Tính thuế GTGT chuyển nhượng bất động sản | Với tình hình kinh tế đang khó khăn hiện nay, việc đầu tư bất động sản hầu như đang giậm chân tại chỗ và có xu hướng giá bất động sản giảm sâu. Đây cũng là thời điểm mà những ai có điều kiện nắm bắt cơ hội để sở hữu bất động sản giá rẻ. Vì vậy, kế toán Việt Hưng đã nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến việc tính thuế và nộp thuế về vấn đề này. Bài viết này kế toán Việt Hưng sẽ chia sẻ cho các bạn đọc giả về cách tính thuế GTGT chuyển nhượng Bất động sản mới nhất.
Cách tính thuế GTGT chuyển nhượng bất động sản
Theo Nghị định 49/2022/NĐ-CP mà Chính Phủ đã ban hành, theo quy định tại khoản 1 điều 1 như sau:
“1. Sửa đổi, bổ sung khoản 3, 4 Điều 4 như sau:
“3. Đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản, giá tính thuế giá trị gia tăng là giá chuyển nhượng bất động sản trừ (-) giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng.
a) Giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng được quy định cụ thể như sau:
a.1) Trường hợp được Nhà nước giao đất để đầu tư cơ sở hạ tầng xây dựng nhà để bán, giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng bao gồm tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định pháp luật về thu tiền sử dụng đất và tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng (nếu có).
a.2) Trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất thì giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là giá đất trúng đấu giá.
a.3) Trường hợp thuê đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà để bán, giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là tiền thuê đất phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định pháp luật về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước và tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng (nếu có).
Tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng quy định tại điểm a.1 và điểm a.3 khoản này là số tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo phương án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, được trừ vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp theo quy định pháp luật về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.
a.4) Trường hợp cơ sở kinh doanh nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân thì giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là giá đất tại thời điểm nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất không bao gồm giá trị cơ sở hạ tầng. Cơ sở kinh doanh được kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào của cơ sở hạ tầng (nếu có). Trường hợp không xác định được giá đất tại thời điểm nhận chuyển nhượng thì giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định tại thời điểm ký hợp đồng nhận chuyển nhượng.
Trường hợp cơ sở kinh doanh nhận chuyển nhượng bất động sản của các tổ chức, cá nhân đã xác định giá đất bao gồm cả giá trị cơ sở hạ tầng theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4 Nghị định số 209/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 3 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2015) thì giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là giá đất tại thời điểm nhận chuyển nhượng không bao gồm cơ sở hạ tầng.
Trường hợp không tách được giá trị cơ sở hạ tầng tại thời điểm nhận chuyển nhượng thì giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định tại thời điểm ký hợp đồng nhận chuyển nhượng.
Ngoài ra, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 13 nhằm hướng dẫn thi hành Nghị định số 49/2022 nêu trên đã quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật GTGT. Một trong những vấn đề quan tâm trong nghị định 49/2022 và thông tư 13 này là thay đổi cách tính thuế GTGT trong chuyển nhượng bất động sản.
Cụ thể như sau:
Trước kia với một dự án bất động sản có tổng giá trị quyền sử dụng đất chuyển nhượng là 500 tỷ đồng. Chủ đầu tư đã nộp tiền thuế đất, tiền giải phóng mặt bằng là 40 tỷ đồng thì giá đất tính thuế GTGT là tổng giá trị chuyển nhượng, tức là 500 tỷ đồng.
Theo quy định mới, Giá đất được trừ ở đây được hiểu là tiền sử dụng đất và tiền giải phóng mặt bằng, Có nghĩa là với việc chủ đầu tư chỉ phải đóng thuế GTGT trên giá trị chuyển nhượng là 460 tỷ đồng.
Theo luật sư Tuấn, Điểm b Khoản 1 Điều 11 Chương II Nghị định 126/2020/NĐ-CP (Số: 126/2020/NĐ-CP, ngày 19 tháng 10 năm 2020) quy định người nộp thuế thực hiện các quy định về địa điểm nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều 45 Luật Quản lý thuế (Luật số: 38/2019/QH14, ngày 13 tháng 6 năm 2019), trong đó nêu rõ khai thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản của dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà để chuyển nhượng (bao gồm cả trường hợp có thu tiền ứng trước của khách hàng theo tiến độ) tại nơi có hoạt động chuyển nhượng bất động sản. Ngoài ra, đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản của dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà để chuyển nhượng (bao gồm cả trường hợp có thu tiền ứng trước của khách hàng theo tiến độ) tại nơi có hoạt động chuyển nhượng bất động sản thì người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế nơi có hoạt động kinh doanh khác tỉnh, thành phố nơi có trụ sở chính. Các trường hợp chuyển nhượng bất động sản không thuộc quy định trên thì khai thuế, nộp hồ sơ khai thuế cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp và phân bổ số thuế phải nộp cho từng tỉnh/thành phố nơi có hoạt động kinh doanh theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Chương III Thông tư 80/2021/TT-BTC. (Số: 80/2021/TT-BTC, ngày 29 tháng 9 năm 2021). Sau đó, tiến hành nộp tiền thuế đã kê khai vào ngân sách nhà nước tại tỉnh/thành phố nơi có bất động sản chuyển nhượng. (Nguồn: dangcongsan.vn) |
Nếu bạn có bất kỳ vướng mắc nào về nghiệp vụ kế toán bất động sản cần tháo gỡ MỜI BẠN THAM GIA ĐẶT CÂU HỎI để giải đáp NGAY LẬP TỨC bởi đội ngũ kế toán trưởng tại Group CỘNG ĐỒNG LÀM KẾ TOÁN: https://www.facebook.com/groups/congdonglamketoan
Như vậy Kế Toán Việt Hưng đã chỉ ra cách khác biệt và cách tính thuế GTGT chuyển nhượng bất động sản giữa quy định cũ và quy định mới. Với sự thay đổi này đã giúp cho các chủ sở hữu giảm được bớt gánh nặng phải nộp thuế. Hãy theo dõi Fanpage của chúng tôi để biết thêm những tin tức mới.