Kế toán ngân hàng là công việc mà hầu hết các bạn sinh viên ngành kế toán đều muốn làm. Vậy kế toán ngân hàng là gì? Các nghiệp vụ của kế toán ngân hàng cần phải làm gồm những gì? Để trở thành kế toán ngân hàng cần có kỹ năng gì? Hãy theo dõi bài viết dưới đây để có đáp án nhé.
1. Thế nào là kế toán ngân hàng?
Kế toán ngân hàng là nghề ghi chép, phân loại, tổng hợp và giải thích các nghiệp vụ tác động đến tình hình tài chính của các ngân hàng bằng thước đo tiền tệ. Qua đó nhằm cung cấp thông tin về tình hình và kết quả hoạt động của ngân hàng, làm cơ sở cho việc ra quyết định kinh tế liên quan đến mục tiêu quản lý kinh doanh và đánh giá hoạt động của ngân hàng.
Kế toán Ngân hàng nói chung bao gồm kế toán tại các Tổ chức tín dụng và tại các Ngân hàng Nhà nước.Tuy nhiên nói đến Kế toán ngân hàng người ta hay tập trung nói về kế toán tại các Tổ chức Tín dụng mà trong đó tập trung nói đến các Ngân hàng thương mại.
Tổ chức tín dụng là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng số 07/1997/QHX và các quy định khác của pháp luật để hoạt động kinh doanh tiền tệ, làm dịch vụ ngân hàng với nội dung nhận tiền gửi và sử dụng tiền gửi để cấp tín dụng, cung ứng các dịch vụ thanh toán.
Ngân hàng là loại hình tổ chức tín dụng được thực hiện toàn bộ hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác có liên quan. Theo tính chất và mục tiêu hoạt động, các loại hình ngân hàng gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng phát triển, ngân hàng đầu tư, ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác và các loại hình ngân hàng khác.
Tổ chức tín dụng phi ngân hàng là loại hình tổ chức tín dụng được thực hiện một số hoạt động ngân hàng như là nội dung kinh doanh thường xuyên, nhưng không được nhận tiền gửi không kỳ hạn, không làm dịch vụ thanh toán. Tổ chức tín dụng phi ngân hàng gồm công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng khác. Tổ chức tín dụng nước ngoài là tổ chức tín dụng được thành lập theo pháp luật nước ngoài.
Tổ chức tín dụng hợp tác là tổ chức kinh doanh tiền tệ và làm dịch vụ ngân hàng, do các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình tự nguyện thành lập để hoạt động ngân hàng theo Luật này và Luật hợp tác xã nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống. Tổ chức tín dụng hợp tác gồm ngân hàng hợp tác, quỹ tín dụng nhân dân, hợp tác xã tín dụng và các hình thức khác.
*) Các loại hình tổ chức tín dụng:
(1) Các tổ chức tín dụng Việt Nam gồm có: tổ chức tín dụng nhà nước, tổ chức tín dụng cổ phần của Nhà nước và nhân dân, tổ chức tín dụng hợp tác.
(2) Theo nhu cầu cần thiết cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, Nhà nước cho phép thành lập tổ chức tín dụng liên doanh, tổ chức tín dụng phi ngân hàng 100% vốn nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; cho phép mở tại Việt Nam chi nhánh của ngân hàng nước ngoài. Tổ chức tín dụng nước ngoài có thể mở văn phòng đại diện tại Việt Nam. Văn phòng đại diện không được thực hiện hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
(3) Chỉ các tổ chức tín dụng có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật mới được phép thực hiện đầy đủ các nghiệp vụ kinh doanh tiền tệ và dịch vụ ngân hàng, phục vụ đa lĩnh vực hoạt động kinh tế – xã hội.
2. Đối tượng của Kế toán Ngân hàng
Kế toán là một công cụ quản lý rất quan trọng và không thể thiếu được trong bất kỳ một tổ chức kinh tế nào. Khi một tổ chức kinh tế muốn hoạt động có hữu ích về mặt kinh tế và lợi ích xã hội thì công tác kế toán hết sức cần thiết. Nó cung cấp những thông tin rất quan trọng và hữu ích không những cho người trong doanh nghiệp mà cả cho người ngoài doanh nghiệp cả những người có lợi ích trực tiếp và lợi ích không trực tiếp.
Đối tượng của kế toán ngân hàng được chia làm 3 bộ phận:
- Tài sản được phân theo hình thái biểu hiện và hiện trạng được thể hiện theo 3 cách phận loại khác nhau: tài sản có, sử dụng vốn và vốn.
- Nguồn hình thành nên tài sản thể hiện nguồn gốc của sự ra đời tài sản trong ngân hàng thường gọi là nguồn vốn hoặc tài sản nợ
- Sự chu chuyển của tài sản thể hiện ở lĩnh vực ngân hàng trên toàn thế giới, giữa hệ thống ngân hàng của một quốc gia, giữa các ngân hàng hệ thống hoặc trong một ngân hàng mặt khác nó còn vận động giữa các loại tài sản, nguồn vốn và trong cùng một loại tài sản hoặc nguồn vốn
=> 3 bộ phận hợp thành đối tượng kế toán ngân hàng đã phản ánh toàn bộ hoạt động của ngân hàng trong một thời kỳ và nhằm cung cấp các thông tin kế toán rất quan trọng có ý nghĩa vô cùng to lớn cho người sử dụng
3. Nhiệm vụ của kế toán ngân hàng
– Ghi chép kịp thời, đầy đủ và chính xác các nghiệp vụ kinh tế tài chính phát sinh trong ngân hàng theo đúng chuẩn mực kế toán và các điều luật ngân hàng qui định.
– Giám sát chặt chẽ quá trình sử dụng tài sản của ngân hàng và các tổ chức cá nhân trong xã hội.
– Cung cấp thông tin tài chính về ngân hàng cho các đối tượng cần thiết sử dụng
– Tổ chức tốt công tác giao dịch với khách hàng
4. Đặc điểm của kế toán ngân hàng
Ngân hàng là tổ chức trung gian tài chính nên Kế toán Ngân hàng cũng phản ánh rõ nét tình hình huy động vốn trong các thành phần kinh tế và dân cư (thể hiện trên các tài khoản tiền gửi thanh toán, tiền gửi tiết kiệm…) đồng thời sử dụng tiền đó để cho vay (thể hiện trên các tài khoản cho vay ngắn, trung và dài hạn…)
- Có tính giao dịch và xử lý nghiệp vụ ngân hàng (thanh toán, chuyển tiền…)
- Có tính cập nhật và chính xác cao độ.
- Có số lượng chứng từ lớn và phức tạp.
- Có tính tập trung và thống nhất cao. Do hệ thống ngân hàng được tổ chức thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Từ Ngân hàng Nhà nước đến các ngân hàng hệ thống.
5. Các nghiệp vụ của kế toán NH
- Kiểm tra chính xác nội dung ghi trên các chứng từ rút tiền như: Séc, Ủy nhiệm chi…(Chữ ký, nội dung, con dấu, số tiền, diễn giải….)
- Kiểm tra tính hợp lý, hợp lệ của đề nghị thanh toán và lập lệnh chi tiền, uỷ nhiệm chi, công văn mua ngoại tệ (đối với lệnh chi ngoại tệ)
- Cùng với Thủ quỹ thực hiện các hoạt động Nộp tiền ra ngân hàng theo định kỳ hoặc theo vụ việc để phục vụ các hoạt động thanh toán.
- Nhận và Kiểm tra chứng từ Ngân hàng( GBN, GBC, Sổ phụ…) sắp xếp theo nội dung của từng loại chứng từ.
- Nhập dữ liệu vào phần mềm, định khoản các nghiệp vụ căn cứ vào nội dung của chứng từ: Tiền gửi, ký cược, ký quỹ, tiền vay ngân hàng.
- Thường xuyên kiểm tra số dư tiền gửi các ngân hàng vào mỗi ngày để có các báo cáo cho trưởng phòng nhằm kiểm soát và thực hiện kế hoạch dòng tiền.
- Kiểm tra Đơn xin bảo lãnh ngân hàng >>> Lập hồ sơ bảo lãnh >>> Chuyển hồ sơ cho Kế toán trưởng và Giám đốc ký >>> Nộp hồ sơ cho ngân hàng >>> Theo dõi tình hình thực hiện các bảo lãnh tại các ngân hàng
- Lập hồ sơ vay vốn, trả nợ vay ngân hàng theo quy định của ngân hàng và mục đích của từng lần vay >>> Chuyển hồ sơ cho Kế toán trưởng và Giám đốc ký >>> Chuyển giao hồ sơ và theo dõi tình hình nhận nợ và trả nợ vay ngân hàng.
- Chuẩn bị hồ sơ mở L/C >>> Theo dõi tình hình mở thanh toán, ký hậu vận đơn gốc, bảo lãnh các L/C
- Cuối tháng làm bút toán chênh lệch tỷ giá, bên cạnh đó để kiểm soát dữ liệu kịp thời chính xác, kế toán ngân hàng đối soát với Kế toán công nợ để theo dõi tình hình thanh toán của khách hàng cũng như việc thanh toán cho nhà cung cấp.
- Liên lạc thường xuyên với ngân hàng và có những giải đáp khúc mắc trong một số công việc có liên quan.
- Báo cáo của kế toán ngân hàng: Sổ quỹ tiền gửi, Sổ chi tiết TGNH cho từng tài khoản, từng ngân hàng, Bảng theo dõi vay nhận nợ và tình hình thanh toán nợ, Bảng tính lãi suất đối với các hợp đồng vay và các Báo cáo cụ thể thao quy định công ty.
- Tổ chức lưu trữ chứng từ: Giấy nộp tiền NSNN, biên lai nộp thuế, UNC nộp thuế…của thuế NK, GTGTNK, TTĐB…(nếu có) nên đóng riêng hoặc kẹp cùng tờ khai Hải Quan tạo thành bộ hồ sơ nhập khẩu.
- Các Giấy Nhận Nợ( Nếu vay Ngân Hàng) thì phải lưu trữ cẩn thận, sắp xếp theo số GNN thứ tự , đối với hóa đơn trên 20 triệu. Nếu ck thanh toán nên photo chứng từ NH kẹp cùng hóa đơn, Chứng từ NH gốc của những hóa đơn trên 20 triệu thì kẹp cùng sổ phụ 112.
Lưu ý:
- Làm kế toán ngân hàng bạn cần lưu ý đến các chữ ký ở các tờ Séc, UNC.
- Trong quá trình làm phát sinh các nghiệp vụ, kế toán cần lưu ý tập hợp đủ chứng từ và kẹp thành bộ để dễ kiểm tra cũng như rà soát về số liệu.
- Luôn cập nhập kịp thời để có số dư phục vụ cho việc lên kế hoạch thanh toán của Công ty
Kỹ năng làm kế toán ngân hàng cần có
Kế toán giao dịch:
- Thực hiện các giao dịch như tiền gửi thanh toán, tiết kiệm, chuyển ngân, giao dịch ngoại tệ
Kế toán tín dụng:
- Thu lãi, vốn các hợp đồng tín dụng của khách hàng
Kế toán tổng hợp:
- Thực hiện các báo cáo, kiểm tra tổng hợp công việc thực hiện kế toán ngân hàng, báo cáo thuế,….
6. Chứng từ kế toán NH
Là những chứng minh bằng giấy tờ và điện tử các nghiệp vụ kinh tế tài chính đã phát sinh và hoàn thành theo biểu mẫu quy định theo thời gian và địa điểm phát sinh của chứng từ. Đồng thời là căn cứ pháp lý để ghi sổ kế toán
Lưu chuyển chứng từ
Bước 1: Thu nhận và lập chứng từ
Bước 2: Kiểm tra chứng từ
Bước 3: Thực hiện lệnh thu chi
Bước 4: Kiểm tra lần sau và tổng hợp chứng từ phát sinh trong ngày
Bước 5: Sắp xếp xử lý, tổ chức bảo quản và lưu trữ chứng từ
7. Quy trình kế toán ngân hàng
Quy trình kế toán NH là sự kết hợp các phương pháp kế toán để tạo ra sản phẩm kế toán nhằm cung cấp các thông tin chi tiết và tổng quát về tình hình tài chính của ngân hàng.
Quy trình kế toán chi tiết: Là sự kết hợp giữa các tài khoản chi tiết và chứng từ để cung cấp các thông tin chi tiết về một đối tượng cụ thể và mối quan hệ chi tiết giữa chúng. Các thông tin này được thể hiện trên các sổ và thẻ chi tiết. Tùy theo đối tượng cần ghi chép mà sổ có hình thức khác nhau như sổ theo dõi tiền gửi tiết kiệm, sổ theo dõi tình hình cho vay, sổ quản lý TSCĐ, công cụ lao động…
Quy trình kế toán tổng hợp: Là sự kết hợp giữa các tài khoản tổng hợp và chứng từ để cung cấp các thông tin tổng quát nhằm phục vụ cho việc chỉ đạo hoạt động ngân hàng và quản lý kinh tế tài chính nói chung. Được thể hiện thông qua Nhật ký chứng từ hoặc Nhật ký chung, Bảng kết hợp tài khoản cấp I, Sổ cái (Sổ tổng hợp), Bảng cân đối tài khoản ngày.
SƠ ĐỒ TỔ CHỨC BỘ MÁY KẾ TOÁN NGÂN HÀNG HỆ THỐNG
Bộ máy kế toán NH hiện nay được tổ chức chung trong toàn hệ thống ngân hàng được phân thành 2 cấp bộ máy kế toán trung ương và bộ máy kế toán tại các đơn vị trực thuộc.
Bộ máy kế toán trung ương dưới sự chỉ chỉ đạo của kế toán trưởng ngân hàng hệ thống trung ương (hoặc Tổng Giám đốc Tài chính Kế toán) có nhiệm vụ:
– Chỉ đạo công tác kế toán toàn ngân hàng hệ thống
– Hướng dẫn các đơn vị trực thuộc thực hiện chế độ kế toán
– Thực hiện nghiệp vụ kế toán tài chính toán ngân hàng
– Tổng hợp báo các của các đơn vị trực thuộc và lập báo cáo của toàn ngân hàng
Bộ máy kế toán ở các chi nhánh, các đơn vị trực thuộc, sở giao dịch thực hiện các nghiệp vụ kế toán tại đơn vị thực hiện các giao dịch thường xuyên với khách hàng, lập các báo cáo tài chính của đơn vị và cung cấp các thông tin về kinh tế tài chính của đơn vị cho ngân hàng trung ương, các nơi khác có liên quan.
Hệ thống ngân hàng của một quốc gia nói chung có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, nó được ví như là một hệ thống mạch máu của một cơ thể. Hệ thống ngân hàng của một một nước bao gồm 2 cấp, cấp ngân hàng nhà nước và cấp các tổ chức tín dụng trong ngân hàng nhà nước đóng vai trò chủ đạo.
Hy vọng với những thông tin mà kế toán Việt Hưng mang đến cho bạn đọc, đã giúp bạn hình dung tổng quan bức tranh về nghiệp vụ mà kế toán ngân hàng phải làm. Chúc bạn có định hướng thành công về nghề kế toán trong tương lai.