Chi phí tài trợ làm nhà cho người nghèo, nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết sẽ được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp nếu như doanh nghiệp chi cho đúng đối tượng và có đầy đủ hồ sơ theo quy định của pháp luật. Sau đây Lamketoan.vn cùng các bạn tìm hiểu cụ thể vấn đề này như sau:
1. Cơ sở pháp lý
Theo tiết 2.5 khoản 2 điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 có hiệu lực từ ngày 06/08/2015 quy định về các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế như sau: “Chi tài trợ làm nhà cho người nghèo không đúng đối tượng quy định tại tiết a điểm này; chi tài trợ làm nhà tình nghĩa, làm nhà cho người nghèo, làm nhà đại đoàn kết theo quy định của pháp luật không có hồ sơ xác định khoản tài trợ nêu tại tiết dưới đây
a. Đối với chi tài trợ làm nhà cho người nghèo thì đối tượng nhận tài trợ là hộ nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Hình thức tài trợ:
Tài trợ bằng tiền hoặc hiện vật để xây nhà cho hộ nghèo bằng cách trực tiếp hoặc thông qua một cơ quan, tổ chức có chức năng huy động tài trợ theo quy định của pháp luật.”
Hồ sơ xác định khoản tài trợ
Hồ sơ xác định khoản tài trợ làm nhà tình nghĩa, làm nhà cho người nghèo, làm nhà đại đoàn kết gồm: Biên bản xác nhận khoản tài trợ có chữ ký của người đại diện doanh nghiệp là nhà tài trợ, người được hưởng tài trợ là bên nhận tài trợ (theo mẫu số 06/TNDN ban hành kèm theo Thông tư số 78/2014/TT-BTC); văn bản xác nhận hộ nghèo của chính quyền địa phương (đối với tài trợ làm nhà cho người nghèo); hoá đơn, chứng từ mua hàng hoá (nếu tài trợ bằng hiện vật) hoặc chứng từ chi tiền (nếu tài trợ bằng tiền).
b. Trường hợp bên nhận tài trợ là cơ quan, tổ chức có chức năng huy động tài trợ
Thì hồ sơ xác định khoản tài trợ bao gồm: Biên bản xác nhận khoản tài trợ có chữ ký của người đại diện doanh nghiệp là nhà tài trợ và cơ quan, tổ chức có chức năng huy động tài trợ là bên nhận tài trợ; hoá đơn, chứng từ mua hàng hoá (nếu tài trợ bằng hiện vật) hoặc chứng từ chi tiền (nếu tài trợ bằng tiền).
Xem thêm: Các khoản chi tài trợ được tính vào chi phí hợp lý khi quyết toán thuế TNDN
2. Điều kiện để chi phí tài trợ xây nhà cho người nghèo, nhà đại đoàn kết được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp
Theo cơ sở pháp lý ở trên thì điều kiện để chi phí tài trợ xây nhà cho người nghèo, nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp phải thỏa mãn các điều kiện sau:
Đối tượng nhận tài trợ:
Phải là hộ nghèo theo quy định của Thủ tướng chính phủ và khoản chi tài trợ này phải theo quy định của pháp luật
Hình thức tài trợ:
+ Trực tiếp
+ Thông qua cơ quan, tổ chức có chức năng huy động tài trợ theo quy định của pháp luật
Hồ sơ xác định khoản tài trợ
Hồ sơ xác định khoản tài trợ: có đầy đủ theo quy định của pháp luật
3. Điều kiện xét duyệt hộ nghèo theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ
Theo Điều 1, Điều 2 Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 về việc ban hành chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn từ 2016-2020 như sau:
“Điều 1. Các tiêu chí tiếp cận đo lường nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020
Các tiêu chí về thu nhập
Chuẩn nghèo: 700.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 900.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị.
Tiêu chí mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản
a) Các dịch vụ xã hội cơ bản (05 dịch vụ): y tế; giáo dục; nhà ở; nước sạch và vệ sinh; thông tin;
b) Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản (10 chỉ số): tiếp cận các dịch vụ y tế; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin.
Điều 2. Chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình áp dụng cho giai đoạn 2016-2020
a) Khu vực nông thôn: là hộ đáp ứng một trong hai tiêu chí sau:
– Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 700.000 đồng trở xuống;
– Có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 700.000 đồng đến 1.000.000 đồng và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
b) Khu vực thành thị: là hộ đáp ứng một trong hai tiêu chí sau:
– Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 900.000 đồng trở xuống;
– Có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 900.000 đồng đến 1.300.000 đồng và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
4. Hồ sơ, chứng từ để khoản chi tài trợ làm nhà cho người nghèo, nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết được tính vào chi phí hợp lý
Nếu tài trợ trực tiếp cho người nghèo thì cần Biên bản xác nhận tài trợ có chữ ký của đại diện doanh nghiệp và người nhận tài trợ (mẫu 06/TNDN theo Thông tư 78/2014/TT-BTC)
Các bạn có thể tải mẫu số 06/TNDN ban hành kèm theo Thông tư số 78/2014/TT-BTC) tại đây:
- Văn bản xác nhận hộ nghèo của địa phương (đối với tài trợ làm nhà cho người nghèo)
- Hóa đơn chứng từ mua hàng hóa ( nếu tài trợ bằng hiện vật) hoặc Chứng từ chi tiền (nếu tài trợ bằng tiền) Nếu thông qua cơ quan, tổ chức có chức năng huy động tài trợ theo quy định của pháp luật thì cần
- Biên bản xác nhận khoản tài trợ có chữ ký của người đại diện doanh nghiệp và đại diện của tổ chức có chức năng huy động tài trợ (mẫu 06/TNDN theo Thông tư 78/2014/TT-BTC)
- Văn bản xác nhận hộ nghèo của địa phương (đối với tài trợ làm nhà cho người nghèo)
- Hóa đơn chứng từ mua hàng hóa ( nếu tài trợ bằng hiện vật) hoặc Chứng từ chi tiền (nếu tài trợ bằng tiền)
5. Hạch toán chi phí tài trợ làm nhà cho người nghèo, nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết
Các khoản chi phí tài trợ này được tính vào chi phí của doanh nghiệp
Nợ TK 642: Chi phí quản lý doanh nghiệp
Có TK 111: Nếu tài trợ bằng tiền mặt
Có TK 112: Nếu tài trợ bằng chuyển khoản
Có TK 152, 156: Nếu tài trợ bằng hiện vật
Tải mẫu số 06/TNDN ban hành kèm theo Thông tư số 78/2014/TT-BTC tại đây