giá thành định mức) và chi phí sản xuất đã tập hợp để tính tỷ lệ tính giá theo từng khoản mục chi phí. Sau đó căn cứ tỷ lệ tính giá thành theo từng khoản mục chi phí để tính giá thành thực tế cho từng quy cách.

– Phương pháp tính giá thành định mức: Căn cứ vào định mức kinh tế kỹ thuật hiện hành và dự toán chi phí hiện hành được duyệt để tính ra giá thành định mức của sản phẩm. Tổ chức hạch toán rõ ràng chi phí sản xuất thực tế phù hợp với định mức và số chi phí sản xuất chênh lệch do thoát ly định mức. Khi có thay đổi định mức kinh tế kỹ thuật, cần kịp thời tính toán được số chênh lệch chi phí sản xuất do thay đổi định mức. Trên cơ sở giá thành định mức, số chênh lệch do thay đổi định mức, số chênh lệch do thoát ly định mức để xác định giá thành thực tế của sản phẩm sản xuất trong kỳ.

5. Hệ thống báo cáo và phân tích báo cáo kế toán quản trị chi phí

5.1 Báo cáo kế toán quản trị chi phí

– Báo cáo để lập kế hoạch và định hướng hoạt động: Là hệ thống báo cáo quản trị nhằm cung cấp những thông tin như: thông tin quá khứ, định mức, dự toán, phương án kinh doanh… giúp cho việc lập kế hoạch và định hướng tương lai cho từng hoạt động cụ thể của doanh nghiệp. Loại báo cáo này thường là báo cáo dự toán chi phí theo từng hoạt động gắn với từng TTCP cụ thể trong hoạt động sản xuất và ngoài sản xuất.

– Báo cáo quản trị phục vụ cho việc ra quyết định: Là hệ thống báo cáo quản trị nhằm cung cấp thông tin cho nhà quản trị các cấp trong doanh nghiệp có căn cứ để ra quyết định.

5.2 Phân tích các báo cáo kế toán quản trị chi phí

Phân tích chi phí để kiểm soát chi phí:

Biến động chi phí = Chi phí thực tế – Chi phí kế hoạch 

Xác định nguyên nhân biến động về lượng: 

Biến động về lượng = (Số lượng thực tế – Số lượng định mức) x Giá định mức 

Xác định nguyên nhân biến động về giá: 

Biến động về giá = (Giá thực tế – Giá định mức) x Lượng thực tế

Trên đây là bài viết về chủ đề Kế toán quản trị chi phí trong doanh nghiệp sản xuất. Hy vọng bài viết sẽ hữu ích với các bạn trong quá trình làm kế toán trong doanh nghiệp sản xuất. Chúc các bạn thành công!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *