Thuế giá trị gia tăng là gì

thue-gia-tri-gia-tang-la-gi

Thuế giá trị gia tăng (GTGT): Tại Điều 2 luật thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 ngày 03/6/2008 của Quốc Hội khóa 12 quy định thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.

– Đây là một loại thuế gián thu, nghĩa là tiền thuế do người tiêu thụ hàng hoá, dịch vụ đóng cho Nhà nước, thông qua người bán hàng hoá, dịch vụ; người bán hàng hoá, dịch vụ chỉ là người nhận tiền thuế và có nghĩa vụ nộp đầy đủ, kịp thời tiền thuế đã thu vào Ngân sách Nhà nước.

– Thuế giá trị gia tăng (GTGT) đã được phần lớn các nước trên thế giới áp dụng từ rất lâu, ở nước ta tại kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khoá IX đã thông qua Luật thuế quan trọng này vào ngày 10/5/1997 và chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/1999. Từ đó đến nay do yêu cầu phát triển và hội nhập của đất nước nên Luật đã được sửa đổi, bổ sung như sau:

– Luật sửa đổi, bổ sung năm 2003.

– Luật sửa đổi bổ sung năm 2005.

– Luật ban hành mới năm 2008 bao gồm:

+ Luật thuế GTGT số 13/2008/QH12 ngày 03/6/2008;

+ Nghị định số 123/2008/NĐ-CP ngày 08/12/2008 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế GTGT;

          + Thông tư số 129/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật thuế GTGT và hướng dẫn thi hành Nghị định số 123/2008/NĐ-CP ngày 08/12/2008 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế GTGT.

I. ĐỐI TƯỢNG CHỊU THUẾ

          Đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) là hàng hoá, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam.

II. NGƯỜI NỘP THUẾ

         Người nộp thuế GTGT là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ chịu thuế GTGT ở Việt Nam và nhập khẩu hàng hoá, mua dịch vụ từ nước ngoài chịu thuế GTGT không phân biệt ngành nghề, hình thức, tổ chức kinh doanh.

          III. PHƯƠNG PHÁP TÍNH THUẾ

          Cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo một trong hai phương pháp: phương pháp khấu trừ thuế và phương pháp tính trực tiếp trên GTGT.     

          1. Phương pháp khấu trừ thuế

          Phương pháp khấu trừ thuế áp dụng đối với cơ sở kinh doanh thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hoá đơn, chứng từ và đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế.

          Xác định số thuế GTGT phải nộp:

Số thuế GTGT phải nộp

=

Số thuế GTGT đầu ra

Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ

          Trong đó:

          Số thuế giá trị gia tăng đầu ra bằng tổng số thuế giá trị gia tăng của hàng hoá, dịch vụ bán ra ghi trên hoá đơn giá trị gia tăng;

          Số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ bằng tổng số thuế giá trị gia tăng ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng mua hàng hóa, dịch vụ, chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng của hàng hóa nhập khẩu.

          2. Phương pháp tính trực tiếp trên GTGT

Phương pháp tính trực tiếp trên GTGT áp dụng đối với các đối tượng sau đây:

          – Cá nhân, hộ kinh doanh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.

– Tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh không theo Luật Đầu tư và các tổ chức khác không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.

– Hoạt động kinh doanh mua bán, vàng, bạc, đá quý, ngoại tệ.

          Xác định số thuế GTGT phải nộp:

a) Đối với cơ sở kinh doanh thực hiện đầy đủ hoá đơn của hàng hoá, dịch vụ mua vào, bán ra theo chế độ quy định: Số thuế GTGT phải nộp bằng giá trị gia tăng của hàng hoá, dịch vụ chịu thuế bán ra nhân với thuế suất áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ đó.

Giá trị gia tăng của hàng hoá, dịch vụ được xác định bằng giá thanh toán của hàng hoá, dịch vụ bán ra trừ giá thanh toán của hàng hoá, dịch vụ mua vào tương ứng.

          b) Đối với cơ sở kinh doanh bán hàng hoá, dịch vụ có đầy đủ hoá đơn của hàng hoá, dịch vụ bán ra theo chế độ quy định hoặc có đủ điều kiện xác định đúng doanh thu bán hàng hoá, dịch vụ nhưng không có đủ hoá đơn mua hàng hóa, dịch vụ đầu vào thì GTGT được xác định bằng doanh thu nhân với tỷ lệ (%) GTGT tính trên doanh thu.

          Tỷ lệ (%) giá trị gia tăng tính trên doanh thu làm căn cứ xác định GTGT được quy định như sau:

          – Thương mại (phân phối, cung cấp hàng hoá): 10%.

          – Dịch vụ, xây dựng (trừ xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu): 50%.

          – Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hoá, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: 30%.

          c) Hoạt động kinh doanh, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật thì nộp thuế theo tỷ lệ (%) GTGT do Bộ Tài chính quy định (gọi là hộ nộp thuế khoán).

Việc xác định GTGT để ấn định mức thuế phải nộp của hộ khoán được áp dụng theo Biểu tỷ lệ GTGT và thu nhập chịu thuế tính trên doanh thu ban hành kèm theo Công văn số 416/CT-THDT ngày 04/02/2009 của Cục Thuế tỉnh Quảng Nam.

IV. GIÁ TÍNH THUẾ:

Giá tính thuế theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT của hộ khoán xác định đối với một số ngành nghề kinh doanh như sau:

          Giá tính thuế đối với cơ sở kinh doanh nộp thuế khoán là giá thanh toán của hàng hoá, dịch vụ bán ra bao gồm cả thuế GTGT và các khoản phụ thu, phí thu thêm mà bên bán được hưởng, không phân biệt đã thu tiền hay chưa thu được tiền.

          1. Đối với hàng hóa, dịch vụ do cơ sở sản xuất, kinh doanh bán ra là giá bán đã có thuế GTGT. Đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán đã có thuế tiêu thụ đặc biệt và có thuế GTGT.

          2. Đối với hoạt động cho thuê tài sản như cho thuê nhà, văn phòng, xưởng, kho tàng, bến, bãi, phương tiện vận chuyển, máy móc, thiết bị là số tiền cho thuê.

Trường hợp cho thuê theo hình thức trả tiền thuê từng kỳ hoặc trả trước tiền thuê cho một thời hạn thuê thì giá tính thuế là tiền cho thuê trả từng kỳ hoặc trả trước cho thời hạn thuê.

Giá cho thuê tài sản do các bên thỏa thuận được xác định theo hợp đồng. Trường hợp pháp luật có quy định về khung giá thuê thì giá thuê được xác định trong phạm vi khung giá quy định.

          3. Đối với hàng hóa bán theo phương thức trả góp, trả chậm là giá tính theo giá bán trả một lần của hàng hoá đó, không bao gồm khoản lãi trả góp, trả chậm.

          4. Đối với gia công hàng hóa là giá gia công theo hợp đồng gia công, bao gồm cả tiền công, chi phí về nhiên liệu, động lực, vật liệu phụ và chi phí khác phục vụ cho việc gia công hàng hoá.

          5. Đối với xây dựng, lắp đặt, là giá trị công trình, hạng mục công trình hay phần công việc thực hiện bàn giao.

          – Trường hợp xây dựng, lắp đặt có bao thầu nguyên vật liệu là giá xây dựng, lắp đặt bao gồm cả giá trị nguyên vật liệu.

          – Trường hợp xây dựng, lắp đặt không bao thầu nguyên vật liệu thì giá tính thuế là giá trị xây dựng, lắp đặt không bao gồm giá trị nguyên vật liệu (tiền nhân công).

          – Trường hợp xây dựng, lắp đặt thực hiện thanh toán theo hạng mục công trình hoặc giá trị khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thành bàn giao là giá tính theo giá trị hạng mục công trình hoặc giá trị khối lượng công việc hoàn thành bàn giao.

6­. Đối với hoạt động vận tải là số tiền thu về giá cước vận tải, bốc xếp, không phân biệt cơ sở trực tiếp vận tải, bốc xếp hay thuê lại.

7. Đối với hoạt động kinh doanh ăn uống là số tiền thu về bán hàng ăn uống, tiền phục vụ và các khoản thu khác.

          8. Đối với hoạt động kinh doanh vàng, bạc, đá quý, ngoại tệ là doanh số bán ra vàng, bạc, đá quý, ngoại tệ.    

          9. Đối với dịch vụ cầm đồ, giá tính thuế là tiền phải thu từ dịch vụ này bao gồm tiền lãi phải thu từ cho vay cầm đồ và khoản thu khác phát sinh từ việc bán hàng cầm đồ (nếu có).

          10. Đối với hoạt động in, giá tính thuế là tiền công in. Trường hợp cơ sở in thực hiện các hợp đồng in, giá thanh toán bao gồm cả tiền công in và tiền giấy in thì giá tính thuế bao gồm cả tiền giấy.

V. THỜI ĐIỂM XÁC ĐỊNH THUẾ GTGT

– Đối với bán hàng hoá là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hoá cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

– Đối với cung ứng dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc thời điểm lập hoá đơn cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

– Đối với xây dựng, lắp đặt là thời điểm nghiệm thu, bàn giao công trình, hạng mục công trình, khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thành, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

VI. KHAI THUẾ VÀ XÁC ĐỊNH SỐ THUẾ PHẢI NỘP THEO PHƯƠNG PHÁP KHOÁN:

1. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hoặc khai thác tài nguyên nộp thuế theo phương pháp khoán bao gồm:

– Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không có đăng ký kinh doanh hoặc không phải đăng ký kinh doanh, không đăng ký thuế, đã được cơ quan thuế đôn đốc nhưng quá thời hạn vẫn không thực hiện đăng ký thuế.

– Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thực hiện chế độ kế toán hoá đơn, chứng từ.

– Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thực hiện nộp tờ khai thuế theo quy định.

– Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có mở sổ sách kế toán, nhưng qua kiểm tra thấy thực hiện không đúng chế độ kế toán ; kê khai thuế không chính xác, trung thực; không thể căn cứ vào sổ sách kế toán, hoá đơn, chứng từ để xác định số thuế phải nộp phù hợp với thực tế kinh doanh.

– Hộ gia đình, cá nhân khai thác tài nguyên thủ công, phân tán, lưu động, không thường xuyên.

2. Loại thuế, phí áp dụng theo phương pháp khoán bao gồm:

– Thuế tiêu thụ đặc biệt;

– Thuế tài nguyên;

– Thuế giá trị gia tăng;

– Thuế thu nhập cá nhân;

– Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.

3. Hồ sơ khai thuế khoán được nộp cho Chi cục thuế quản lý địa phương nơi có hoạt động kinh doanh hoặc khai thác tài nguyên.

– Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán khai theo mẫu Tờ khai số 01/THKH ban hành kèm theo Thông tư 60/2007/TT-BTC.

– Hộ, cá nhân khai thác tài nguyên, khoáng sản nộp thuế khoán khai theo mẫu Tờ khai số 02/THKH ban hành kèm theo Thông tư 60/2007/TT-BTC.

4. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế khoán:

– Hộ nộp thuế khoán thực hiện khai thuế theo năm (một năm khai một lần). Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế chậm nhất là ngày 30 của tháng 12 của năm trước.

– Trường hợp mới ra kinh doanh hoặc khai thác tài nguyên, khoáng sản thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế khoán chậm nhất là mười ngày kể từ ngày bắt đầu kinh doanh hoặc khai thác tài nguyên, khoáng sản.

5. Xác định số thuế khoán phải nộp của hộ kinh doanh:

Căn cứ tài liệu kê khai của người nộp thuế về doanh thu, thu nhập, sản lượng và giá bán tài nguyên khai thác, cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế, chi cục thuế phối hợp với hội đồng tư vấn thuế xã, phường kiểm tra xác định tính đúng đắn, trung thực của hồ sơ khai thuế, tổ chức điều tra xác định lại doanh thu, thu nhập những trường hợp có nghi vấn khai không đúng để ấn định lại doanh thu kinh doanh, sản lượng và giá bán tài nguyên khai thác. Để đảm bảo việc xác định thuế được công bằng, trước khi thông báo số thuế phải nộp của từng hộ, cá nhân, chi cục thuế phải công khai dự kiến doanh thu, số thuế phải nộp của từng hộ, cá nhân nộp thuế theo phương pháp khoán để lấy ý kiến các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hoặc khai thác tài nguyên; sau đó tham khảo ý kiến hội đồng tư vấn thuế xã, phường để xác định và thông báo cho hộ, cá nhân nộp thuế biết và thực hiện.

Số thuế khoán được xác định cho từng tháng và ổn định khoán trong một năm, trừ trường hợp hộ nộp thuế khoán có thay đổi ngành nghề, quy mô kinh doanh hoặc quy mô khai thác tài nguyên, khoáng sản.

Trường hợp trong tháng, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nghỉ kinh doanh cả tháng thì được miễn số thuế phải nộp của tháng đó. Trường hợp trong tháng, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nghỉ kinh doanh từ mười lăm ngày trở lên thì được xét giảm 50% số thuế phải nộp của tháng.

6. Thời hạn nộp thuế:

Căn cứ vào Thông báo nộp thuế khoán, hộ nộp thuế nộp tiền thuế hàng tháng chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng. Trường hợp hộ nộp thuế khoán lựa chọn nộp thuế theo quý thì thời hạn nộp thuế cho cả quý là ngày cuối cùng của tháng đầu quý.

7. Trường hợp hộ nộp thuế khoán có thay đổi ngành nghề, quy mô kinh doanh hoặc quy mô, sản lượng khai thác tài nguyên khoáng sản thì phải kê khai bổ sung với cơ quan thuế kể từ tháng phát sinh thay đổi quy mô, để cơ quan thuế xác định số thuế khoán cho phù hợp với thực tế phát sinh nghĩa vụ thuế của người nộp thuế.

Cơ quan thuế xác định lại số thuế khoán phải nộp cho các tháng có thay đổi về ngành nghề, quy mô kinh doanh hoặc thay đổi về quy mô, sản lượng khai thác tài nguyên khoáng sản và thông báo số thuế khoán phải nộp cho người nộp thuế biết.

Trường hợp hộ kinh doanh không khai báo sự thay đổi về ngành nghề, quy mô kinh doanh với cơ quan thuế hoặc khai báo không trung thực, hoặc cơ quan thuế có tài liệu chứng minh có sự thay đổi về quy mô của hộ kinh doanh dẫn đến tăng doanh số thì cơ quan thuế có quyền ấn định mức thuế phải nộp cho phù hợp với tình hình kinh doanh.


Cách kê khai và nộp tờ khai thuế qua mạng tổng cục thuế

0 0 Bình chọn
Bình chọn
Theo dõi
Thông báo cho
guest

0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
close

GIẢI ĐÁP MIỄN PHÍ 24/7

Kế toán, thuế, bảo hiểm, Doanh nghiệp...