Trong quan hệ bán sản phẩm, hàng hóa theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp với khách hàng không phải lúc nào cũng diễn ra suôn sẻ mà có thể sẽ xuất hiện tình huống sản phẩm, hàng hóa bị trả lại từ phía khách hàng của doanh nghiệp. Khi xả ra trường hợp đó, cách hạch toán hàng hoá bị trả lại như thế nào? Kế Toán Việt Hưng sẽ giúp bạn tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây!
Hàng bán bị trả lại thường do các nguyên nhân: Vi phạm cam kết, vi phạm hợp đồng kinh tế, hàng bị kém, mất phẩm chất, không đúng chủng loại, quy cách.
Hàng bán bị trả lại nằm trong số các khoản giảm trừ doanh thu của doanh nghiệp. Tùy theo chế độ kế toán mà doanh nghiệp sử dụng để có cách hạch toán khác nhau. Tuy nhiên, dù doanh nghiệp thực hiện theo chế độ kế toán nào thì việc điều chỉnh giá trị hàng bán bị trả lại cũng như các khoản giảm trừ doanh thu được thực hiện như sau:
– Hàng bán bị trả lại phát sinh cùng kỳ tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa dịch vụ được điều chỉnh giảm doanh thu của kỳ phát sinh;
– Trường hợp sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã tiêu thụ từ các kỳ trước, đến kỳ sau mới phát sinh hàng bán bị trả lại thì doanh nghiệp được ghi giảm doanh thu theo nguyên tắc:
+ Nếu sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã tiêu thụ từ các kỳ trước, đến kỳ sau bị trả lại nhưng phát sinh trước thời điểm phát hành Báo cáo tài chính, kế toán phải coi đây là một sự kiện cần điều chỉnh phát sinh sau ngày lập Bảng cân đối kế toán và ghi giảm doanh thu trên Báo cáo tài chính của kỳ lập báo cáo (kỳ trước).
+ Trường hợp sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ bị trả lại sau thời điểm phát hành Báo cáo tài chính thì doanh nghiệp ghi giảm doanh thu của kỳ phát sinh (kỳ sau).
Trong phạm vi bài viết này chúng ta sẽ đi tìm hiểu cách hạch toán hàng hóa bị trả lại.
Theo chế độ kế toán thông tư 200/2014/TT-BTC: Kế toán sử dụng tài khoản 5212 để phản ánh doanh thu của hàng hóa bị người mua trả lại trong kỳ. Tài khoản này không phản ánh các khoản thuế được giảm trừ vào doanh thu như thuế GTGT đầu ra phải nộp tính theo phương pháp trực tiếp. Tài khoản 5212 không có số dư cuối kỳ.
Theo chế độ kế toán thông tư 133/2016/TT-BTC: Kế toán sử dụng tài khoản 511 để phản ánh doanh thu của hàng hóa bị người mua trả lại trong kỳ và tài khoản 511 không có số dư cuối kỳ.
Phương pháp cách hạch toán hàng hóa bị trả lại
1. Bên bán – bên bị trả lại hàng.
a. Khi bán hàng cách hạch toán hàng hóa bị trả lại
Ghi nhận doanh thu | Ghi nhận giá vốn |
Nợ 111,112,131 – Tổng giá thanh toán Có 511 – Doanh thu bán hàng (chưa bao gồm thuế) Có 3331 – thuế GTGT phải nộp (nếu có). |
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán. Có TK 156 – Hàng hóa |
b. Khi doanh nghiệp nhận lại hàng hóa bị trả lại
– Nhập kho – giảm giá vốn hàng bán.
Nợ TK 156 – Hàng hóa
Có TK 632 – Giá vốn hàng bán.
– Thanh toán với người mua hàng về số tiền của hàng bán bị trả lại:
Trường hợp bên mua là đối tượng có thể xuất hóa đơn: căn cứ vào biên bản trả lại hàng và hóa đơn bên mua đã xuất cho hàng bị trả lại | Trường hợp bên mua là đối tượng không thể xuât hóa đơn: căn cứ vào biên bản trả lại hàng của 2 bên và hóa đơn đã xuất khi bán |
Nợ TK 5212 – Hàng bán bị trả lại (giá bán chưa có thuế GTGT) (theo thông tư 200) Nợ TK 511 – Hàng bán bị trả lại (giá bán chưa có thuế GTGT) (theo thông tư 133) Nợ TK 3331- Thuế GTGT phải nộp (thuế GTGT hàng bị trả lại – nếu có) Có các TK 111, 112, 131,… |
Nợ TK 5212 – Hàng bán bị trả lại (giá bán chưa có thuế GTGT) (theo thông tư 200) Nợ TK 511 – Hàng bán bị trả lại (giá bán chưa có thuế GTGT) (theo thông tư 133) Nợ TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (thuế GTGT hàng bị trả lại – nếu có) Có các TK 111, 112, 131,… |
– Các chi phí phát sinh liên quan đến cách hạch toán hàng hoá bị trả lại (nếu có), ghi:
Nợ TK 641 – Chi phí bán hàng (Nếu theo thông tư 200)
Nợ TK 642 – Chi phí bán hang (Nếu theo thông tư 133)
Có các TK 111, 112,…
c. Nếu theo thông tư 200 thì cuối kỳ kế toán, kết chuyển tổng số giảm trừ doanh thu phát sinh trong kỳ từ tài khoản 5212 sang tài khoản 511 – “Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ”, cách hạch toán hàng hóa bị trả lại ghi:
Nợ TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có TK 521 – Các khoản giảm trừ doanh thu.
2. Bên mua – bên trả lại hàng.
a. Khi mua hàng – Ghi tăng giá trị hàng hóa, tài sản
Nợ 152, 153, 156, 211 – Giá chưa thuế của hàng hóa đã mua.
Nợ 1331 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có 111, 112, 331 – Tổng giá thanh toán
b. Khi trả lại hàng – Ghi giảm giá trị hàng hóa trả lại
Nợ 111, 112, 331 – Tổng giá trị hàng hóa trả lại
Có 152, 153, 156, 211 – Giá chưa thuế của hàng hóa trả lại
Có 1331 – giảm thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Ví dụ:
Ngày 06/04/2022, công ty A bán cho công ty B một số vòng bi với giá bán là 11.000.000 đồng (đã bao gồm VAT 10%) và đã thanh toán bằng tiền mặt, biết giá vốn của số vòng bi này là 7.000.000 đồng.
Ngày 07/04/2022, do số vòng bi này không đúng quy cách đã đặt hàng nên công ty B trả lại toàn bộ số vòng bi này cho công ty A kèm theo hóa đơn trả lại hàng và công ty A đã trả lại toàn bộ bằng tiền mặt cho công ty B, biết rằng công ty A và B hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên và doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ.
Theo chế độ kế toán thông tư 200/2014/TT-BTC
1. Hạch toán tại công ty A.
a. Ngày 06/04/2022: Khi bán hàng cho công ty B
– Phản ánh doanh thu
Nợ 111: 11.000.000
Có 511: 10.000.000
Có 3331: 1.000.000
– Ghi nhận giá vốn.
Nợ 632: 7.000.000
Có 156: 7.000.000
b. Ngày 07/04/2022: Khi nhận hàng kèm theo hóa đơn trả lại hàng của công ty B
– Phản ánh giá vốn:
Nợ TK 156: 7.000.000
Có TK 632: 7.000.000
– Phản ánh khoản giảm trừ doanh thu.
Nợ TK 5212: 10.000.000
Nợ TK 33311: 1.000.000
Có TK 111:11.000.000
– Cuối kỳ kết chuyển số giảm trừ doanh thu sang tài khoản 511
Nợ TK 511:10.000.000
Có TK 5212: 10.000.000
2. Hạch toán tại công ty B.
a. Ngày 06/04/2022: Khi mua hàng tại công ty A
– Phản ánh giá trị hàng hóa nhập kho.
Nợ 156: 10.000.000
Nợ 1331: 1.000.000
Có 111: 11.000.000
b. Ngày 07/04/2022: Khi trả lại hàng đã mua cho công ty A
– Phản ánh giá trị hàng hóa trả lại cho nhà cung cấp
Nợ 111: 11.000.000
Có 156: 10.000.000
Có 1331: 1.000.000
Theo chế độ kế toán thông tư 133/2016/TT-BTC
1. Hạch toán tại công ty A: Tương tự như thông tư 200 chỉ khác bút toán giảm trừ doanh thu:
Nợ TK 511: 10.000.000
Nợ TK 33311: 1.000.000
Có TK 111: 11.000.000
2. Hạch toán tại công ty B:
a. Ngày 06/04/2022: Khi mua hàng tại công ty A
– Phản ánh giá trị hàng hóa nhập kho.
Nợ 156: 10.000.000
Nợ 1331: 1.000.000
Có 111: 11.000.000
b. Ngày 07/04/2022: Khi trả lại hàng đã mua cho công ty A
– Phản ánh giá trị hàng hóa trả lại cho nhà cung cấp
Nợ 111: 11.000.000
Có 156: 10.000.000
Có 1331: 1.000.000
Tuỳ loại hình doanh nghiệp và tuỳ từng trường hợp mà cách hạch toán hàng hoá bị trả lại sẽ khác nhau. Do đó, kế toán viên cần nắm rõ cách hạch toán theo từng trường hợp để xử lý nghiệp vụ kế toán tại doanh nghiệp 1 cách thành thạo nhất. Bạn cũng có thể truy cập fanpage của chúng tôi để tìm hiểu thêm nhiều hơn những thông tin nghiệp vụ quan trọng.