Hướng dẫn cách phân bổ công cụ dụng cụ theo thông tư 200

Công cụ, dụng cụ là những tư liệu lao động không có đủ các tiêu chuẩn về giá trị và thời gian sử dụng quy định đối với TSCĐ. Đây là một loại tài sản của doanh nghiệp mà chúng ta cần quan tâm. Hôm nay kế toán Việt Hưng xin giới thiệu tới bạn đọc bài viết Công cụ dụng cụ và cách phân bổ công cụ dụng cụ theo thông tư 200.

công cụ dụng cụ
Hướng dẫn cách phân bổ công cụ dụng cụ theo thông tư 200

> THAM KHẢO: Bài số 1- kế toán vật liệu, công cụ dụng cụ – có lời giải

1. Khái niệm công cụ dụng cụ (CCDC)

=> CCDC là những tư liệu lao động tham gia vào một hay nhiều chu kỳ sản xuất kinh doanh. Trong thời gian sử dụng công cụ dụng cụ cũng bị hao mòn dần về mặt giá trị giống như tài sản cố định; nhưng do thời gian sử dụng ngắn và giá trị thấp nên chúng chưa đủ điều kiện để làm tài sản cố định. Theo thông tư 45/2013/TT-BTC về chế độ quản lý và trích khấu hao tài sản cố định; thì đối với những tư liệu lao động có giá trị nhỏ hơn 30.000.000 vnđ; không đủ điều kiện trở thành tài sản cố định thì được xếp vào loại công cụ dụng cụ; và có thời gian phân bổ tối đa không quá 24 tháng.

=> Những tư liệu lao động không đủ tiêu chuẩn để trở thành TSCĐ theo tiêu chuẩn; thì đều được xếp vào loại công cụ dụng cụ. Khi phân bổ công cụ dụng cụ thì dựa vào tính chất; và giá trị của công cụ dụng cụ thì chúng được chia ra thành nhiều loại khác nhau. Vì vậy công cụ, dụng cụ được quản lý và hạch toán như nguyên liệu, vật liệu. Theo quy định hiện hành, những tư liệu lao động sau đây nếu không đủ tiêu chuẩn ghi nhận TSCĐ thì được ghi nhận là công cụ, dụng cụ:

– Các đà giáo, ván khuôn, công cụ, dụng cụ gá lắp chuyên dùng cho sản xuất xây lắp;

– Các loại bao bì bán kèm theo hàng hóa có tính tiền riêng, nhưng trong quá trình bảo quản hàng hóa vận chuyển trên đường và dự trữ trong kho có tính giá trị hao mòn để trừ dần giá trị của bao bì;

– Những dụng cụ, đồ nghề bằng thuỷ tinh, sành, sứ;

– Phương tiện quản lý, đồ dùng văn phòng;

– Quần áo, giày dép chuyên dùng để làm việc,…

2. Cách phân bổ công cụ dụng cụ theo thông tư 200

Hàng tháng kế toán cần hạch toán công cụ dụng cụ; để chuyển giá trị của công cụ dụng cụ vào chi phí của doanh nghiệp. Các công cụ, dụng cụ có thể phân bổ với thời gian khác nhau.

Theo quy định tại TT 200 cho biết:

– Kế toán nhập, xuất, tồn kho CCDC trên tài khoản 153 được thực hiện theo giá gốc. Nguyên tắc xác định giá gốc nhập kho công cụ, dụng cụ được thực hiện như quy định đối với nguyên liệu, vật liệu.

– Đối với các CCDC có giá trị nhỏ khi xuất dùng cho sản xuất, kinh doanh phải ghi nhận toàn bộ một lần vào chi phí sản xuất, kinh doanh.

– Trường hợp công cụ, dụng cụ, bao bì luân chuyển, đồ dùng cho thuê xuất dùng hoặc cho thuê liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nhiều kỳ kế toán thì được ghi nhận vào tài khoản 242 “Chi phí trả trước” và phân bổ dần vào chi phí sản xuất, kinh doanh.

a. Thời gian phân bổ CCDC

Theo quy định hiện hành, CCDC sẽ được phân bổ dần vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh với thời gian tối đa không quá 03 năm.

Trong trường hợp quá 03 năm, phần chi phí được phân bổ sẽ không được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

b. Các phương pháp phân bổ CCDC

Dựa vào tính chất và giá trị của CCDC chúng ta chia nó ra làm các loại chính như sau:

* Phân bổ một lần: Với những CCDC có giá trị nhỏ, doanh nghiệp có thể hạch toán luôn vào chi phí trong tháng đó mà không cần phải làm bút toán xuất kho

* Phân bổ 2 kỳ: Đối với phương pháp này, doanh nghiệp tiến hành phân bổ 50% khi đưa vào sử dụng lần đầu tiên và 50% còn lại là khi báo hỏng

* Phân bổ nhiều kỳ: thường sử dụng cho các CCDC có giá trị lớn và được dùng trong nhiều kỳ sản xuất kinh doanh. Hàng tháng sẽ đều phân bổ vào chi phí. Giá trị phân bổ của CCDC thuộc loại phân bổ nhiều lần tối đa không quá 36 tháng; theo thông tư 45/2013 ban hành ngày 25/04/2013; thì giá trị của CCDC sẽ được chia đều cho số kỳ đăng ký phân bổ; mỗi kỳ được hiểu là 1 tháng trong chu kỳ kinh doanh là 12 tháng. Đây là phương pháp phổ biến và được sử dụng nhiều nhất.

Một điểm cần lưu ý khi phân bổ CCDC đó là ngày đưa vào sử dụng. Ngày đưa vào sử dụng cũng chính là ngày bắt đầu tính phân CCDC

c. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu với CCDC

* Trường hợp doanh nghiệp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên.

– Mua CCDC nhập kho, nếu thuế GTGT đầu vào được khấu trừ

Nợ TK 153 – CCDC (giá chưa có thuế GTGT )

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (số thuế GTGT đầu vào) (1331)

Có các TK 111, 112, 141, 331,… (tổng giá thanh toán).

Nếu thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ thì giá trị CCDC mua vào bao gồm cả thuế GTGT.

– Trường hợp khoản chiết khấu thương mại hoặc giảm giá hàng bán nhận được sau khi mua CCDC

Nợ các TK 111, 112, 331,….

Có TK 153 – CCDC (nếu công cụ, dụng cụ còn tồn kho)

Có TK 154 – Chi phí SXKD dở dang (nếu công cụ, dụng cụ đã xuất dùng cho sản xuất kinh doanh)

Có các TK 641, 642 (nếu CCDC đã xuất dùng cho hoạt động bán hàng, quản lý doanh nghiệp)

Có TK 242 – Chi phí trả trước (nếu được phân bổ dần)

Có TK 632 – Giá vốn hàng bán (nếu sản phẩm do CCDC đó cấu thành đã được xác định là tiêu thụ trong kỳ)

Có TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331) (nếu có).

– Trả lại CCDC đã mua cho người bán, ghi:

Nợ TK 331 – Phải trả cho người bán

Có TK 153 – CCDC (giá trị công cụ, dụng cụ trả lại)

Có TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có) (thuế GTGT đầu vào của công cụ, dụng cụ trả lại cho người bán).

– Phản ánh chiết khấu thanh toán được hưởng (nếu có), ghi:

Nợ TK 331 – Phải trả cho người bán

Có TK 515 – Doanh thu hoạt động tài chính.

– Xuất công cụ, dụng cụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh:

– Nếu giá trị công cụ, dụng cụ, bao bì luân chuyển, đồ dùng cho thuê liên quan đến một kỳ kế toán được tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh một lần, ghi:

Nợ các TK 623, 627, 641, 642

Có TK 153 – CCDC (1531, 1532)

– Nếu giá trị CCDC bao bì luân chuyển, đồ dùng cho thuê liên quan đến nhiều kỳ kế toán được phân bổ dần vào chi phí sản xuất, kinh doanh, ghi:

+ Khi xuất CCDC, bao bì luân chuyển, đồ dùng cho thuê, ghi:

Nợ TK 242 – Chi phí trả trước

Có TK 153 – CCDC

+ Khi phân bổ vào chi phí sản xuất, kinh doanh cho từng kỳ kế toán, ghi:

Nợ các TK 623, 627, 641,642,…

Có TK 242 – Chi phí trả trước.

– Ghi nhận doanh thu về cho thuê công cụ, dụng cụ, ghi:

Nợ các TK 111, 112, 131,…

Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5113)

Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (33311).

– Nhận lại CCDC cho thuê, ghi:

Nợ TK 153 – CCDC (1533)

Có TK 242 – Chi phí trả trước (giá trị còn lại chưa tính vào chi phí).

* Trường hợp doanh nghiệp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ.

– Đầu kỳ kế toán, kết chuyển trị giá thực tế của công cụ, dụng cụ tồn kho đầu kỳ, ghi:

Nợ TK 611 – Mua hàng

Có TK 153 – CCDC

– Cuối kỳ kế toán, căn cứ vào kết quả kiểm kê xác định trị giá công cụ, dụng cụ tồn kho cuối kỳ, ghi:

Nợ TK 153 – CCDC

Có TK 611 – Mua hàng

Hy vọng bài viết Hướng dẫn cách phân bổ công cụ dụng cụ theo thông tư 200 của kế toán Việt Hưng đã cung cấp những thông tin hữu ích cho các bạn. Hẹn gặp lại ở những bài viết tới nhé!

 

 

Có 4 bình luận

  1. Avatar of Lê Văn Nam
    Lê Văn Nam đã viết:

    Bên e có mua 48 cái quạt điện để dùng, mỗi cái 500k x48 = 24tr, tính tổng giá trị thì lớn, nhưng tính từng cái thì có 500k thôi. vậy có cần phân bổ dần ko ạ? nếu phân bổ dần thì bao lâu cho hợp lý ạ

    • Avatar of Admin Kế Toán Việt Hưng
      Admin Kế Toán Việt Hưng đã viết:

      Việc phân bổ chi phí phụ thuộc vào quy định kế toán của công ty bạn và quy định pháp luật hiện hành. Dưới đây là một số gợi ý:

      Xét về pháp lý và quy định kế toán:
      1. Theo Thông tư 45/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính Việt Nam về chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định:
      – Tài sản có giá trị từ 30.000.000 đồng trở lên và có thời gian sử dụng trên 1 năm thì được coi là tài sản cố định.
      – Với giá trị 500.000 đồng/chiếc, tổng giá trị 24.000.000 đồng, các quạt điện này không đủ điều kiện để được tính là Tài sản cố định (TSCĐ).

      2. Quy định về chi phí sản xuất, kinh doanh (Thông tư 96/2015/TT-BTC):
      Nếu tài sản không đủ điều kiện TSCĐ, nó có thể được ghi nhận vào chi phí sản xuất, kinh doanh hoặc chi phí quản lý.

      Phân bổ dần:
      – Không cần phân bổ dần: Nếu giá trị của từng chiếc quạt điện dưới ngưỡng tài sản cố định (500.000 đồng/chiếc) và tổng giá trị của lô hàng (24.000.000 đồng) cũng không đủ điều kiện để coi là TSCĐ, bạn có thể ghi nhận toàn bộ chi phí mua quạt vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc chi phí quản lý trong kỳ mua.
      – Trường hợp muốn phân bổ dần:
      + Trong trường hợp công ty bạn muốn phân bổ chi phí mua quạt điện dần dần để làm giảm tác động đến lợi nhuận trong kỳ, có thể áp dụng phương pháp phân bổ chi phí công cụ dụng cụ.
      + Thời gian phân bổ: Theo Thông tư 45/2013/TT-BTC, chi phí công cụ dụng cụ có thể được phân bổ từ 1 đến 3 năm tùy thuộc vào thời gian sử dụng dự kiến. Bạn có thể chọn một trong các khoảng thời gian này dựa trên kinh nghiệm thực tế về độ bền và thời gian sử dụng của quạt điện.
      Ví dụ, nếu bạn dự kiến rằng các quạt điện sẽ được sử dụng trong khoảng thời gian 3 năm, bạn có thể phân bổ chi phí mua quạt điện theo bảng dưới đây:
      Chi phí phân bổ mỗi năm = 24.000.000 đồng / 3 năm = 8.000.000 đồng/năm bạn nhé.

  2. Avatar of Thu Nguyễn
    Thu Nguyễn đã viết:

    E có mua mâm, cùm, ống tuýp để cho thuê giàn giáo, những vật tư này giá trị 1 cái không quá 30tr nên e đưa vào công cụ dụng và phân bổ khấu hao 2 năm, nhưng cơ quan thuế vào thanh tra thì ra biên bản loại chi phí khấu hao này vì thuế nói đây là tài sản cố định và khấu hao là 5 năm, vì những vật tư gộp lại tạo thành 1 khối giàn giáo nên trích khấu hao không đúng quy định, như vậy có đúng không ạ.

    • Avatar of Admin Kế Toán Việt Hưng
      Admin Kế Toán Việt Hưng đã viết:

      Chào bạn, với câu hỏi của bạn Kế Toán Việt Hưng xin trả lời như sau:

      Trường hợp này mình thấy thuế đúng. Mọi người cũng mua giàn giáo nhưng giá trị của nó nhỏ thì là CCDC, nhưng đây bạn mua giàn giáo cùng các vật tư chi tiết lắp kèm tạo thành 1 hệ thống giàn giáo hoàn chỉnh cho thuê giá trị trên 30tr rồi thì là TSCĐ bạn nhé.

      Mời bạn truy cập Cộng Đồng Làm Kế Toán https://www.facebook.com/groups/congdonglamketoan để đặt câu hỏi và nhận câu trả lời nhanh chóng, chính xác nhất từ đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm của chúng tôi!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *