Tìm hiểu thực trạng quản lý thuế hoạt động kinh tế phi chính thức

Kinh tế phi chính thức là động năng quan trọng của nền kinh tế. Đóng góp vào giá trị gia tăng và năng suất chung của lĩnh vực này vào nền kinh tế. Tuy nhiên về dài hạn kinh tế phi chính thức có thể làm thất thu nguồn ngân sách, tiềm ẩn những yếu tố gây bất ổn về kinh tế – xã hội. Nhận diện những tồn tại và thách thức của nền kinh tế phi chính thức ở nước ta. Kế toán Việt Hưng chia sẻ bài viết thực trạng quản lý thuế hoạt động kinh tế phi chính thức.

kinh tế phi chính thức
Tìm hiểu thực trạng quản lý thuế hoạt động kinh tế phi chính thức

Khu vực kinh tế phi chính thức được hiểu là khu vực kinh tế chưa được quan sát gồm 5 thành tố: 

  • Là hoạt động sản xuất kinh doanh hợp pháp nhưng chủ các cơ sở kinh doanh không khai báo vì mục đích trốn thuế; 
  • Các hoạt động kinh tế bất hợp pháp, bị pháp luật cấm như buôn bán ma túy, bao gồm cả hoạt động hợp pháp; 
  • Là khu vực kinh tế chính thức chưa được quan sát như: hoạt động sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, không phân biệt sản xuất kinh doanh hay hộ cá thể hoặc không có hợp đồng lao động…; 
  • Là khu vực kinh tế tự sản tự tiêu của hộ gia đình như hộ gia đình tự sản xuất, tự tích lũy để trang trải cho cuộc sống; 
  • Là các hoạt động thu thập dữ liệu cơ bản bị bỏ sót.

Thuế đối với hoạt động kinh tế phi chính thức

Áp dụng các cơ chế quản lý thuế cụ thể như sau:

1. Đối với hoạt động kinh tế ngầm

Kinh tế ngầm là hoạt động kinh tế hợp pháp nhưng bị giấu một cách có chủ ý nhằm trốn thuế; tránh thực hiện các thủ tục pháp lý, thủ tục hành chính; và lẩn tránh các trách nhiệm xã hội. 

Pháp luật hiện hành đang quy định chung các hành vi trên đây là những hành vi trái pháp luật nhưng việc xử lý mới chỉ áp dụng được đối với các trường hợp đã được phát hiện. 

Vì vậy, cần phân định thành các trường hợp cụ thể như sau:

1.1 Hành vi che giấu doanh thu, khai gian trị giá tính thuế, khai man sản lượng sản xuất hoặc số lượng hàng hóa nhập khẩu; hoặc kê khai khống chi phí thực tế phát sinh nhằm làm giảm thu nhập, giảm nghĩa vụ thuế đối với các cơ sở kinh doanh đang nộp thuế theo phương pháp kê khai.

Pháp luật hiện hành đã có quy định phải thực hiện truy thu thuế và xử phạt 20% số thuế khai sai hoặc 1 đến 3 lần số thuế trốn lậu. Các chế tài này cần tiếp tục duy trì trong thời gian tới. 

Giải pháp quản lý đối với các đối tượng này là: 

  • Cải tiến phương pháp thanh tra, kiểm tra, thực hiện việc quản lý theo phương thức rủi ro trên cơ sở dữ liệu tập trung; 
  • Triển khai áp dụng hóa đơn điện tử bắt buộc, chuyển dữ liệu hóa đơn tập trung về cơ quan thuế. 
  • Đồng thời, có cơ chế chia sẻ thông tin giữa các cơ quan thuế, hải quan, quản lý thị trường, quản lý đất đai, đăng ký kinh doanh…; 
  • Kiểm soát dòng tiền trên cơ sở hạ thấp hạn mức thanh toán bằng tiền mặt xuống 5 đến 10 triệu đồng lần/hóa đơn mua vào (thay vì 20 triệu đồng như hiện nay) bởi các công cụ thanh toán hiện nay rất đa dạng, nhanh chóng và thuận tiện.

1.2. Đối với các cơ sở kinh doanh đang nộp thuế khoán theo mức thuế do hội đồng thuế xã, phường quy định dựa trên cơ chế điều tra doanh thu, bình bầu, hiệp thương. 

Theo đó, cần tiến hành đồng thời 2 giải pháp đồng bộ: 

  • Một là, tạo thuận lợi về thủ tục hành chính, hỗ trợ về thông tin thị trường, đào tạo nguồn nhân lực, dạy nghề, quản trị, áp dụng hình thức kế toán đơn giản và các biện pháp ưu đãi thuế trong khuôn khổ của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa để các hộ kinh doanh chuyển lên mô hình DN để họ kinh doanh với quy mô lớn hơn, hiệu quả tốt hơn, trên cơ sở đó có tăng trưởng kinh tế nhiều hơn và có thể tăng quy mô thu ngân sách trong khi ổn định hoặc giảm mức thuế suất. 
  • Hai là, không áp dụng cơ chế hóa đơn đối với hộ kinh doanh không chuyển đổi lên DN nhằm ngăn chặn tình trạng DN đối tác lợi dụng khai khống chi phí đầu vào thông qua việc mua hóa đơn của hộ kinh doanh thuộc diện nộp thuế khoán. Bên cạnh đó, cần thực hiện công khai mức thuế khoán của các hộ kinh doanh để tăng cường giám sát, tạo cơ sở cho việc điều chỉnh doanh thu và mức thuế khoán đối với các hộ thuộc diện khoán.

1.3. Thực hiện cơ chế hậu kiểm hoặc cơ chế cơ quan cấp đăng ký DN ủy nhiệm cho cơ quan thuế hậu kiểm, kết hợp việc kiểm soát chi phí đầu vào, chi phí nhân công với nghĩa vụ trích nộp bảo hiểm của DN.

2. Đối với hoạt động kinh tế bất hợp pháp

Hoạt động kinh tế bất hợp pháp là hoạt động kinh tế bị pháp luật cấm và các hoạt động kinh tế hợp pháp nhưng hoạt động khi chưa được cấp phép, kinh doanh khi chưa đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật. 

  • Vấn đề đặt ra chủ yếu và trọng tâm không phải là tăng cường, kiểm tra, bắt, xử phạt hoặc ngăn cản DN và người dân trong thực hiện quyền tự do kinh doanh mà Hiến pháp và pháp luật đã quy định. 
  • Ngành Thuế cần phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát lại các điều kiện kinh doanh, các điều khoản luật vô lý đang gây chồng chéo hoặc cản trở quyền kinh doanh của DN, trên cơ sở đó đề xuất với Chính phủ sửa đổi hoặc bãi bỏ. 
  • Trong điều kiện hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, các cam kết thuế quan và phi thuế quan phải gỡ bỏ triệt để từ năm 2023 không cho phép giữ lại các quy định chuyên ngành đang trói buộc DN. 
  • Vì vậy cần đề xuất với Chính phủ chỉ cho giữ lại các quy định hạn chế các hoạt động kinh doanh gây ảnh hưởng thiệt hại đến quyền lợi quốc gia, hoặc ảnh hưởng đến quốc phòng, anh ninh.
  • Cần tiếp tục thực hiện việc mở rộng giao dịch hỗ trợ DN bằng phương thức điện tử như kê khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về hóa đơn, dữ liệu thông tin về DN. 
  • Cùng với chế độ bảo mật thông tin cho người nộp thuế, thực hiện phân quyền chia sẻ, phân cấp cho DN được truy cập vào kho thông tin của ngành Thuế để giảm thiểu rủi ro về đối tác, hạn chế rủi ro cho DN về hóa đơn bất hợp pháp.

3. Đối với hoạt động kinh tế tự sản, tự tiêu của hộ gia đình, cá nhân

Ngành Thuế cần tập trung giải quyết một số vấn đề sau:

  • Tiếp tục thực hiện chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với diện tích đất trong mức hạn điền và giảm 50% thuế đối với đất khác, kiên trì đề xuất với Bộ Tài chính, với Chính phủ một số cơ chế ưu đãi tài chính đối với nông dân. 
  • Tiếp tục hướng dẫn, tạo thuận lợi để áp dụng chính sách ưu đãi thuế đối với DN sản xuất kinh doanh nông nghiệp hoặc chế biến sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản theo Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ.
  • Tiếp tục rà soát việc áp dụng ngưỡng miễn thuế đối với mức doanh thu năm đến 100 triệu đồng/năm đối với các hộ kinh doanh quy mô nhỏ. 
  • Đồng thời, tăng cường phối hợp với các cơ quan quản lý chuyên ngành ở địa phương để xác định đúng mức doanh thu năm, trên cơ sở đó vừa bảo đảm công bằng trong thực hiện chính sách, vừa rà soát đúng doanh thu để hạn chế việc gian lận, tránh thất thu về số hộ cũng như thất thu về doanh thu. 
  • Đặc biệt, chú trọng đến hoạt động kinh doanh cho thuê nhà, mặt bằng, kinh doanh nhượng quyền của các hộ kinh doanh. 
  • Tích cực phối hợp với ngân hàng để nắm bắt giao dịch thanh toán của các hộ, cá nhân kinh doanh qua mạng có mức doanh số lớn, trên cơ sở đó thực hiện thông báo, áp dụng các chế tài cùng với việc tạo thuận lợi để cá nhân tự giác nộp thuế.

4. Đối với nhóm hoạt động kinh tế phi chính thức chưa quan sát được (nhóm iii) và hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong các chương trình thu thập dữ liệu thống kê (nhóm v)

Theo Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 01/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Thống kê Khu vực kinh tế chưa được quan sát” thì phạm vi của khu vực kinh tế chưa được quan sát sẽ bao gồm 5 hoạt động kinh tế sau:

(i) Hoạt động kinh tế ngầm: Là hoạt động kinh tế hợp pháp, nhưng bị giấu một cách có chủ ý nhằm trốn thuế; tránh thực hiện các thủ tục pháp lý, thủ tục hành chính theo yêu cầu quản lý nhà nước; và lẩn tránh các trách nhiệm xã hội.

(ii) Hoạt động kinh tế bất hợp pháp: Là hoạt động kinh tế bị pháp luật cấm và các hoạt động kinh tế hợp pháp nhưng hoạt động khi chưa được cấp phép, kinh doanh khi chưa đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật.

(iii) Hoạt động kinh tế phi chính thức chưa quan sát được: Là bộ phận kinh tế ngoài hoạt động kinh tế chính thức, chưa được thu thập thông tin thống kê về kết quả sản xuất kinh doanh.

(iv) Hoạt động kinh tế tự sản, tự tiêu của hộ gia đình, cá nhân: Là hoạt động sản xuất của hộ gia đình tạo ra sản phẩm để tiêu dùng và tích lũy cho chính các thành viên của gia đình đó.

(v) Hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong các chương trình thu thập dữ liệu thống kê: Là hoạt động kinh tế lẽ ra phải được thu thập thông tin biên soạn các chỉ tiêu trong hệ thống tài khoản quốc gia và các chỉ tiêu thống kê khác nhưng bị bỏ sót trong quá trình thu thập thông tin đó.

Sẽ phải mất nhiều thời gian và áp dụng nhiều phương pháp thu thập dữ liệu về nhóm hoạt động kinh tế phi chính thức chưa quan sát được và nhóm hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong các chương trình thu thập dữ liệu thống kê. Nếu các hoạt động kinh tế này chưa được nhận diện rõ ràng thì ngành Thuế còn gặp khó khăn trong quản lý thu thuế.

Khi đã nhận diện rõ hoạt động kinh tế mới, cần chú trọng tạo điều kiện để xây dựng pháp luật, thể chế cũng như tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động đó phát triển. Khi đã xác định được chủ thể phát sinh doanh thu, thu nhập và các đối tác liên quan, cơ quan Thuế sẽ áp dụng đúng các quy định pháp luật để quản lý thống nhất theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Hiện nay ở nhiều nước, công tác quản lý thuế được tăng cường và hướng đến áp dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, của kỹ thuật số nhằm giảm cơ hội phát triển của các hoạt động kinh tế ngầm và tăng cường phát hiện hành vi gian lận. Một yếu tố quan trọng của nền kinh tế ngầm là thanh toán bằng tiền mặt dễ cho phép người bán không báo cáo các giao dịch thương mại. Tuy nhiên, nếu thanh toán điện tử được sử dụng thay vì tiền mặt thì các giao dịch khó có thể được giấu diếm. Do đó, các quốc gia có xu hướng quy định bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử và thanh toán lương, các khoản thu nhập thông qua thanh toán điện tử nhằm giảm quy mô nền kinh tế ngầm.

Bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử với kinh tế phi chính thức

Hóa đơn điện tử là một loại hình thanh toán điện tử, trong đó các tài liệu giao dịch như lệnh mua, điều khoản thanh toán và tín dụng được gửi theo phương thức kỹ thuật số giữa các bên có liên quan. Cho đến nay, các quốc gia đã bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử đối với tất cả các giao dịch gồm có: Argentina, Brazil, Trung Quốc, Croatia, Hy Lạp, Hungary, Indonesia, Ý, Philippines, Bồ Đào Nha, Romania và Venezuela. Một số quốc gia áp dụng các yêu cầu về lập hóa đơn điện tử theo phân đoạn thị trường như: Áo, Bỉ, Đức, Hà Lan và Thụy Điển. Khi các chính phủ chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử bắt buộc, các doanh nghiệp phải đối mặt với một điều kiện chặt chẽ hơn về tuân thủ thuế.

Nghiên cứu kinh nghiệm các nước cho thấy, nhìn chung đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử chủ yếu là doanh nghiệp, người bán hàng hóa, dịch vụ và các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Việc lập hóa đơn điện tử được áp dụng cho các đối tượng giao dịch B2G (giữa doanh nghiệp và chính phủ), B2B (giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp), B2C (giữa doanh nghiệp và khách hàng cá nhân)…

Trên đây là bài viết về thực trạng quản lý thuế hoạt động kinh tế phi chính thức trích dẫn tham khảo từ Tạp chí Tài chính – hy vọng sẽ cung cấp thông tin đầy đủ cho các bạn tham khảo.

0 0 Bình chọn
Bình chọn
Theo dõi
Thông báo cho
guest

0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
close

GIẢI ĐÁP MIỄN PHÍ 24/7

Kế toán, thuế, bảo hiểm, Doanh nghiệp...