Cách xử lý và hạch toán khi hàng về hóa đơn chưa về

Hàng về hóa đơn chưa về là trường hợp mà rất nhiều doanh nghiệp thường xuyên gặp phải. Vậy kế toán cần phải xử lý và hạch toán như thế nào? Dưới đây là một số hướng dẫn của kế toán Việt Hưng giúp các doanh nghiệp tránh mắc phải những sai sót nhé. 

hàng về hóa đơn chưa về
Cách xử lý và hạch toán khi hàng về hóa đơn chưa về

1. Chứng minh hàng về hóa đơn chưa về 

Trước khi tiến hành hạch toán, kế toán cần phải chứng minh được hàng hóa đã về nhưng hóa đơn vẫn chưa về:

– Có biên bản hợp đồng ký kết thỏa thuận mua bán giữa hai bên, giấy xuất – nhập của bên cung cấp, biên bản giao nhận hàng hóa.

– Có phiếu xuất kho, phiếu nhập kho, chứng từ chuyển tiền, cam kết sẽ xuất hóa đơn sau khi hàng về.

– Trong biên bản thỏa thuận giữa các bên cần ghi rõ thời gian, địa điểm giao nhận hàng, giao hóa đơn, chứng từ cho hàng đi đường.

2. Phương pháp hạch toán khi hàng về hóa đơn chưa về

Dựa vào phiếu nhập kho kế toán hạch toán vào sổ theo giá tạm tính chưa bao gồm thuế

Nợ 152 (153, 156): Số lượng nhập x Giá tạm tính

Có 111 (112,331…): Số lượng nhập x Giá tạm tính

Khi hóa đơn về, kế toán sẽ hạch toán như sau: 

a) Nếu giá mua = Giá tạm tính

Nợ TK133: Theo số tiền thuế trên hóa đơn.

Có TK111,112,331: Số lượng mua x Giá mua x % Thuế suất

b) Nếu giá mua > Giá tạm tính

– Phản ánh thuế

Nợ TK133:

Có TK 111,112,331: Số lượng mua x Giá mua x % Thuế suất

– Điều chỉnh tăng

Nợ TK 152, 156: Số lượng x (Giá mua – Giá tạm tính)

Có TK 111,112,331: Số lượng mua x (Giá mua – Giá tạm tính)

c) Nếu giá mua < Giá tạm tính

– Phản ánh thuế:

Nợ TK 133:

Có TK 111,112,331: Số lượng mua x Giá mua x % Thuế suất

– Điều chỉnh giảm:

Nợ TK 111,112,331: Số lượng x (Giá tạm tính – Giá mua)

Có TK 152, 156: Số lượng x (Giá tạm tính – Giá mua)

3. Xử lý các chi phí thuế 

Thuế thu nhập doanh nghiệp 

Với trường hợp hàng về hóa đơn chưa về mà bên mua không được nhận đúng thời điểm thì vẫn sẽ tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều kiện là việc mua bán được xác thực là có thật và đầy đủ dựa trên các loại giấy tờ chứng thực mua bán theo đúng quy định của pháp luật.

Với những hóa đơn đầu vào mà bên mua nhận không đúng thời điểm thì sẽ vẫn được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp nếu chứng minh được việc mua bán là có thật và có đầy đủ các giấy tờ chứng thực liên quan cũng như đáp ứng được các điều kiện được trừ theo quy định.

Ngoài ra, Thông tư 39/2014/TT-BTC quy định về thời điểm lập hóa đơn như sau:

“Ngày lập hóa đơn đối với bán hàng hoá là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hoá cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.”

Khi bên mua nhận được hàng về trước hóa đơn về sau, nhập kho và bán cho đơn vị khác khi chưa có hóa đơn đầu vào thì việc khấu trừ thuế GTGT tuân thủ điều kiện sau ( theo Điều 15, Thông tư số 6/2012/TT-BTC):

“Có hóa đơn GTGT hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc chứng từ nộp thuế GTGT nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế GTGT thay cho phía nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Tài chính áp dụng đối với các tổ chức nước ngoài không có tư cách pháp nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam.

Có chứng từ thanh toán qua ngân hàng đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào (bao gồm hàng hóa nhập khẩu) từ hai mươi triệu đồng trở lên, trừ trường hợp tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào từng lần theo hóa đơn dưới hai mươi triệu đồng theo giá đã có thuế GTGT.”

Như vậy, nếu bên mua có đầy đủ chứng thực để cơ quan thuế xác thực được hoạt động mua bán là có thật thì bên mua hàng sẽ được khấu trừ VAT khi hàng về trước mà hóa đơn về sau. 

Trên đây là cách xử lý và hạch toán khi hàng về hóa đơn chưa về mà kế toán cần phải lưu ý để tránh những sai sót trong quá trình thực hiện. Chúc các bạn thành công!

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *