[MỚI] Hướng dẫn chi tiết về kê khai thuế GTGT – TNDN & kê khai bổ sung

Kê khai thuế GTGT – TNDN & Kê khai bổ sung | Ngày 18/6/2020 vừa qua, Cục thuế TP. Hà Nội ban hành Công văn số 53798/CT-TTHT về kê khai thuế GTGT, TNDN – cùng Kế toán Việt Hưng tìm hiểu qua bài viết ngay dưới đây.

kê khai thuế gtgt
[MỚI] Hướng dẫn chi tiết về kê khai thuế GTGT – TNDN & kê khai bổ sung

1. Về việc kê khai thuế GTGT

1.1 Thời điểm xác định thuế GTGT

Tại Khoản 2 Điều 8 Thông tư 219/2013/TT-BTC:

2. Đối với cung ứng dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

Đối với dịch vụ viễn thông là thời điểm hoàn thành việc đối soát dữ liệu về cước dịch vụ kết nối viễn thông theo hợp đồng kinh tế giữa các cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông nhưng chậm nhất không quá 2 tháng kể từ tháng phát sinh cước dịch vụ kết nối viễn thông.”

1.2 Nguyên tắc khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào

Tại Khoản 8 Điều 14 Thông tư 219/2013/TT-BTC:

“8. Thuế GTGT đầu vào phát sinh trong kỳ nào được kê khai, khấu trừ khi xác định số thuế phải nộp của kỳ đó, không phân biệt đã xuất dùng hay còn để trong kho.

Trường hợp cơ sở kinh doanh phát hiện số thuế GTGT đầu vào khi kê khai, khấu trừ bị sai sót thì được kê khai, khấu trừ bổ sung trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế.”

1.3 Khai bổ sung hồ sơ khai thuế

Tại Khoản 5 Điều 10 Thông tư 156/2013/TT-BTC:

“a) Sau khi hết hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định, người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan thuế có sai sót thì được khai bổ sung hồ sơ khai thuế.

Đối với loại thuế có kỳ quyết toán thuế năm: Trường hợp chưa nộp hồ sơ khai quyết toán thuế năm thì người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế tạm nộp của tháng, quý có sai sót, đồng thời tổng hợp số liệu khai bổ sung vào hồ sơ khai quyết toán thuế năm. Trường hợp đã nộp hồ sơ khai quyết toán thuế năm thì chỉ khai bổ sung hồ sơ khai quyết toán thuế năm. Trường hợp hồ sơ khai bổ sung hồ sơ quyết toán thuế năm làm giảm số thuế phải nộp nếu cần xác định lại số thuế phải nộp của tháng, quý thì khai bổ sung hồ sơ khai tháng, quý và tính lại tiền chậm nộp (nếu có).

Hồ sơ khai thuế bổ sung được nộp cho cơ quan thuế vào bất cứ ngày làm việc nào, không phụ thuộc vào thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của lần tiếp theo, nhưng phải trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế; nếu cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền đã ban hành kết luận, quyết định xử lý về thuế sau kiểm tra, thanh tra thì người nộp thuế được khai bổ sung, điều chỉnh:

– Người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp còn sai sót nhưng không liên quan đến thời kỳ, phạm vi đã kiểm tra, thanh tra thì người nộp thuế được khai bổ sung, điều chỉnh và phải nộp tiền chậm nộp theo quy định.

– Người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp còn sai sót liên quan đến thời kỳ đã kiểm tra, thanh tra nhưng không thuộc phạm vi đã kiểm tra, thanh tra thì người nộp thuế được khai bổ sung, điều chỉnh và phải nộp tiền chậm nộp theo quy định.

– Người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp còn sai sót liên quan đến thời kỳ, phạm vi đã kiểm tra, thanh tra dẫn đến phát sinh tăng số thuế phải nộp, giảm số thuế đã được hoàn, giảm số thuế được khấu trừ, giảm số thuế đã nộp thừa thì người nộp thuế được khai bổ sung, điều chỉnh và bị xử lý theo quy định như đối với trường hợp cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra phát hiện.

Trường hợp cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền đã ban hành kết luận, quyết định xử lý về thuế liên quan đến tăng, giảm số thuế GTGT còn được khấu trừ thì người nộp thuế thực hiện khai điều chỉnh vào hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế nhận được kết luận, quyết định xử lý về thuế theo kết luận, quyết định xử lý về thuế của cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền (người nộp thuế không phải lập hồ sơ khai bổ sung).

b) Hồ sơ khai bổ sung

– Tờ khai thuế của kỳ tính thuế bị sai sót đã được bổ sung, điều chỉnh;

– Bản giải trình khai bổ sung, điều chỉnh mẫu số 01/KHBS ban hành kèm theo Thông tư này (trong trường hợp khai bổ sung, điều chỉnh có phát sinh chênh lệch tiền thuế);

– Tài liệu kèm theo giải thích số liệu trong bản giải trình khai bổ sung, điều chỉnh.

c) Các trường hợp khai bổ sung hồ sơ khai thuế

c.1) Trường hợp người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế không làm thay đổi tiền thuế phải nộp, tiền thuế được khấu trừ, tiền thuế đề nghị hoàn thì chỉ lập Tờ khai thuế của kỳ tính thuế có sai sót đã được bổ sung, điều chỉnh và gửi tài liệu giải thích kèm theo, không phải lập Bản giải trình khai bổ sung, điều chỉnh mẫu số 01/KHBS.

c.2) Trường hợp người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế làm tăng tiền thuế phải nộp thì lập hồ sơ khai bổ sung và tự xác định tiền chậm nộp căn cứ vào số tiền thuế phải nộp tăng thêm, số ngày chậm nộp và mức tính chậm nộp theo quy định. Trường hợp người nộp thuế không tự xác định hoặc xác định không đúng số tiền chậm nộp thì cơ quan thuế xác định số tiền chậm nộp và thông báo cho người nộp thuế biết.

Ví dụ 1: Công ty A vào tháng 8/2014 lập hồ sơ kê khai bổ sung, điều chỉnh của hồ sơ khai thuế GTGT tháng 01/2014 làm tăng số thuế GTGT phải nộp 100 triệu đồng, thì Công ty A nộp số tiền thuế tăng thêm 100 triệu đồng, đồng thời tự xác định số tiền chậm nộp theo quy định để nộp vào NSNN.

Hồ sơ Công ty A nộp cho cơ quan thuế:

– Tờ khai thuế GTGT tháng 01/2014 đã điều chỉnh làm tăng thuế GTGT phải nộp 100 triệu đồng;

– Bản giải trình khai bổ sung, điều chỉnh mẫu số 01/KHBS làm tăng số thuế GTGT phải nộp 100 triệu đồng của kỳ tính thuế GTGT tháng 01/2014;

– Tài liệu kèm theo giải thích số liệu trong tờ khai bổ sung, điều chỉnh (nếu có).

Ví dụ 2: Công ty B vào tháng 8/2014 lập hồ sơ kê khai bổ sung, điều chỉnh của hồ sơ khai quyết toán thuế TNDN năm 2013 làm tăng số thuế TNDN phải nộp 100 triệu đồng, trường hợp này Công ty B nộp số tiền thuế tăng thêm 100 triệu đồng, đồng thời tự xác định số tiền chậm nộp theo quy định để nộp vào NSNN.

Hồ sơ Công ty B nộp cho cơ quan thuế:

– Tờ khai quyết toán thuế TNDN năm 2013 đã điều chỉnh tăng số thuế TNDN phải nộp của năm 2013 là 100 triệu đồng;

– Bản giải trình khai bổ sung, điều chỉnh mẫu số 01/KHBS làm tăng số thuế TNDN phải nộp 100 triệu đồng của kỳ quyết toán thuế TNDN năm 2013;

– Tài liệu kèm theo giải thích số liệu trong Bản giải trình khai bổ sung, điều chỉnh (nếu có).

c.3) Trường hợp người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế làm giảm tiền thuế phải nộp thì lập hồ sơ khai bổ sung. Số tiền thuế điều chỉnh giảm được tính giảm nghĩa vụ thuế phải nộp, nếu đã nộp NSNN thì được bù trừ vào số thuế phải nộp của kỳ sau hoặc được hoàn thuế.

kê khai thuế gtgt
Bộ Hồ sơ khai, quyết toán thuế tháng, quý, năm ( Điều 31 Luật Quản lý thuế 2006)

2. Về việc kê khai thuế TNDN

Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

Sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC và Điều 1 Thông tư số 151/2014/TT-BTC) như sau:

Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

c) Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng.
Trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên ghi trên hóa đơn mà đến thời điểm ghi nhận chi phí, doanh nghiệp chưa thanh toán thì doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Trường hợp khi thanh toán doanh nghiệp không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì doanh nghiệp phải kê khai, điều chỉnh giảm chi phí đối với phần giá trị hàng hóa, dịch vụ không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt vào kỳ tính thuế phát sinh việc thanh toán bằng tiền mặt (kể cả trong trường hợp cơ quan thuế và các cơ quan chức năng đã có quyết định thanh tra, kiểm tra kỳ tính thuế có phát sinh khoản chi phí này).

2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:
2.30. Các khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế, trừ các khoản chi sau…

3. Quy định về thời điểm lập hoá đơn bán hàng 

Tại Điểm a Khoản 2 Điều 16 Thông tư 39/2014/TT-BTC:

“Ngày lập hóa đơn đối với cung ứng dịch vụ là ngày hoàn thành việc cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp tổ chức cung ứng dịch vụ thực hiện thu tiền trước hoặc trong khi cung ứng dịch vụ thì ngày lập hóa đơn là ngày thu tiền.”

4. Quy định về hoá đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ

Tại Khoản 7 Điều 3 Thông tư 26/2015/TT-BTC:

“a) Sửa đổi, bổ sung điểm b Khoản 1 Điều 16 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 3 Điều 5 Thông tư số 119/2014/TT-BTC) như sau:

b) Người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các trường hợp hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hoá, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động (trừ hàng hoá luân chuyển nội bộ, tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất).

Nội dung trên hóa đơn phải đúng nội dung nghiệp vụ kinh tế phát sinh; không được tẩy xóa, sửa chữa; phải dùng cùng màu mực, loại mực không phai, không sử dụng mực đỏ; chữ số và chữ viết phải liên tục, không ngắt quãng, không viết hoặc in đè lên chữ in sẵn và gạch chéo phần còn trống (nếu có). Trường hợp hoá đơn tự in hoặc hoá đơn đặt in được lập bằng máy tính nếu có phần còn trống trên hoá đơn thì không phải gạch chéo.”

b) Sửa đổi, bổ sung điểm b Khoản 2 Điều 16 như sau:

b) Tiêu thức “Tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán”, “tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua”

Người bán phải ghi đúng tiêu thức “mã số thuế” của người mua và người bán.

Tiêu thức “tên, địa chỉ” của người bán, người mua phải viết đầy đủ, trường hợp viết tắt thì phải đảm bảo xác định đúng người mua, người bán.

Trường hợp tên, địa chỉ người mua quá dài, trên hóa đơn người bán được viết ngắn gọn một số danh từ thông dụng như: “Phường” thành “P”; “Quận” thành “Q”, “Thành phố” thành “TP”, “Việt Nam” thành “VN” hoặc “Cổ phần” là “CP”, “Trách nhiệm Hữu hạn” thành “TNHH”, “khu công nghiệp” thành “KCN”, “sản xuất” thành “SX”, “Chi nhánh” thành “CN”… nhưng phải đảm bảo đầy đủ số nhà, tên đường phố, phường, xã, quận, huyện, thành phố, xác định được chính xác tên, địa chỉ doanh nghiệp và phù hợp với đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế của doanh nghiệp.

Trường hợp tổ chức bán hàng có đơn vị trực thuộc có mã số thuế trực tiếp bán hàng thì ghi tên, địa chỉ, mã số thuế của đơn vị trực thuộc. Trường hợp đơn vị trực thuộc không có mã số thuế thì ghi mã số thuế của trụ sở chính.

Trường hợp khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ 200.000 đồng trở lên mỗi lần, người mua không lấy hóa đơn hoặc không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế (nếu có) thì vẫn phải lập hóa đơn và ghi rõ “người mua không lấy hoá đơn” hoặc “người mua không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế.

Riêng đối với các đơn vị bán lẻ xăng dầu, nếu người mua không yêu cầu lấy hoá đơn, cuối ngày đơn vị phải lập chung một hoá đơn cho tổng doanh thu người mua không lấy hoá đơn phát sinh trong ngày.

Trường hợp hóa đơn đã lập có sai sót về tên, địa chỉ người mua nhưng ghi đúng mã số thuế người mua thì các bên lập biên bản điều chỉnh và không phải lập hóa đơn điều chỉnh. Các trường hợp hóa đơn đã lập có sai sót khác thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 20 Thông tư số 39/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính.”

Tại Khoản 9 Điều 3 Thông tư 26/2015/TT-BTC:

2.4. Sử dụng hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá, dịch vụ khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu, cho, biếu, tặng đối với tổ chức kê khai, nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ:

a) Đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại theo quy định của pháp luật về thương mại thì phải lập hoá đơn, trên hoá đơn ghi tên và số lượng hàng hoá, ghi rõ là hàng khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu và thực hiện theo hướng dẫn của pháp luật về thuế GTGT.

Đối với hàng hoá, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động thì phải lập hoá đơn GTGT (hoặc hoá đơn bán hàng), trên hoá đơn ghi đầy đủ các chỉ tiêu và tính thuế GTGT như hoá đơn xuất bán hàng hoá, dịch vụ cho khách hàng.”

5. Chi tiết kê khai thuế GTGT, TNDN theo ý kiến Cục Thuế TP. Hà Nội

(1) Ngày lập hóa đơn đối với cung ứng dịch vụ là ngày hoàn thành việc cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp tổ chức cung ứng dịch vụ thực hiện thu tiền trước hoặc trong khi cung ứng dịch vụ thì ngày lập hóa đơn là ngày thu tiền

(2) Căn cứ hoá đơn đã lập, DN thực hiện kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo hướng dẫn tại Khoản 8 Điều 14 Thông tư số 219/2013/TT-BTC

(3) Các khoản chi tương ứng với doanh thu tính thuế được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN nếu đáp ứng các quy định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC.

(4) Sau khi hết hạn hồ sơ khai thuế theo quy định, DN phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp cho cá cơ quan thuế có sai sót thì được khai bổ sung hồ sơ khai thuế theo hướng dẫn khoản 5 Điều 10 Thông tư số 156/2013/TT-BTC nêu trên.

(5) Đề nghị DN căn cứ quy định của pháp luật & đối chiếu với tình hình phát sinh thực tế thực hiện kê khai, tính nộp thuế và điều chỉnh hồ sơ khai thuế (nếu có) theo quy định.

XEM THÊM:

MIỄN PHÍ | Các khoá học kế toán thuế – tổng hợp dành cho sinh viên

Học kế toán thuế và báo cáo tài chính | Điều đặc biệt chỉ sau 1 tháng học

Hơn 60 khoá học kế toán Online chuyên sâu tại Việt Hưng

Trên đây Kế toán Vệt Hưng có cập nhật mới nhất hướng dẫn chi tiết về kê khai thuế GTGT – TNDN & kê khai bổ sung theo Công văn số 53798/CT-TTHT của Cục Thuế TP. Hà Nội ban hành – Tham gia ngay cá khoá học kế toán thuế Online ngay với sự chỉ dạy trực tiếp 1 kèm 1 thu về kỹ năng làm nghề tránh sai sót về thuế.

 

5 1 Bình chọn
Bình chọn
Theo dõi
Thông báo cho
guest

2 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Dung Ha
Dung Ha
Bình chọn :
     

Giờ mình nhận được thông báo nộp thuế Gtgt thiếu từ năm 2021 do mình nộp nhầm sang bên thuế TNDN. Giờ nên xử lý thế nào ạ!

Admin Kế Toán Việt Hưng
Admin Kế Toán Việt Hưng
Trả lời  Dung Ha

Chào bạn, với câu hỏi của bạn Kế Toán Việt Hưng xin trả lời như sau:

Trường hợp này sẽ bị phạt chậm nộp thuế đó. Giờ bạn nộp thuế thiếu luôn vào đúng tiểu mục. Phần thuế TNDN bạn cứ để đó bù trừ lần sau nộp thuế TNDN. Hoặc quá 06 tháng kể từ thời điểm phát sinh số tiền thuế nộp thừa mà không phát sinh khoản phải nộp tiếp theo. Người nộp thuế có số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa sau khi thực hiện bù trừ theo quy định trên mà vẫn còn số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp. Hồ sơ hoàn thuế gồm: Giấy đề nghị hoàn trả khoản thu Ngân sách nhà nước theo mẫu số 01/ĐNHT

Mời bạn truy cập Cộng Đồng Làm Kế Toán https://www.facebook.com/groups/congdonglamketoan để đặt câu hỏi và nhận câu trả lời nhanh chóng, chính xác nhất từ đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm của chúng tôi!

close

GIẢI ĐÁP MIỄN PHÍ 24/7

Kế toán, thuế, bảo hiểm, Doanh nghiệp...