Cách định khoản thuế giá trị gia tăng được khấu trừ

Hướng dẫn cách định khoản thuế giá trị gia tăng được khấu trừ

Cách định khoản thuế giá trị gia tăng được khấu trừ

1. Khái niệm

Thuế GTGT được khấu trừ là thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế  GTGT

2. Thuế GTGT được khấu trừ phát sinh khi nào?

– Thuế GTGT được khấu trừ ghi trên hóa đơn GTGT mua hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả tài sản cố định) dùng cho sản xuất kinh doanh  hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT

– Thuế GTGT được khấu trừ ghi trên tờ khai nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế GTGT thay cho phía nước ngoài theo quy định của pháp luật

3. Tài khoản sử dụng khi định khoản thuế giá trị gia tăng được khấu trừ

Thuế GTGT được khấu trừ  – TK 133, gồm có 2 tài khoản cấp 2:

+ TK 1331: Thuế GTGT được khấu trừ của hàng hóa, dịch vụ: phản ánh thuế GTGT đầu vào được khấu trừ của vật tư, hàng hóa, dịch vụ mua ngoài dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo PP khấu trừ

+ TK 1332: Thuế GTGT của TSCĐ: phản ánh số thuế GTGT đầu vào của quá trình đầu tư, mua sắm tài sản cố định dùng vào hoạt động sản xuất, kinh doan hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ thuế của quá trình mua sắm bất động sản đầu tư

4. Cách định khoản thuế giá trị gia tăng được khấu trừ

4.1. Khi mua vật tư, hàng hóa, TSCĐ dùng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng

Hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ, mua bất động sản đầu tư thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ

Kế toán phản ánh giá trị vật tư , hàng hóa nhập kho, chi phí thu mua vận chuyển, bốc xếp, thuê kho bãi.. từ nơi mua về đến doanh nghiệp theo giá thực tế bao gồm giá mua chưa có thuế GTGT đầu vào và thuế GTGT được khấu trừ, ghi

Nợ TK 152: Nguyên liệu, vật liệu

Nợ TK 153: Công cụ, dụng cụ

Nợ TK 156: Hàng hóa

Nợ TK 211: TSCĐ hữu hình

Nợ TK 213: TSCĐ vô hình

Nợ TK 217: Bất động sản đầu tư

Nợ TK 611: Mua hàng (kê khai định kỳ)

Nợ TK 133 (1331, 1332): thuế GTGT được khấu trừ

Có TK 111, 112, 331: Tổng giá thanh toán

Ví dụ 1: Công ty TNHH Mai Lan mua 1 chiếc máy tính Lenovo trị giá chưa thuế GTGT 12.500.000 đồng, thuế GTGT 10%, thanh toán bằng chuyển khoản sử dụng cho văn phòng

Nợ TK 156: 12.500.000

Nợ TK 133: 1.250.000

Có TK 112: 13.750.000

4.2. Khi mua vật tư, hàng hóa, công cụ, dịch vụ dùng ngay vào sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, sửa chữa TSCĐ, đầu tư XDCB thuộc đối tượng chịu thuế G

Kế toán phản ánh giá trị vật tư, hàng hóa, dịch vụ tính vào chi phí kinh doanh theo giá

mua chưa có thuế GTGT và phản ánh thuế GTGT đầu vào

Nợ Các TK 621, 623, 627, 641, 642, 241, 142, 242…Giá mua chưa có thuế GTGT

Nợ TK 1331: Thuế GTGT được khấu trừ

Có TK 111, 112, 331,….: Tổng giá thanh toán

Ví dụ 2: Công ty cổ phần Phú An mua 1.000 kg nguyên liệu chính, đơn giá 25.000 đ/kg, thuế GTGT 10%, chưa thanh toán tiền, đưa vào sản xuất ngay

Nợ TK 621: 25.000.000

Nợ TK 133: 2.500.000

Có TK 331: 27.500.000

4.3. Khi mua hàng hóa giao bán ngay cho khách hàng không qua nhập kho

Nợ TK 632: Giá vốn hàng bán ( giá mua chưa có thuế GTGT)

Nợ TK 1331: Thuế GTGT được khấu trừ

Có TK 111, 112, 331,…: Tổng giá thanh toán

Ví dụ 3: Công ty TNHH Hải Anh mua 10 thùng bia Đại Việt xuất bán trực tiếp cho Công ty TNHH Châu Á, đơn giá mua chưa thuế GTGT 10% là 210.000 đồng/thùng, thanh toán bằng chuyển khoản

Nợ TK 632: 2.100.000

Nợ TK 133: 210.000

Có TK 112: 2.310.000

4.4. Khi nhập khẩu vật tư, hàng hóa, TSCĐ

Kế toán phản ánh giá trị vật tư, hàng hóa, TSCĐ nhập khẩu bao gồm tổng số tiền phải thanh toán cho người bán  (Theo tỷ giá giao dịch thực tế hoặc tỷ giá giao dịch bình quân liên ngân hàng do ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm phát sinh nghiệp vụ kinh tế, thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp (nếu có), chi phí vận chuyển

Trường hợp 1:

Trường hợp hàng hóa nhập khẩu dùng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo PP khấu trừ

+ Nợ TK 152, 156, 211: Giá chưa thuế GTGT hàng nhập khẩu

Có TK 3332: Thuế tiêu thụ đặc biệt

Có TK 3333: Thuế xuất, nhập khẩu

Có TK 33381: Thuế bảo vệ môi trường

Có TK 111, 112, 331,…

+ Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ

Nợ TK 1331, 1332: Thuế GTGT được khấu trừ

Có TK 33312: Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước

Trường hợp 2:

Trường hợp hàng hóa nhập khẩu dùng vào hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT hoặc chịu thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp, hoặc dùng vào hoạt động sự nghiệp, văn hóa, phúc lợi, dự án…. Được trang trải bằng nguồn kinh phí sự nghiệp, dự án hoặc quỹ khen thưởng,  phúc lợi thì thuế GTGT của hàng hóa nhập khẩu được tính vào giá trị vật tư, hàng hóa, TSCĐ mua vào

Nợ TK 152, 156, 211: Giá có thuế GTGT và thuế nhập khẩu

Có TK 33312: Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước

Ví dụ 4: Công ty TNHH Ngọc Mai nhập khẩu mặt hàng A, giá CIF theo hợp đồng 98

USD/Sp, số lượng 100 sp, tỷ giá tính thuế 22.750 đ/USD, thuế nhập khẩu 5%, thuế GTGT 10%

Giá tính thuế = 98 x 100 x 22.750 = 222.950.000 đồng

Thuế Nhập khẩu = 222.950.000 x 5% = 11.147.500 đồng

Thuế GTGT = ( 222.950.000 + 11.147.500) x 10% = 23.409.750 đồng

Nợ TK 156: 234.097.500

Có TK 3333: 11.147.500

Có TK 331: 222.950.000

Nợ TK 1331: 23.409.750

Có TK 33312: 23.409.750

4.5. Trả lại hàng đã mua hoặc giảm giá do kém chất lượng, không đúng chủng loại,….

Kế toán phản ánh giá trị hàng mua trả lại hoặc giảm giá hàng mua và thuế GTGT đầu vào được khấu trừ

Nợ TK 111, 112, 331,…: Tổng giá thanh toán

Có TK 133: Thuế GTGT được khấu trừ của hàng mua trả lại hoặc giảm giá hàng bán

Có TK 152, 153, 156, 211,….Giá mua chưa có thuế GTGT

Ví dụ 5: Công ty TNHH Mai  Linh mua một lô hàng A, số lượng 5 cái , đơn giá 6.000.000 đồng/cái, thuế GTGT 10%. Sau khi hàng về, kiểm tra phát hiện 1 cái bị lỗi, và trả lại người bán, số hàng trả lại trừ vào số tiền chưa thanh toán

– Phản ánh giá trị hàng mua về

Nợ TK 156: 30.000.000

Nợ TK 133: 3.000.000

Có TK 331: 33.000.000

– Phản ánh hàng mua về trả lại

Nợ TK 331: 6.600.000

Có TK 133: 600.000

Có TK 156: 6.000.000

4.6. Vật tư, hàng hóa, dịch vụ, TSCĐ mua về thuộc đối tượng chịu thuế và không chịu thuế GTGT

Vật tư, hàng hóa, dịch vụ, TSCĐ mua về dùng đồng thời cho sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế và không chịu thuế GTGT nhưng doanh nghiệp không hạch toán riêng được thuế GTGT đầu vào được khấu trừ

4.6.1. Khi mua vật tư, hàng hóa, TSCĐ

Nợ TK 152, 153, 156, 211, 213: Giá mua chưa có thuế GTGT

Nợ TK 133: Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ

Có TK 111, 112, 331,….

4.6.2. Cuối kỳ, kế toán tính và xác định số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ và không được khấu trừ

– Nếu số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ ít thì sẽ hạch toán vào giá vốn hàng bán trong kỳ

Nợ TK 632: Giá vốn hàng bán

Có TK 1331: Thuế GTGT được khấu trừ

– Nếu số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ lớn thì sẽ phân bổ vào giá vốn hàng bán của các kỳ sau

Nợ TK 142: Chi phí trả trước ngắn hạn

Nợ TK 242: Chị phí trả trước dài hạn

Có TK 1331: Thuế GTGT được khấu trừ

+ Định kỳ phân bổ

Nợ TK 632: Giá vốn hàng bán

Có TK 142, 242: Chi phí trả trước

Ví dụ 6: Trong tháng 3/2018, Công ty TNHH Hoài An mua nguyên liệu A về để sản xuất mặt hàng vừa chịu thuế GTGT và không chịu thuế GTGT số lượng 50 cái, đơn giá 1.000.000 đồng/cái, thuế suất 10%. Trong đó doanh thu chịu thuế trong tháng là 800.000.000 đồng, tổng doanh thu trong tháng là 1.000.000.000 đồng, Tổng số thuế GTGT đầu vào tập hợp được trong tháng là: 90.000.000 đồng

Số thuế GTGT được khấu trừ = (800.000.000/1.000.000.000)*50.000.000= 40.000.000 đồng

4.6.3. Vật tư, hàng hóa, TSCĐ mua vào bị tổn thất do thiên tai, hỏa hoạn, bị mất.

Xác định do trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân phải bồi thường thì thuế GTGT đầu vào của số hàng hóa này không được tính vào số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ khi kê khai thuế GTGT phải nộp

– Tổn thất chưa xác định được nguyên nhân chờ xử lý

Nợ TK 1381: Phải thu khác

Có TK 1331, 1332: Thuế GTGT được khấu trừ

– Khi có quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền về số thu bồi thường của tổ chức, cá nhân

Nợ TK 111, 334,….Số thu bồi thường

Nợ TK 632: Giá vốn hàng bán (Nếu được tính vào chi phí)

Có TK 1381: Phải thu khác

Có TK 133: Thuế GTGT được khấu trừ (Nếu xác định được nguyên nhân và có quyết định xử lý ngay)

Ví dụ 7: Công ty CP Trung Tín mua 50 cái đèn để bàn, trị giá 1 cái 200.000 đ/cái, thuế GTGT 10%. Khi về nhập kho thì bị thất lạc 1 cái, đang chờ xử lý

Nợ TK 1381: 20.000

Có TK 133: 20.000

4.6.4. Cuối kỳ, kế toán xác định số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ và số thuế GTGT  đầu ra khi xác định số thuế GTGT phải nộp trong kỳ

Nợ TK 3331: Thuế GTGT phải nộp

Có TK 133: Thuế GTGT được khấu trừ

Ví dụ 8: Cuối tháng 2/2018, Công ty TNHH Mai Anh tập hợp được số thuế GTGT được

khấu trừ là 50.000.000 đồng, số thuế GTGT đầu ra là: 40.000.000 đồng

Nợ TK 3331: 40.000.000

Có TK 1331: 40.000.000

4.6.5. Khi được hoàn thuế xuất khẩu theo quyết định hoàn thuế của cơ quan có thẩm quyền

Nợ TK 111, 112,…: Số tiền được hoàn

Có TK 1331: Thuế GTGT được khấu trừ hoàn thuế

Ví dụ 9: Trong tháng 9/2017, Công ty Xuất khẩu Tuấn Đạt nhận được giấy Báo có của ngân hàng Công thương số tiền 550.000.000 đồng về nội dung được hoàn thuế xuất khẩu

Nợ TK 112: 550.000.000

Có TK 1331: 550.000.000

Xem thêm: Đối tượng được hoàn thuế giá trị gia tăng

5. Kết luận về cách định khoản thuế giá trị gia tăng được khấu trừ

– Trường hợp doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ dùng vào hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT hoặc chịu thuế GTGT theo PP trực tiếp, hoạt động sự nghiệp thì số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ và được tính vào giá trị của vật tư, hàng hóa, TSCĐ mua vào

– Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ sẽ bù trừ với số thuế GTGT đầu ra trong kỳ

+ Nếu Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ > Số thuế GTGT đầu ra→được khấu trừ tiếp vào các kỳ tiếp theo

+ Nếu Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ < Số thuế GTGT đầu ra→Phải nộp thuế vào NSNN

– Trường hợp hàng hóa, dịch vụ mua vào không có hóa đơn GTGT hoặc có hóa đơn GTGT nhưng không đúng quy định của pháp luật thì không được khấu trừ thuế (không ghi hoặc ghi không đúng tên, địa chỉ, mã số thuế người bán, tẩy xóa, hóa đơn khống) hoặc những hóa đơn có tổng giá trị thanh toán từ 20.000.000 đồng trở lên nhưng thanh toán bằng tiền mặt

Trên đây là những chia sẻ của Kế toán Việt Hưng về cách định khoản thuế giá trị gia tăng được khấu trừ hiện nay. Nếu bạn còn vấn đề gì khúc mắc. Bạn vui lòng để lại bình luận phía dưới bài viết này nhé. Kế toán Việt Hưng luôn sẵn lòng giải đáp cho bạn ạ!

Có 2 bình luận

  1. Avatar of Nguyễn thị thuận
    Nguyễn thị thuận đã viết:

    Định khoản thuế gtgt được khấu trừ
    DN mua 1 phương tiện vận tải để kinh doanh giá mua 1 tỷ, thuế gtgt 10%, thanh toán 70% bằng chuyển khoản còn lại nợ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *