Thay thế Thông tư 200 – Ngày 10/06/2024 Bộ Tài chính đã công bố dự thảo 2 – Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 200/20214/TT-BTC ngày 22/12/2014 về hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp. Vậy đề xuất thông tư thay thế thông tư 200 có hiệu lực khi nào?
1. Đề xuất Thông tư thay thế Thông tư 200 hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp có hiệu lực vào năm 2025
Tại Dự thảo Thông tư (lần 2) thay thế Thông tư 200/20214/TT-BTC ngày 22/12/2014 về hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp có đề cập đến hiệu lực thi hành của Thông tư thay thế Thông tư 200/20214/TT-BTC cụ thể như sau:
Điều 32. Hiệu lực thi hành
- Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2025 và áp dụng cho năm tài chính bắt đầu hoặc sau ngày 1/1/2025. Thông tư này thay thế cho Chế độ kế toán doanh nghiệp ban hành theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính, Thông tư số 75/2015/TT-BTC ngày 18/5/2015 của Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung Điều 128 Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính và Thông tư số 53/2016/TT-BTC ngày 21/3/2016 về sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 202/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính.
- Các Bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân các, Sở Tài chính, Cục Thuế các Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm triển khai hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện Thông tư này. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết.
Như vậy, tại Dự thảo Thông tư (lần 2) thay thế Thông tư 200/20214/TT-BTC thì dự kiến Thông tư này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2025 và áp dụng cho năm tài chính bắt đầu hoặc sau ngày 1/1/2025. Thông tư này thay thế cho Chế độ kế toán doanh nghiệp ban hành theo Thông tư 200/20214/TT-BTC, Thông tư 75/2015/TT-BTC và Thông tư 53/2016/TT-BTC.
2. Điều chỉnh một số nội dung về hệ thống tài khoản kế toán
2.1. Sửa đổi quy định về tài khoản 337
Dự thảo đề xuất sửa đổi Tài khoản 337 – Thanh toán theo tiến độ hợp đồng xây dựng thành Tài khoản 337 – Nợ phải trả phát sinh từ hợp đồng.
Tài khoản 337 theo dự thảo Thông tư dùng để phản ánh giá trị hiện có và tình hình tăng, giảm các khoản nợ phải trả phát sinh từ hợp đồng.
Doanh nghiệp căn cứ vào số dư TK 337 – Thanh toán theo tiến độ họp đồng xây dựng để chuyển sang TK 337 – Nợ phải trả phát sinh từ họp đồng.
2.2. Sửa đổi quy định về tài khoản 419
Dự thảo Thông tư mới quy định, Tài khoản 419 – Cổ phiếu quỹ, cổ phiếu mua lại của chính mình dùng để phản ánh giá trị hiện có và tình hình biến động tăng, giảm giá trị cổ phiếu quỹ hoặc cổ phiếu đã phát hành bởi công ty cổ phần và được mua lại bởi chính công ty đó (cổ phiếu mua lại của chính mình).
Việc doanh nghiệp mua lại cổ phiếu của chính mình để hủy bỏ hoặc bán ra hoặc sử dụng cổ phiếu quỹ để tái phát hành hoặc dùng làm cổ phiếu thưởng được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
Hiện nay, Tài khoản 419 chỉ dùng để phản ánh giá trị hiện có và tình hình biến động tăng giảm của cổ phiếu quỹ (cổ phiếu do công ty phát hành và được mua lại bởi chính công ty phát hành nhưng không bị huỷ bỏ và sẽ được tái phát hành trở lại trong khoảng thời gian quy định).
2.3. Thay đổi tên, số hiệu tài khoản
Dự thảo Thông tư mới dự kiến thay đổi tên của một số tài khoản kế toán, trong đó có:
- Tài khoản 242 – Chi phí trả trước -> Tài khoản 242 – Chi phí chờ phân bổ;
- Tài khoản 244 – Cầm cố, thế chấp, ký quỹ, ký cược -> Tài khoản 244 – Cầm cố, ký quỹ, ký cược.
- Doanh nghiệp căn cứ vào số dư TK 242 – Chi phí trả trước để chuyển sang TK 242 – Chi phí chờ phân bổ; số dư TK 244 – cầm cố, thế chấp, ký quỹ, ký cược để chuyển sang TK 244 – cầm cố, ký quỹ, ký cược.
- Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất thay đổi số hiệu Tài khoản 356 thành Tài khoản 456 – Quỹ phát triển khoa học và công nghệ.
2.4. Bổ sung tài khoản 137 – Tài sản phát sinh từ hợp đồng
Tài khoản này dùng để phản ánh giá trị hiện có và tình hình tăng, giảm các tài sản phát sinh từ hợp đồng.
Nếu dự thảo này được thông qua, doanh nghiệp sẽ căn cứ vào tài khoản này để xác định chỉ tiêu 134, 213 trên Báo cáo tình hình tài chính (hiện nay gọi là Bảng cân đối kế toán).
2.5. Bổ sung quy định về tài khoản loại 0
Bổ sung các Tài khoản 0 – Tài khoản ngoài bảng, trong đó gồm có:
- Tài khoản 001 – Tài sản thuê ngoài;
- Tài khoản 002 – Vật tư, hàng hoá nhận giữ hộ, nhận ký gửi, nhận gia công;
- Tài khoản 003 – Tài sản mang đi cầm cố;
- Tài khoản 004 – Nợ khó đòi đã xử lý;
- Tài khoản 005 – Lãi trả chậm, trả góp khi mua tài sản;
- Tài khoản 006 – Lãi trả chậm, trả góp khi bán tài sản;
- Tài khoản 007 – Ngoại tệ các loại và kim khí quý, đá quý.
3. Điều chỉnh cách phân loại tài sản và nợ ngắn hạn, dài hạn
Tài sản và nợ phải trả phải được phân loại trên Báo cáo tình hình tài chính. Theo đó, dự thảo Thông tư mới quy định:
– Một tài sản được phân loại là ngắn hạn khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Doanh nghiệp dự kiến thu hồi tài sản/dự tính bán/sử dụng tài sản đó trong thời hạn 12 tháng/trong một chu kỳ kinh doanh thông thường kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán;
- Doanh nghiệp nắm giữ tài sản đó chủ yếu cho mục đích thương mại;
- Tài sản là tiền/tương đương tiền, trừ khi các tài sản này bị cấm trao đổi hoặc không được sử dụng để thanh toán cho một nghĩa vụ nợ phải trả trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán.
– Một khoản nợ phải trả được phân loại là ngắn hạn khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Doanh nghiệp dự kiến thanh toán khoản nợ phải trả/khoản nợ phải trả đến hạn thanh toán trong thời hạn 12 tháng/trong một chu kỳ kinh doanh thông thường kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán;
- Doanh nghiệp nắm giừ khoản nợ phải trả chủ yếu vì mục đích kinh doanh;
- Doanh nghiệp không có quyền trì hoãn vô điều kiện việc thanh toán khoản nợ phải trả (kể cả trường hợp theo quyền chọn của bên đối tác, khoản nợ phải trả sẽ được doanh nghiệp thanh toán bằng cách phát hành các công cụ vốn) trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán.
Kéo theo, những loại tài sản, nợ phải trả không được phân loại là ngắn hạn thì được phân loại là dài hạn.
Điểm a khoản 4 Điều 102 Thông tư 200/2014/TT-BTC quy định, tài sản hoặc nợ phải trả có thời gian đáo hạn còn lại không quá 12 tháng hoặc một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường kể từ thời điểm báo cáo được phân loại là ngắn hạn.
4. Đơn vị tiền tệ trong kế toán tại Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 200
Tại Dự thảo Thông tư (lần 2) thay thế Thông tư 200/20214/TT-BTC đã đề ra điều khoản hướng dẫn chi tiết về đơn vị tiền tệ trong kế toán, các điều kiện đề lựa chọn một loại ngoại tệ là đơn vị tiền tệ trong kế toán doanh nghiệp cụ thể:
– “Đơn vị tiền tệ trong kế toán” là Đồng Việt Nam (ký hiệu quốc gia là “đ”; ký hiệu quốc tế là “VND”) được dùng để ghi sổ kế toán, lập và trình bày Báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp chủ yếu thu, chi bằng ngoại tệ, đáp ứng được các tiêu chuẩn quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều này thì được chọn một loại ngoại tệ làm đơn vị tiền tệ đề ghi số kế toán và chịu trách nhiệm về lựa chọn đó trước pháp luật.
– Các điều kiện đề lựa chọn một loại ngoại tệ là đơn vị tiền tệ trong kế toán:
+ Là đơn vị tiền tệ sử dụng chủ yếu trong các giao dịch bán hàng, cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp, có ảnh hưởng lớn đến giá bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ và thường chính là đơn vị tiền tệ dùng để niêm yết giá bán và được thanh toán;
+ Là đơn vị tiền tệ sử dụng chủ yếu trong việc mua hàng hóa, dịch vụ, có ảnh hưởng lớn đến chi phí nhân công, nguyên vật liệu và các chi phí sản xuất, kinh doanh khác, thông thường chính là đơn vị tiền tệ dùng để thanh toán cho các chi phí đó.
– Các yếu tố sau đây cũng được xem xét và cung cấp bằng chứng về đơn vị tiền tệ trong kế toán của doanh nghiệp:
+ Đơn vị tiền tệ sử dụng để huy động các nguồn lực tài chính (như phát hành cổ phiếu, trái phiếu);
+ Đơn vị tiền tệ thường xuyên thu được từ các hoạt động kinh doanh và được tích trữ lại.
– Đơn vị tiền tệ trong kế toán phản ánh các giao dịch, sự kiện, điều kiện liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Sau khi xác định được đơn vị tiền tệ trong kế toán thì doanh nghiệp không được thay đổi trừ khi có sự thay đổi trọng yếu trong các giao dịch, sự kiện và điều kiện đó.
4. Sửa đổi một số nội dung của Bảng cân đối kế toán (Báo cáo tình hình tài chính)
Dự thảo thay đổi một số nội dung trong Báo cáo tài chính & trình bày báo cáo tài chính như sau:
- Đổi tên “Bảng cân đối kế toán” thành “Báo cáo tình hình tài chính”
- Bỏ các chỉ tiêu: 135, 215, 317, 419, 422, 430
- Sửa đổi quy định về chỉ tiêu 134 – Tài sản ngắn hạn phát sinh từ hợp đồng: Phản ánh giá trị tài sản phát sinh từ hợp đồng có thời hạn không quá 12 tháng, số liệu căn cứ từ số dư Nợ TK 137.
- Bổ sung các chỉ tiêu: 124 – Dự phòng đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn, 135 – Phải thu ngắn hạn khác, 213 – Tài sản dài hạn phát sinh từ hợp đồng, 313 – Nợ phải trả ngắn hạn phát sinh từ hợp đồng, 320 – Phải trả cổ tức, lợi nhuận, 333 – Nợ phải trả dài hạn phát sinh từ hợp đồng
- Chuyển chỉ tiêu 343 – Quỹ phát triển khoa học & công nghệ xuống mục 419 của Vốn chủ sở hữu
Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ các điểm mới trong dự thảo thay thế Thông tư 200. Đừng quên theo dõi Fanpage Kế Toán Việt Hưng để luôn cập nhật nhanh chóng các thay đổi quan trọng trong lĩnh vực kế toán và tài chính!