Cách lập bảng cân đối kế toán phần nguồn vốn

Ở bài viết trước lamketoan.vn đã chia sẻ về cách lập bảng cân đối kế toán phần tài sản. Bài viết này chúng ta tiếp tục đi tìm hiểu về cách lập các chỉ tiêu tại phần nguồn vốn trên BCĐKT.

cach-lap-bang-can-doi-ke-toan-phan-2

Nội dung và phương pháp lập các chỉ tiêu trên bảng cân đối kế toán như sau:

A- NỢ PHẢI TRẢ (Mã số 300)

          Mã số 300 = Mã số 310+ Mã số 330

I- Nợ ngắn hạn (Mã số 310)

Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh tổng giá trị các khoản nợ còn phải trả có thời hạn thanh toán dưới một năm hoặc dưới một chu kỳ kinh doanh, và giá trị các khoản chi phí phải trả, tài sản thừa chờ xử lý, các khoản nhận ký quỹ, ký cược dài hạn tại thời điểm báo cáo.

           Mã số 310= Mã số 311+ Mã số 312+ Mã số 313+ Mã số 314+ Mã số 315+ Mã số 316+ Mã số 317+ Mã số 318+ Mã số 319 + Mã số 320 + Mã số 323

1- Vay và nợ ngắn hạn (Mã số 311)

Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là tổng Số dư có trên các sổ kế toán TK 311 “ Vay ngắn hạn”, TK 315 Nợ dài hạn đến hạn trả.

2- Phải trả người bán (Mã số 312)

Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là tổng số dư có trên các sổ chi tiết TK 331 “ Phải trả người bán) có thời gian thanh toán dưới 1 năm hoặc trong một chu kỳ KD.

3- Người mua trả tiền trước (Mã số 313)

Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dự Có trên các sổ chi tiết  của TK 131 “ Phải thu khách hàng”.

4- Thuế và các khoản phải nộp nhà nước(Mã số 314)

Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là Tổng số Có trên các sổ chi tiết  TK 333 “Thuế và các khoản phải nộp nhà nước”.

5- Phải trả người lao động (Mã số 315)

Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dự có trên TK 334 “ Phải trả người lao động” trên sổ cái.

6- Chi phí phải trả (Mã số 316)

Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư có tài khoản 335 “ Chi phí phải trả”  trên sổ cái.

7- Phải trả nội bộ  (mã số 317)

Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư có trên TK 336 “ Phải trả nội bộ” không bao gồm các khoản phải trả nội bộ được xếp vào loại nợ phải trả dài hạn).

8- Phải trả theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng (Mã số 318)

Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dự Có TK 337 “ thanh toán theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng” trên sổ cái.

9- Các khoản phải trả, phải nộp khác (Mã số 319)

Phản ánh các khoản phải trả, phải nộp ngắn hạn khác ngoài các khoản nợ phải trả đã được phản ánh trong các chỉ tiêu trước đó, bao gồm các khoản nhận ký quỹ, ký cược dài hạn

Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Các khoản phải trả, phải nộp khác” là tổng số dư Có của các Tài khoản 338 “Phải trả, phải nộp khác”, Tài khoản 138 “Phải thu khác”, Tài khoản 344 “Nhận ký quỹ, ký cược dài hạn”, (không bao gồm các khoản phải trả, phải nộp khác được xếp vào loại nợ phải trả dài hạn).

10- Dự phòng Nợ ngắn hạn (320)

Phản ánh số dự phòng Nợ phải trả ngắn hạn đã được trích lập

Số liệu để ghi vào “Dự phòng Nợ phải trả ngắn hạn” là dư Có của tài khoản 139 “Dự phòng nợ phải thu khó đòi” (không bao gồm nợ phải thu khó đòi dài hạn)

11- Quỹ khen thưởng phúc lợi (323)

Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Quỹ khen thưởng, phúc lợi” là số dư Có của tài khoản 353 – “Quỹ khen thưởng, phúc lợi”.

II- Nợ dài hạn (Mã số 330)

Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh tổng giá trị các khoản nợ dài hạn của doanh nghiệp bao gồm những khoản nợ có thời hạn thanh toán trên một năm hoặc trên một chu kỳ kinh doanh, khoản phải trả người bán, phải trả nội bộ, các khoản phải trả dài hạn khác, vay và nợ dài hạn và thuế thu nhập hoãn lại phải trả tại thời điểm báo cáo.

          Mã số 330= Mã số 331+ Mã số 332+ mã số 333+ Mã số 334+ Mã số 335 + Mã số 336 + Mã số 337+   Mã số 338 + Mã số 339

1- Phải trả dài hạn người bán (Mã số 331)

Phản ánh số tiền phải trả cho người bán được xếp vào loại nợ dài hạn tại thời điểm báo cáo.

Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Phải trả dài hạn người bán” căn cứ vào chi tiết số dư Có của Tài khoản 331 “Phải trả cho người bán”, mở theo từng người bán đối với các khoản phải trả cho người bán được xếp vào loại nợ dài hạn. 

2- Phải trả dài hạn nội bộ ( Mã số 332)

Phản ánh các khoản nợ phải trả dài hạn nội bộ, bao gồm các khoản vốn đã nhận, đã vay của đơn vị chính và các khoản vay nợ lẫn nhau giữa các đơn vị trực thuộc trong doanh nghiệp.

Số  liệu để ghi vào chỉ tiêu “Phải trả nội bộ dài hạn” căn cứ vào chi tiết số dư Có của Tài khoản 336 “Phải trả nội bộ” đối với các khoản phải trả nội bộ được xếp vào loại Nợ dài hạn.

3- Phải trả dài hạn khác ( Mã 333)

Phản ánh các khoản phải trả dài hạn khác ngoài các khoản nợ phải trả đã được phản ánh trong các chỉ tiêu trước đó

Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “ Phải trả dài hạn khác” là tổng số dư Có của các Tài khoản 338 “Phải trả, phải nộp khác”, Tài khoản 138 “Phải thu khác”, Tài khoản 344 “Nhận ký quỹ, ký cược dài hạn”, (không bao gồm các khoản phải trả, phải nộp khác được xếp vào loại nợ phải trả ngắn hạn).

4- Vay và nợ dài hạn (Mã số 334)

Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là căn cứ vào số dư Có TK 341 “ Vay dài hạn”, TK 342 “ Nợ dài hạn, TK 343 “ Trái phiếu phát hành” trên sổ cái

5- Thuế thu nhập hoãn lại phải trả (Mã số 335)

Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này được căn cứ vào số dư Có Tài khoản 347 – “Thuế thu nhập hoãn lại phải trả”, trên Sổ Cái.

6- Dự phòng trợ cấp mất việc làm(Mã số 336)

 Số liệu ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có cuối kỳ trên sổ cái tài khoản 351 Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm.

7- Dự phòng phải trả dài hạn(Mã số 337)

Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư cuối kỳ của sổ TK 352 những khoản trên 12 tháng.

8- Doanh thu chưa thực hiện (338)

Chỉ tiêu này phản ánh các khoản doanh thu chưa thực hiện tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Doanh thu chưa thực hiện” là số dư Có của tài khoản 3387 – “Doanh thu chưa thực hiện” trên sổ kế toán chi tiết TK 3387

9- Quỹ phát triển khoa học và công nghệ (339)

Chỉ tiêu này phản ánh Quỹ phát triển khoa học và công nghệ chưa sử dụng tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Quỹ phát triển khoa học và công nghệ” là số dư Có của tài khoản 356 – “Quỹ phát triển khoa học và công nghệ” trên Sổ kế toán tài khoản 356.

B- VỐN CHỦ SỞ HỮU (Mã số 400)

          Mã số 400= Mã số 410 + Mã số 430

I- Vốn chủ sở hữu (Mã số 410)

          Mã số 410 = Mã số 411+ Mã số 412+ Mã số 413+ Mã số 414+ Mã số 415 + Mã số 416 +Mã số 417 +Mã Số 418 +Mã Số 419 + Mã Số 420 + Mã Số 421 + Mã Số 422

1- Vốn đầu tư của chủ sở hữu (Mã số 411)

Là chỉ tiêu phản ánh toàn bộ vốn đầu tư (vốn góp) của chủ sở hữu vào doanh nghiệp như vốn đầu tư của Nhà nước (đối với công ty Nhà nước); vốn góp của các cổ đông (đối với công ty cổ phần), vốn góp của các bên liên doanh, vốn góp của các thành viên hợp danh, vốn góp của thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân, …

Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Vốn đầu tư của chủ sở hữu” là số dư có của Tài khoản 4111“Vốn đầu tư của chủ sở hữu”.

2- Thặng dư vốn cổ phần (Mã số 412)

Chỉ tiêu này phản ánh tổng giá trị chênh lệch giữa vốn góp theo mệnh giá cổ phiếu với giá thực tế phát hành cổ phiếu.

Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Thặng dư vốn cổ phần” là số dư Có của Tài khoản 4112“Thặng dư vốn cổ phần”. Nếu tài khoản này có số dư Nợ thì được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (…).

3- Vốn khác của chủ sở hữu (Mã số 413)

Chỉ tiêu này phản ánh các loại vốn khác thuộc chủ sở hữu của DN.

Số liêu ghi vào chỉ tiêu Vốn khác của chủ sở hữu là số dư có của TK 4118 vốn khác.

4- Cổ phiếu quỹ (Mã số 414)

Là chỉ tiêu phản ánh giá trị thực tế mua lại số cổ phiếu do công ty cổ phần phát hành sau đó được mua lại bởi chính công ty cổ phần đó làm cổ phiếu ngân quỹ.

Chỉ tiêu này được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (…).

Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Cổ phiếu ngân quỹ” là số dư Nợ của Tài khoản “Cổ phiêu ngân quỹ” trên Sổ Tài khoản  419.

5- Chênh lệch đánh giá lại tài sản (Mã số 415)

Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này căn cứ vào số dư CÓ trên TK 412 “ Chênh lệch đánh giá lại tài sản) trên sổ cái.

6- Chênh lệch tỷ giá hối đoái (mã số 416)

Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư có TK 413 “Chênh lệch tỷ giá hối đoái” trên sổ cái, nếu TK này có số dư nợ thì ghi âm trong (…..).

7- Quỹ đầu tư phát triển (Mã số 417)

Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư có TK 414 “ quỹ đầu tư phát triển” trên sổ cái

8- Quỹ dự phòng tài chính (Mã số 418)

Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư có TK 415 “ quỹ đầu dự phòng tài chính” trên sổ cái

9- Quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu (Mã số 419)

Phản ánh các quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp được trích lập từ lợi nhuận sau thuế (ngoài quỹ dự phòng tài chính và quỹ đầu tư phát triển) và quỹ hỗ trợ và sắp xếp cổ phần hóa DNNN ở các Tổng công ty Nhà nước (nếu có).

Số liệu ghi vào chỉ tiêu này là sổ dư TK 418  Quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu

10- Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (Mã số 420)

Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có của sổ kế toán TK 421 – Lợi nhuận chưa phân phối.

11- Nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản (Mã số 421)

Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có của TK 441 “ nguồn vốn đầu tư XDCB” trên sổ cái.

12- Quỹ hổ trợ sắp xếp doanh nghiệp (Mã số 422)

Chỉ tiêu này phản ánh Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp chưa sử dụng tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp” là số dư Có của tài khoản 417 – “Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp” trên Sổ kế toán tài khoản 417

II- Nguồn kinh phí và quỹ khác (Mã số 430)

Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh tổng giá trị quỹ khen thưởng, phúc lợi; tổng số kinh phí sự nghiệp được cấp để chi tiêu cho các hoạt động ngoài kinh doanh sau khi trừ đi các khoản chi bằng nguồn kinh phí được cấp; nguồn kinh phí đã hình thành TSCĐ, tại thời điểm báo cáo.

          Mã số 420 = Mã số 431 + Mã số 432 

1- Nguồn kinh phí (Mã số 431)

Phản ánh nguồn kinh phí sự nghiệp được cấp nhưng chưa sử dụng hết, hoặc số chi sự nghiệp lớn hơn nguồn kinh phí sự nghiệp.

Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Nguồn kinh phí” căn cứ vào số dư Có của Tài khoản 461 “Nguồn kinh phí sự nghiệp” sau khi trừ đi số dư Nợ Tài khoản 161 “Chi sự nghiệp” trên Sổ Cái.

Trường hợp “Chi sự nghiệp” lớn hơn “Nguồn kinh phí sự nghiệp” thì chỉ tiêu này được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (…).

2- Nguồn kinh phí đã hình thành nên TSCĐ (Mã số 432)

Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư có TK 466 “ Nguồn kinh phí đã hình thành TSCĐ” trên sổ cái.

TỔNG CỘNG NGUỒN VỐN ( Mã số 440)

          Mã số 440 = Mã số 300 + Mã số 400

Sau khi cập nhật xong các chỉ tiêu trên bảng cân đối kế toán cần kiểm tra chỉ tiêu số 270 phần tài sản phải bằng với chỉ tiêu 440 phần nguồn vốn để đảm bảo tính chất của bảng cân đối kế toán đó là:

Tổng Tài sản = Tổng nguồn vốn

Sau khi lập xong BCĐKT, chúng ta đi lập bảng biểu thứ hai trong bộ báo cáo tài chính đó là lập báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *