Ở bài viết trước, các bạn được hiểu về cách lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo phương pháp trực tiếp và cách lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo phương pháp gián tiếp. Tại bài viết này, Lamketoan.vn chia sẻ đến các bạn đọc về phương pháp lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất theo phương pháp gián tiếp. Báo cáo này được lập vào cuối năm tài chính cùng với bộ báo cáo tài chính hợp nhất. Báo cáo hợp nhất được lập đối với công ty mẹ có chi nhánh là những công ty con.
I. Lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động kinh doanh
1. Lợi nhuận trước thuế – Mã số 01
Chỉ tiêu này được lấy từ chỉ tiêu Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế (Mã số 50) trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất trong kỳ báo cáo. Nếu số liệu này là số âm (trường hợp lỗ), thì ghi trong ngoặc đơn (***).
2. Khấu hao TSCĐ – Mã số 02.
– Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào số khấu hao TSCĐ đã trích trong kỳ trên Bảng tính và phân bổ khấu hao TSCĐ của công ty mẹ và từng công ty con (đối chiếu với chỉ tiêu khấu hao TSCĐ trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con trong tập đoàn).
– Khi lập chỉ tiêu này phải điều chỉnh tăng hoặc giảm số khấu hao TSCĐ đã trích trong kỳ liên quan đến giao dịch góp vốn, mua, bán TSCĐ trong nội bộ tập đoàn hoặc chuyển hàng tồn kho thành TSCĐ trong nội bộ tập đoàn và TSCĐ hình thành qua hoạt động đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn vay trong nội bộ tập đoàn
– Việc kiểm tra, đối chiếu số liệu của chỉ tiêu này trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất được thực hiện bằng cách lấy số dư cuối kỳ của khoản mục hao mòn TSCĐ trên Bảng cân đối kế toán hợp nhất trừ số dư đầu kỳ
3. Các khoản dự phòng – Mã số 03
– Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào: Bảng cân đối kế toán hợp nhất; Bảng tổng hợp các khoản “Dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh”; Dự phòng tổn thất đầu tư vào đơn vị khác”; “Dự phòng giảm giá hàng tồn kho”, “Dự phòng phải thu khó đòi”, “Dự phòng phải trả” do công ty mẹ và các công ty con lập, và số dự phòng đã được điều chỉnh trên Bảng tổng hợp điều chỉnh các khoản dự phòng trong nội bộ tập đoàn.
– Số liệu của chỉ tiêu này được xác định bằng số chênh lệch giữa số dư đầu kỳ và số dư cuối kỳ của các khoản dự phòng tổn thất tài sản (dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh, dự phòng tổn thất đầu tư tài chính, dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng nợ phải thu khó đòi) và dự phòng phải trả trên Bảng cân đối kế toán hợp nhất.
4. Lãi/lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ (Mã số 04)
– Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào: Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất, Bảng tổng hợp chênh lệch tỷ giá phát sinh do đánh giá lại cuối kỳ các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ do công ty mẹ và các công ty con lập trên cơ sở đã loại trừ ảnh hưởng về chênh lệch tỷ giá của các khoản phải thu, phải trả có gốc ngoại tệ trong nội bộ tập đoàn.
– Số liệu của chỉ tiêu này được xác định bằng cách: Lấy số chi tiết về doanh thu tài chính (hoặc chi phí tài chính) liên quan đến chênh lệch tỷ giá phát sinh do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ cuối kỳ trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất.
5. Lãi/lỗ từ hoạt động đầu tư – Mã số 05
– Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào số chi tiết trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con; Báo cáo hoặc bảng tổng hợp các khoản lãi cho vay, cổ tức, lợi nhuận được chia; Báo cáo góp vốn, thanh lý, nhượng bán TSCĐ trong nội bộ tập đoàn kỳ báo cáo.
– Số liệu chỉ tiêu này được xác định bằng cách: Lấy số chi tiết về các khoản lãi, lỗ trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất không được tính vào luồng tiền từ hoạt động kinh doanh. Việc đối chiếu chỉ tiêu này được thực hiện bằng cách hợp cộng chỉ tiêu tương ứng trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con, trừ đi:
+ Các khoản lãi cho vay, cổ tức, lợi nhuận được chia từ các đơn vị nội bộ tập đoàn;
+ Lãi/lỗ chưa thực hiện từ việc góp vốn, thanh lý, nhượng bán TSCĐ, BĐSĐT và các khoản đầu tư vào các đơn vị trong nội bộ tập đoàn.
– Số liệu chỉ tiêu này được trừ (-) vào số liệu chỉ tiêu “Lợi nhuần thuần trước thuế”, nếu có lãi hoạt động đầu tư và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (***) ; hoặc được cộng (+) vào chỉ tiêu trên, nếu có lỗ hoạt động đầu tư.
6. Chi phí lãi vay – Mã số 06
– Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào chỉ tiêu “chi phí lãi vay” trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất, đối chiếu với các báo cáo chi phí lãi vay trong kỳ của công ty mẹ và các công ty con và Bảng tổng hợp điều chỉnh chi phí lãi vay trong nội bộ tập đoàn. Số liệu chỉ tiêu này được cộng vào số liệu chỉ tiêu “Lợi nhuận trước thuế”.
7. Các khoản điều chỉnh khác (Mã số 07)
– Chỉ tiêu này phản ánh số trích lập hoặc hoàn nhập Quỹ Bình ổn giá hoặc Quỹ phát triển khoa học và công nghệ trong kỳ.
– Chỉ tiêu này được lập bằng cách cộng ngang các chỉ tiêu tương ứng trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con. Số liệu chỉ tiêu này được cộng vào số liệu chỉ tiêu “Lợi nhuận trước thuế” nếu trong kỳ trích lập thêm các Quỹ hoặc được trừ khỏi chỉ tiêu “Lợi nhuận trước thuế” nếu trong kỳ hoàn nhập các quỹ.
8. Tăng, giảm các khoản phải thu – Mã số 09
– Số liệu chỉ tiêu này được xác định bằng cách:
+ Lấy tổng số dư cuối kỳ trừ đi (-) tổng số dư đầu kỳ trên Bảng Cân đối kế toán hợp nhất của các chỉ tiêu: “Phải thu ngắn hạn của khách hàng”; “Phải thu dài hạn của khách hàng”; “Trả trước cho người bán”; “Phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng”; “Các khoản phải thu ngắn hạn khác”; “Phải thu dài hạn khác”; “Thuế GTGT được khấu trừ”; “Thuế và các khoản phải thu Nhà nước” (không bao gồm thuế TNDN);
+ Cộng với số dư (tại ngày thanh lý) các khoản phải thu của công ty con bị thanh lý trong kỳ và trừ đi (-) số dư (tại ngày mua) các khoản phải thu của công ty con được mua trong kỳ;
+ Sau đó trừ đi (-) số dư chi tiết trên Báo cáo của công ty mẹ và các công ty con về các khoản phải thu lãi cho vay, phải thu về cổ tức, lợi nhuận được chia; Các khoản phải thu liên quan đến hoạt động đầu tư (như thanh lý, nhượng bán TSCĐ, BĐSĐT);
9. Tăng, giảm hàng tồn kho – Mã số 10
– Số liệu chỉ tiêu này được xác định bằng cách:
+ Lấy tổng số dư cuối kỳ trừ đi (-) tổng số dư đầu kỳ của chỉ tiêu “Hàng tồn kho” (Không bao gồm số dư của chỉ tiêu “Dự phòng giảm giá hàng tồn kho”) trong Bảng cân đối kế toán hợp nhất kỳ báo cáo;
+ Trừ đi số dư chi tiết trên Báo cáo của công ty mẹ và các công ty con về các khoản hàng tồn kho sử dụng cho hoạt động đầu tư, xây dựng TSCĐ; BĐSĐT;
+ Cộng với số dư hàng tồn kho (tại ngày thanh lý) của công ty con bị thanh lý trong kỳ và trừ đi (-) số dư hàng tồn kho (tại ngày mua) của công ty con được mua trong kỳ;
– Việc đối chiếu số liệu của chỉ tiêu này được thực hiện bằng cách hợp cộng chỉ tiêu tương ứng trên BCLCTT của công ty mẹ và các công ty con trừ đi số hàng tồn kho luân chuyển trong nội bộ tập đoàn kỳ báo cáo, sau đó điều chỉnh đối với biến động của hàng tồn kho do mua thêm hoặc thanh lý công ty con trong kỳ
10. Tăng, giảm các khoản phải trả – Mã số 11
– Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào:
+ Các chỉ tiêu trên bảng Cân đối kế toán hợp nhất, như: Chỉ tiêu “Phải trả cho người bán ngắn hạn”, “Phải trả người bán dài hạn”, “Người mua trả tiền trước”, “Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước”, “Phải trả người lao động”, “Chi phí phải trả”, “Phải trả theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng”, “Các khoản phải trả, phải nộp ngắn hạn khác”, “Phải trả dài hạn khác”;
+ Báo cáo của công ty mẹ và các công ty con về: Các khoản phải trả, phải thu giữa các đơn vị trong nội bộ tập đoàn; Các khoản phải trả thuế TNDN phải nộp; Các khoản phải trả lãi tiền vay, phải trả về cổ tức, lợi nhuận cho chủ sở hữu vốn; Các khoản phải trả liên quan đến hoạt động đầu tư (như mua sắm, xây dựng TSCĐ, mua bất động sản đầu tư, mua các công cụ nợ…); Các khoản phải trả liên quan đến hoạt động tài chính (Vay và nợ ngắn hạn, dài hạn…);
11. Tăng, giảm chi phí trả trước – Mã số 12
– Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào tổng các chênh lệch giữa số dư cuối kỳ và số dư đầu kỳ của các khoản mục “Chi phí trả trước ngắn hạn” và “Chi phí trả trước dài hạn” trên bảng Cân đối kế toán hợp nhất kỳ báo cáo, sau đó cộng với số dư chi phí trả trước (tại ngày thanh lý) của công ty con bị thanh lý trong kỳ và trừ đi (-) số dư chi phí trả trước (tại ngày mua) của công ty con được mua trong kỳ.
12. Tăng, giảm chứng khoán kinh doanh (Mã số 13)
Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào tổng chênh lệch giữa số dư cuối kỳ và số dư đầu kỳ của chỉ tiêu “Chứng khoán kinh doanh” – Mã số 121 của Bảng cân đối kế toán hợp nhất trong kỳ báo cáo.
13. Tiền lãi vay đã trả – Mã số 14
– Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con kỳ báo cáo, báo cáo hoặc bảng tổng hợp các khoản vay và chi trả lãi vay giữa các đơn vị trong nội bộ tập đoàn.
14. Thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp – Mã số 15
– Chỉ tiêu này được lập trên cơ sở hợp cộng chỉ tiêu tương ứng của báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con trong kỳ báo cáo trừ đi (-) số thuế TNDN đã nộp kể từ thời điểm đầu kỳ đến thời điểm mua công ty con (đối với công ty con được mua trong kỳ).
15. Tiền thu khác từ hoạt động kinh doanh – Mã số 16
– Căn cứ để lập chi tiêu này là Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con trong kỳ báo cáo; Báo cáo các khoản nhận ký cược, ký quỹ trong nội bộ tập đoàn và các báo cáo khác có liên quan.
– Chỉ tiêu này được lập bằng cách hợp cộng các chỉ tiêu tương ứng trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con trong kỳ báo cáo trừ đi:
+ Các khoản tiền thu khác từ các đơn vị trong nội bộ tập đoàn;
+ Các khoản tiền thu khác luỹ kế từ thời điểm đầu kỳ đến thời điểm mua công ty con (đối với công ty con được mua trong kỳ).
– Số liệu chỉ tiêu này được cộng (+) vào số liệu chỉ tiêu “Lợi nhuận kinh doanh trước những thay đổi vốn lưu động”.
16. Tiền chi khác từ hoạt động kinh doanh – Mã số 17
– Căn cứ để lập chi tiêu này là báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con trong kỳ báo cáo; Báo cáo các khoản ký cược, ký quỹ trong nội bộ tập đoàn và các báo cáo khác có liên quan.
– Chỉ tiêu này được lập bằng cách hợp cộng các chỉ tiêu tương ứng trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con trong kỳ báo cáo loại trừ:
+ Các khoản tiền chi khác cho các đơn vị trong nội bộ tập đoàn;
+ Các khoản tiền chi khác luỹ kế từ thời điểm đầu kỳ đến thời điểm mua công ty con (đối với công ty con được mua trong kỳ).
– Số liệu chỉ tiêu này được trừ (-) vào số liệu chỉ tiêu “Lợi nhuận kinh doanh trước những thay đổi vốn lưu động”.
17. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động sản xuất, kinh doanh – Mã số 20
Chỉ tiêu “Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh” phản ánh chênh lệch giữa tổng số tiền thu vào với tổng số tiền chi ra từ hoạt động kinh doanh trong kỳ báo cáo.
Số liệu chỉ tiêu này được tính bằng tổng cộng số liệu các chỉ tiêu có mã số từ Mã số 08 đến Mã số 17. Nếu số liệu chỉ tiêu này là số âm thì sẽ được ghi dưới hình thức trong ngoặc đơn: (***).
II. Lập báo cáo các chỉ tiêu luồng tiền từ hoạt động đầu tư
1. Tiền chi mua sắm, xây dựng TSCĐ và các tài sản dài hạn khác – Mã số 21
– Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào:
+ Báo cáo tài chính hợp nhất kỳ báo cáo;
+ Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con kỳ báo cáo;
+ Báo cáo của công ty mẹ và các công ty con về tình hình sử dụng hàng tồn kho cho hoạt động đầu tư, xây dựng TSCĐ, BĐSĐT kỳ báo cáo;
+ Báo cáo đầu tư, xây dựng và mua sắm TSCĐ, BĐSĐT và các tài sản khác của công ty mẹ và các công ty con trong kỳ.
– Số liệu chỉ tiêu này được xác định bằng cách: Lấy tổng số dư cuối kỳ trừ đi (-) tổng số dư đầu kỳ của các chỉ tiêu liên quan đến TSCĐ, BĐSĐT và tài sản dài hạn khác trong Bảng cân đối kế toán hợp nhất kỳ báo cáo, sau đó:
+ Trừ đi giá trị TSCĐ, BĐSĐT, tài sản dài hạn được mua trong kỳ nhưng chưa thanh toán hoặc đã thanh toán bằng tài sản phi tiền tệ;
+ Cộng với giá trị TSCĐ, BĐSĐT và các tài sản dài hạn khác giảm do thanh lý, nhượng bán trong kỳ;
+ Cộng với khoản tiền trả trước cho người bán hoặc tiền trả nợ liên quan đến hoạt động đầu tư mua sắm TSCĐ, BĐSĐT, XDCB; Khoản tiền đã chi để mua NVL dùng cho hoạt động XDCB;
+ Cộng với số dư TSCĐ, BĐSĐT, tài sản dài hạn khác (tại ngày thanh lý) của công ty con bị thanh lý trong kỳ và trừ đi (-) số dư TSCĐ, BĐSĐT, tài sản dài hạn khác (tại ngày mua) của công ty con được mua trong kỳ;
– Trường hợp trong kỳ không phát sinh giao dịch mua hoặc thanh lý công ty con thì chỉ tiêu này có thể được lập bằng cách hợp cộng chỉ tiêu tương ứng trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con, sau đó điều chỉnh cho những biến động về giá trị của TSCĐ, BĐSĐT, tài sản dài hạn khác phát sinh từ các giao dịch trong nội bộ tập đoàn;
– Số liệu chỉ tiêu này được trừ khỏi luồng tiền thuần từ hoạt động đầu tư và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn: (***).
2. Tiền thu thanh lý, nhượng bán TSCĐ và các tài sản dài hạn khác – Mã số 22
– Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào:
+ Báo cáo tài chính hợp nhất kỳ báo cáo;
+ Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con kỳ báo cáo;
+ Báo cáo thanh lý, nhượng bán TSCĐ, BĐSĐT và các tài sản khác của công ty mẹ và các công ty con trong kỳ.
– Số liệu chỉ tiêu này được xác định bằng cách: Lấy tổng số thu chi tiết từ việc thanh lý, nhượng bán TSCĐ, BĐSĐT và tài sản dài hạn khác trong kỳ trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất và các tài liệu có liên quan khác trừ đi (-) giá trị TSCĐ, BĐSĐT, tài sản dài hạn được thanh lý, nhượng bán trong kỳ nhưng chưa thanh toán hoặc đã thanh toán bằng tài sản phi tiền tệ.
– Trường hợp trong kỳ không phát sinh giao dịch mua hoặc thanh lý công ty con thì chỉ tiêu này có thể được lập bằng cách hợp cộng chỉ tiêu tương ứng trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con, sau đó điều chỉnh cho những biến động về giá trị của TSCĐ, BĐSĐT, tài sản dài hạn khác phát sinh từ các giao dịch trong nội bộ tập đoàn;
– Số liệu của chỉ tiêu này được cộng vào luồng tiền thuần từ hoạt động đầu tư.
3. Tiền chi cho vay và mua các công cụ nợ của đơn vị khác – Mã số 23
– Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào:
+ Báo cáo tài chính hợp nhất kỳ báo cáo;
+ Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con kỳ báo cáo;
+ Báo cáo của công ty mẹ và các công ty con về tình hình cho vay kỳ báo cáo;
– Số liệu chỉ tiêu này được xác định bằng cách: Lấy tổng số dư cuối kỳ trừ đi (-) tổng số dư đầu kỳ của các chỉ tiêu “Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn” và “Phải thu về cho vay” (chi tiết các khoản cho vay ngắn hạn và dài hạn) trong Bảng cân đối kế toán hợp nhất kỳ báo cáo, sau đó:
+ Trừ đi các khoản cho vay bằng tài sản phi tiền tệ hoặc trái phiếu nhận được từ giao dịch bán tài sản cho đơn vị khác;
+ Cộng với giá trị các khoản cho vay, công cụ nợ của đơn vị khác giảm do thu hồi gốc vay hoặc bán lại công cụ nợ của đơn vị khác;
+ Cộng với số dư chi tiết các khoản cho vay (tại ngày thanh lý) của công ty con bị thanh lý trong kỳ và trừ đi (-) số dư các khoản cho vay (tại ngày mua) của công ty con được mua trong kỳ;
– Trường hợp trong kỳ không phát sinh giao dịch mua hoặc thanh lý công ty con thì chỉ tiêu này có thể được lập bằng cách hợp cộng chỉ tiêu tương ứng trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con, sau đó điều chỉnh cho những biến động về các khoản cho vay phát sinh từ các giao dịch trong nội bộ tập đoàn;
– Số liệu chỉ tiêu này được trừ khỏi luồng tiền thuần từ hoạt động đầu tư và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn: (***).
4. Tiền thu hồi cho vay, bán lại công cụ nợ của đơn vị khác – Mã số 24
– Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào:
+ Báo cáo tài chính hợp nhất kỳ báo cáo;
+ Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con kỳ báo cáo;
+ Báo cáo của công ty mẹ và các công ty con về tình hình thu hồi các khoản cho vay kỳ báo cáo;
– Số liệu chỉ tiêu này được xác định bằng cách: Lấy tổng số thu chi tiết từ việc thu hồi gốc vay, bán lại công cụ nợ của đơn vị khác trong kỳ trên Báo cáo tài chính hợp nhất và các tài liệu có liên quan khác, sau đó:
+ Trừ đi (-) các khoản thu hồi cho vay, bán lại công cụ nợ chưa được thanh toán hoặc đã thanh toán bằng tài sản phi tiền tệ; Các khoản thu hồi công cụ nợ nắm giữ vì mục đích kinh doanh;
+ Trừ đi (-) các khoản thu hồi cho vay, bán lại công cụ nợ phát sinh từ các giao dịch trong nội bộ tập đoàn.
– Trường hợp trong kỳ không phát sinh giao dịch mua hoặc thanh lý công ty con thì chỉ tiêu này có thể được lập bằng cách hợp cộng chỉ tiêu tương ứng trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con, sau đó loại trừ số tiền thu hồi gốc vay và bán lại công cụ nợ phát sinh từ các giao dịch trong nội bộ tập đoàn.
– Số liệu của chỉ tiêu này được cộng vào luồng tiền thuần từ hoạt động đầu tư.
5. Tiền chi đầu tư góp vốn vào đơn vị khác – Mã số 25
– Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào:
+ Báo cáo tài chính hợp nhất kỳ báo cáo;
+ Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con kỳ báo cáo;
+ Báo cáo của công ty mẹ và các công ty con về tình hình đầu tư, góp vốn vào đơn vị khác kỳ báo cáo;
– Số liệu chỉ tiêu này được xác định bằng cách: Lấy tổng số dư cuối kỳ trừ đi (-) tổng số dư đầu kỳ của các chỉ tiêu “Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết”, “Đầu tư góp vốn vào đơn vị khác” (chi tiết các khoản đầu tư góp vốn vào đơn vị khác) trong Bảng cân đối kế toán hợp nhất kỳ báo cáo, sau đó:
+ Cộng với khoản đầu tư vào công ty con dưới hình thức mua lại phần vốn góp bằng tiền và trừ số tiền công ty con được mua có sẵn tại thời điểm mua; (Chỉ tiêu này không bao gồm giá trị khoản đầu tư vào công ty con dưới hình thức góp vốn bằng tiền);
+ Cộng với giá trị các khoản đầu tư, góp vốn giảm do thu hồi vốn góp đầu tư hoặc bán lại phần vốn góp vào đơn vị khác;
+ Cộng với số dư các khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết, đầu tư góp vốn vào đơn vị khác (tại ngày thanh lý) của công ty con bị thanh lý trong kỳ và trừ đi (-) số dư các khoản chi tiết các khoản nêu trên (tại ngày mua) của công ty con được mua trong kỳ;
+ Trừ đi các khoản đầu tư, góp vốn bằng tài sản phi tiền tệ; Phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu; Chuyển công cụ nợ thành vốn góp hoặc còn nợ chưa thanh toán;
+ Loại trừ phần chênh lệch giữa thời điểm cuối kỳ và thời điểm đầu kỳ của giá trị khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết trình bày theo phương pháp vốn chủ sở hữu;
– Trường hợp trong kỳ không phát sinh giao dịch mua hoặc thanh lý công ty con thì chỉ tiêu này có thể được lập bằng cách hợp cộng chỉ tiêu tương ứng trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con, sau đó điều chỉnh cho những biến động về các khoản vốn góp phát sinh từ các giao dịch trong nội bộ tập đoàn;
– Số liệu chỉ tiêu này được trừ khỏi luồng tiền thuần từ hoạt động đầu tư và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn: (***).
6. Tiền thu hồi đầu tư vốn vào đơn vị khác – Mã số 26
– Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào:
+ Báo cáo tài chính hợp nhất kỳ báo cáo;
+ Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con kỳ báo cáo;
+ Báo cáo của công ty mẹ và các công ty con về tình hình thu hồi vốn góp vào đơn vị khác kỳ báo cáo.
– Số liệu chỉ tiêu này được xác định bằng cách: Lấy tổng số thu chi tiết từ việc thu hồi hoặc bán lại vốn đầu tư vào đơn vị khác trong kỳ trên Báo cáo tài chính hợp nhất và các tài liệu có liên quan khác, sau đó:
+ Trừ đi các khoản thu hồi vốn góp chưa được thanh toán hoặc đã thanh toán bằng tài sản phi tiền tệ.
+ Trừ đi các khoản thu hồi vốn góp từ các đơn vị trong nội bộ tập đoàn.
– Trường hợp trong kỳ không phát sinh giao dịch mua hoặc thanh lý công ty con thì chỉ tiêu này có thể được lập bằng cách hợp cộng chỉ tiêu tương ứng trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con, sau đó loại trừ các khoản tiền thu hồi vốn đầu tư vào các đơn vị trong nội bộ tập đoàn.
– Số liệu của chỉ tiêu này được cộng vào luồng tiền thuần từ hoạt động đầu tư.
7. Thu lãi tiền cho vay, cổ tức và lợi nhuận được chia – Mã số 27
– Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào:
+ Báo cáo tài chính hợp nhất kỳ báo cáo;
+ Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con kỳ báo cáo;
+ Báo cáo của công ty mẹ và các công ty con về tình hình thu tiền lãi, cổ tức, lợi nhuận được chia từ khoản vốn góp vào đơn vị khác kỳ báo cáo.
– Số liệu chỉ tiêu này được xác định bằng cách: Lấy tổng số thu chi tiết từ việc thu tiền lãi, cổ tức, lợi nhuận được chia từ khoản vốn góp vào đơn vị khác trong kỳ trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất và các tài liệu có liên quan khác, sau đó:
+ Trừ đi các khoản tiền lãi, cổ tức, lợi nhuận được chia từ khoản vốn góp vào đơn vị khác trong kỳ chưa được thanh toán hoặc đã thanh toán bằng tài sản phi tiền tệ, bằng cổ phiếu;
+ Trừ đi các khoản tiền lãi, cổ tức, lợi nhuận được chia từ các đơn vị trong nội bộ tập đoàn.
+ Trừ đi các khoản tiền lãi cho vay, cổ tức và lợi nhuận công ty con nhận được trước ngày bị công mẹ kiểm soát.
– Trường hợp trong kỳ không phát sinh giao dịch mua hoặc thanh lý công ty con thì chỉ tiêu này có thể được lập bằng cách hợp cộng chỉ tiêu tương ứng trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con, sau đó loại trừ các khoản tiền lãi, cổ tức, lợi nhuận được chia từ các đơn vị trong nội bộ tập đoàn.
– Số liệu của chỉ tiêu này được cộng vào luồng tiền thuần từ hoạt động đầu tư.
8. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư – Mã số 30
Chỉ tiêu này được tính bằng tổng cộng số liệu các chỉ tiêu có mã số từ Mã số 21 đến Mã số 27. Nếu số liệu chỉ tiêu này là số âm thì được ghi dưới hình thức trong ngoặc đơn (***).
III. Lập báo cáo các chỉ tiêu luồng tiền từ hoạt động tài chính
1. Tiền thu từ phát hành cổ phiếu, nhận vốn góp của chủ sở hữu – Mã số 31
– Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào:
+ Báo cáo tài chính hợp nhất kỳ báo cáo;
+ Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con kỳ báo cáo;
+ Báo cáo của công ty mẹ và các công ty con về tình hình nhận vốn góp của chủ sở hữu trong kỳ báo cáo, thuyết minh Báo cáo tài chính hợp nhất và các tài liệu có liên quan khác.
– Số liệu chỉ tiêu này được xác định bằng cách: Lấy số dư cuối kỳ trừ số dư đầu kỳ của các chỉ tiêu “Vốn góp của chủ sở hữu”, “Thặng dư vốn cổ phần”, “Quyền chọn chuyển đổi trái phiếu”, “Vốn khác của chủ sở hữu” trên Bảng cân đối kế toán hợp nhất, sau đó:
+ Trừ đi (-) các khoản nhận vốn góp bằng tài sản phi tiền tệ hoặc chuyển nợ phải trả thành vốn chủ sở hữu; khoản vốn cổ phần tăng do trả cổ tức bằng cổ phiếu
+ Cộng với các khoản hoàn trả vốn góp cho chủ sở hữu bên ngoài tập đoàn.
– Trường hợp trong kỳ không phát sinh giao dịch mua hoặc thanh lý công ty con thì chỉ tiêu này có thể được lập bằng cách hợp cộng chỉ tiêu tương ứng trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con, sau đó loại trừ các khoản tiền thu hồi vốn đầu tư vào các đơn vị trong nội bộ tập đoàn.
– Số liệu của chỉ tiêu này được cộng vào luồng tiền thuần từ hoạt động tài chính.
2. Tiền chi trả vốn góp cho các chủ sở hữu, mua lại cổ phiếu đã phát hành – Mã số 32
– Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào:
+ Báo cáo tài chính hợp nhất kỳ báo cáo;
+ Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con kỳ báo cáo, thuyết minh Báo cáo tài chính hợp nhất và các tài liệu có liên quan khác;
+ Báo cáo của công ty mẹ và các công ty con về tình hình chi trả vốn góp, mua lại cổ phiếu đã phát hành trong kỳ báo cáo.
– Số liệu chỉ tiêu này được xác định bằng cách: Lấy tổng số đã chi trả (chi tiết chi trả vốn góp cho chủ sở hữu, mua lại cổ phiếu đã phát hành) của công ty mẹ và các công ty con trong kỳ trên Bảng cân đối kế toán hợp nhất, sau đó:
+ Trừ đi các khoản hoàn trả vốn góp bằng tài sản phi tiền tệ;
+ Trừ đi Khoản vốn góp được ghi giảm để bù lỗ kinh doanh
+ Trừ đi số tiền hoàn trả vốn góp cho các đơn vị trong nội bộ tập đoàn;
– Trường hợp trong kỳ không phát sinh giao dịch mua hoặc thanh lý công ty con thì chỉ tiêu này có thể được lập bằng cách hợp cộng chỉ tiêu tương ứng trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con, sau đó loại trừ các khoản hoàn trả vốn góp cho các đơn vị trong nội bộ tập đoàn.
– Số liệu chỉ tiêu này được trừ khỏi luồng tiền thuần từ hoạt động tài chính và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn: (***).
3. Tiền thu từ đi vay – Mã số 33
– Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào:
+ Báo cáo tài chính hợp nhất kỳ báo cáo;
+ Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con kỳ báo cáo;
+ Báo cáo của công ty mẹ và các công ty con về tình hình biến động các khoản đi vay trong kỳ báo cáo;
– Số liệu chỉ tiêu này được xác định bằng cách: Lấy tổng số dư cuối kỳ trừ đi (-) tổng số dư đầu kỳ của các chỉ tiêu “Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn”, “Vay và nợ thuê tài chính dài hạn”, “Trái phiếu chuyển đổi”, “Giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ (Mã số 324), “Cổ phiếu ưu đãi” (Mã số 342) trong Bảng cân đối kế toán hợp nhất kỳ báo cáo, sau đó:
+ Trừ đi (-) các khoản vay bằng tài sản phi tiền tệ và các khoản nhận nợ thuê tài chính phát sinh trong kỳ;
+ Cộng với giá trị các khoản hoàn trả gốc vay trong kỳ;
+ Cộng với số dư các khoản vay ngắn hạn, dài hạn (tại ngày thanh lý) của công ty con bị thanh lý trong kỳ và trừ đi (-) số dư các khoản chi tiết các khoản nêu trên (tại ngày mua) của công ty con được mua trong kỳ.
– Trường hợp trong kỳ không phát sinh giao dịch mua hoặc thanh lý công ty con thì chỉ tiêu này có thể được lập bằng cách hợp cộng chỉ tiêu tương ứng trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con, sau đó loại trừ các khoản vay từ các đơn vị trong nội bộ tập đoàn.
– Số liệu của chỉ tiêu này được cộng vào luồng tiền thuần từ hoạt động tài chính.
4. Tiền trả nợ gốc vay – Mã số 34
– Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào:
+ Báo cáo tài chính hợp nhất kỳ báo cáo;
+ Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con kỳ báo cáo, thuyết minh Báo cáo tài chính hợp nhất và các tài liệu có liên quan khác, ;
+ Báo cáo của công ty mẹ và các công ty con về tình hình chi trả gốc vay trong kỳ báo cáo.
– Số liệu chỉ tiêu này được xác định bằng cách: Lấy tổng số tiền đã chi trả gốc vay của công ty mẹ và các công ty con trong kỳ, sau đó:
+ Trừ đi (-) các khoản hoàn trả gốc vay bằng tài sản phi tiền tệ;
+ Trừ đi (-) các khoản hoàn trả gốc vay cho các đơn vị trong nội bộ tập đoàn.
– Trường hợp trong kỳ không phát sinh giao dịch mua hoặc thanh lý công ty con thì chỉ tiêu này có thể được lập bằng cách hợp cộng chỉ tiêu tương ứng trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con, sau đó loại trừ các khoản hoàn trả gốc vay cho các đơn vị trong nội bộ tập đoàn.
– Số liệu chỉ tiêu này được trừ khỏi luồng tiền thuần từ hoạt động tài chính và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn: (***).
5. Tiền chi trả nợ gốc thuê tài chính – Mã số 35
– Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào:
+ Báo cáo tài chính hợp nhất kỳ báo cáo;
+ Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con kỳ báo cáo, thuyết minh Báo cáo tài chính hợp nhất và các tài liệu có liên quan khác;
+ Báo cáo của công ty mẹ và các công ty con về tình hình chi trả gốc vay trong kỳ báo cáo.
– Số liệu chỉ tiêu này được xác định bằng cách: Lấy tổng số đã chi trả nợ thuê tài chính của công ty mẹ và các công ty con trong kỳ trên Bảng cân đối kế toán hợp nhất, sau đó:
+ Trừ đi (-) khoản trả nợ thuê tài chính bằng tài sản phi tiền tệ;
+ Trừ đi (-) các khoản trả nợ thuê tài chính cho các đơn vị trong nội bộ tập đoàn.
– Trường hợp trong kỳ không phát sinh giao dịch mua hoặc thanh lý công ty con thì chỉ tiêu này có thể được lập bằng cách hợp cộng chỉ tiêu tương ứng trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con, sau đó loại trừ các khoản trả nợ thuê tài chính cho các đơn vị trong nội bộ tập đoàn.
– Số liệu chỉ tiêu này được trừ khỏi luồng tiền thuần từ hoạt động tài chính và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn: (***).
6. Cổ tức, lợi nhuận đã trả cho chủ sở hữu – Mã số 36
– Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào:
+ Báo cáo tài chính hợp nhất kỳ báo cáo;
+ Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con kỳ báo cáo, thuyết minh Báo cáo tài chính hợp nhất và các tài liệu có liên quan khác;
+ Báo cáo của công ty mẹ và các công ty con về tình hình thu tiền lãi, cổ tức, lợi nhuận được chia từ khoản vốn góp vào đơn vị khác kỳ báo cáo.
– Số liệu chỉ tiêu này được xác định bằng cách: Lấy tổng số cổ tức, lợi nhuận đã trả cho các chủ sở hữu bên ngoài tập đoàn trong kỳ trên Báo cáo tài chính hợp nhất, sau đó:
+ Trừ đi (-) khoản cổ tức hoặc lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trả cho các chủ sở hữu bên ngoài tập đoàn bằng cổ phiếu và bằng các tài sản phi tiền tệ;
+ Trừ đi (-) khoản cổ tức, lợi nhuận công ty con được mua trong kỳ đã trả các chủ sở hữu trước thời điểm bị công ty mẹ kiểm soát;
– Trường hợp trong kỳ không phát sinh giao dịch mua hoặc thanh lý công ty con thì chỉ tiêu này có thể được lập bằng cách hợp cộng chỉ tiêu tương ứng trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con, sau đó loại trừ các khoản cổ tức, lợi nhuận đã trả cho các đơn vị trong nội bộ tập đoàn.
– Số liệu chỉ tiêu này được trừ khỏi luồng tiền thuần từ hoạt động tài chính và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn: (***).
7. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính – Mã số 40
Chỉ tiêu lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính phản ánh chênh lệch giữa tổng số tiền thu vào với tổng số tiền chi ra từ hoạt động tài chính trong kỳ báo cáo.
Chỉ tiêu này được tính bằng tổng cộng số liệu các chỉ tiêu có mã số từ Mã số 31 đến Mã số 36.
Nếu số liệu chỉ tiêu này là số âm thì ghi trong ngoặc đơn (***).
IV. Tổng hợp các luồng tiền trong kỳ
1. Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ – Mã số 50
2. Tiền và tương đương tiền đầu kỳ – Mã số 60
– Chỉ tiêu này phản ánh số dư của tiền và tương đương tiền đầu kỳ báo cáo, bao gồm tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, tiền đang chuyển và các khoản tương đương tiền.
– Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào số dư của tiền và tương đương tiền đầu kỳ báo cáo – Mã số 110, cột “Số đầu kỳ” trên Bảng cân đối kế toán hợp nhất.
3. Ảnh hưởng của thay đổi tỷ giá hối đoái – Mã số 61
– Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất (chi tiết phần chênh lệch đánh giá lại số dư tiền bằng ngoại tệ), Bảng cân đối kế toán hợp nhất, BCLCTT của công ty mẹ và các công ty con kỳ báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này được xác định bằng cách hợp cộng chỉ tiêu tương ứng trên BCLCTT của công ty mẹ và các công ty con và phần chênh lệch tỷ giá hối đoái do chuyển đổi báo cáo tài chính của công ty con trên Bảng cân đối kế toán hợp nhất. Chỉ tiêu này có thể được ghi bằng số dương hoặc số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (…).
4. Tiền và tương đương tiền cuối kỳ – Mã số 70
– Chỉ tiêu này phản ánh số dư của tiền và tương đương tiền cuối kỳ báo cáo, bao gồm tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, tiền đang chuyển và các khoản tương đương tiền.
– Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào số dư của tiền và tương đương tiền cuối kỳ báo cáo – Mã số 110, cột “Số cuối kỳ” trên Bảng cân đối kế toán hợp nhất.Mã số 70 = Mã số 50 + Mã số 60 + Mã số 61 + Mã số 62
Xem thêm: Chuẩn bị hồ sơ cho việc lập báo cáo tài chính