Nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi là những lĩnh vực đặc thù nên kế toán chi phí và tính giá thành sản phẩm của các doanh nghiệp này cũng mang tính đặc thù. Hôm nay, cùng kế toán Việt Hưng tìm hiểu 6 ưu điểm hoạt động tổ chức kế toán chi phí trong DN giống cây trồng nhé.
1. Tổng quan về kế toán chi phí
Kế toán chi phí thực hiện các nhiệm vụ gắn liền với vấn đề của công ty, tổ chức, doanh nghiệp… Kế toán chi phí có nhiệm vụ tập hợp chi phí sản xuất và đối tượng tính giá thành phù hợp với đặc thù của công việc và yêu cầu của công tác quản lý.
Kế toán chi phí thực hiện hạch toán các loại tài khoản kế toán để hạch toán chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm phù hợp với phương pháp kế toán hàng tồn kho mà doanh nghiệp đã lựa chọn.
2. 6 ưu điểm trong công tác kế toán chi phí doanh nghiệp giống cây trồng
(1) Hầu hết các DN đều tiến hành phân loại chi phí theo khoản mục chi phí đã giúp cho việc quản lý chi phí được thuận lợi hơn, đảm bảo được yêu cầu cung cấp các thông tin chi phí trên báo cáo tài chính (BCTC) theo quy định của Nhà nước.
(2) Việc xác định đối tượng tập hợp chi phí và tính giá thành ở các DN thuộc ngành Giống cây trồng khá phù hợp với đặc điểm tổ chức sản xuất và quy trình sản xuất của từng DN.
(3) Hệ thống chứng từ kế toán về cơ bản được tổ chức hợp lý, chặt chẽ trong toàn bộ quá trình luân chuyển, các chứng từ đảm bảo tính hợp pháp, hợp lệ phục vụ công tác kế toán tài chính một cách chính xác, kịp thời.
(4) Hệ thống tài khoản để tổ chức kế toán chi phí, giá thành sản phẩm dựa trên hệ thống tài khoản kế toán do Bộ Tài chính ban hành và được chi tiết tương đối hợp lý nhằm cung cấp thông tin cần thiết phục vụ nhu cầu quản trị DN.
(5) Hệ thống sổ kế toán chi tiết và tổng hợp đảm bảo đúng quy định của Bộ Tài chính và khá đầy đủ, phần lớn các DN thuộc ngành Giống cây trồng áp dụng hình thức chứng từ ghi sổ nên khá phù hợp với năng lực và trình độ của cán bộ kế toán hiện nay.
(6) Việc lập BCTC trong các DN thuộc ngành Giống cây trồng được thực hiện một cách đầy đủ, kịp thời theo quy định (BCTC năm, BCTC giữa niên độ).
3. Những hạn chế công tác kế toán chi phí doanh nghiệp giống cây trồng
– Về tổ chức bộ máy kế toán và việc xác định ranh giới giữa kế toán tài chính và KTQT hiện nay:
- Hầu hết các DN thuộc ngành Giống cây trồng Việt Nam chưa xây dựng được mô hình KTQT nói chung và KTQT chi phí giá thành nói riêng. Tổ chức bộ máy kế toán thường gồm các bộ phận chính như: Kế toán các phần hành; Kế toán tổng hợp, chi phí giá thành; Kiểm tra nội bộ; Thống kê…
- Đặc biệt, bộ phận kế toán chi phí được tổ chức ở bộ phận kế toán tổng hợp, bộ phận này sử dụng thông tin của các bộ phận khác như vật liệu, tiền lương, tài sản cố định… Vì vậy, thông tin nhận được ở bộ phận này thường chậm hơn các bộ phận khác. Điều này làm suy giảm chức năng quản lý chi phí dẫn đến giá thành sản phẩm còn cao, chưa hợp lý và do giá bán sản phẩm chưa phù hợp, dẫn đến khó có thể cạnh tranh được với sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến những tồn tại khác.
– Về việc tổ chức vận dụng hệ thống chứng từ, hệ thống tài khoản kế toán quản trị chi phí giá thành: Nhìn chung, việc vận dụng hệ thống chứng từ và hệ thống tài khoản kế toán tại các DN thuộc ngành Giống cây trồng Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu của KTQT nói chung và KTQT chi phí giá thành nói riêng. Các chứng từ và tài khoản vận dụng tại các DN chủ yếu phục vụ cho kế toán tài chính mà chưa có sự bổ sung để đáp ứng yêu cầu thu thập thông tin phục vụ yêu cầu quản trị sản xuất kinh doanh ở DN.– Hệ thống sổ kế toán chi tiết phục vụ cho công tác kế toán tập hợp chi phí và tính giá thành chưa đầy đủ, đặc biệt là kế toán chi tiết theo dõi từng địa điểm phát sinh, từng nhóm sản phẩm, từng sản phẩm, từng trung tâm chi phí. Điều này, dẫn đến hạn chế trong việc kiểm soát chi phí và giá thành sản phẩm.
– Công tác nhận diện, phân loại chi phí sản xuất và phân tích chi phí sản xuất. Hiện nay, việc phân loại chi phí tại các DN thuộc ngành Giống cây trồng Việt Nam chủ yếu phân loại theo nội dung để phục vụ cho việc lập BCTC. Đây là cách phân loại dựa trên những quy định của Nhà nước, những chi phí này được phân loại và ghi chép trên các tài khoản kế toán nhằm tổng hợp để tính toán và lập bảng tính giá thành sản phẩm, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh. Đó là những phần hành của kế toán tài chính. Còn các cách phân loại khác như: Phân loại chi phí theo mối quan hệ với khối lượng hoạt động, phân loại chi phí theo trách nhiệm quản lý… để phục vụ trực tiếp cho yêu cầu quản trị của DN thì chưa được quan tâm. Điều này chứng tỏ mức độ coi trọng, đầu tư vào việc hạch toán nội bộ ở DN chưa cao, chưa thấy hết tầm quan trọng của các thông tin do KTQT cung cấp trong việc ra quyết định quản trị ở DN.
– Việc lập dự toán chi phí, định mức chi phí: KTQT chi phí, giá thành sản phẩm mới chỉ dừng lại ở chức năng cung cấp thông tin quá khứ mà chưa phục vụ cho mục đích kiểm tra giám sát tình hình tuân thủ các định mức kinh tế kỹ thuật và dự toán chi phí sản xuất kinh doanh của DN. Tuy có một số DN có dự toán và định mức chi phí, song chưa đồng bộ, dẫn đến chưa sát với diễn biến thực tế thị trường cũng như tình hình kinh doanh của DN. Do đó, thông tin dự toán phục vụ cho mục đích kiểm tra, giám sát và ra quyết định của DN chưa sát thực, dẫn đến một số khó khăn trong việc ra quyết định của các nhà quản trị DN.– Chưa thiết lập được hệ thống báo cáo nội bộ phục vụ cho quản trị DN. Nhìn chung, hiện nay, các DN thuộc ngành Giống cây trồng Việt Nam mới chỉ thực hiện BCTC bắt buộc của kế toán tài chính mà chưa thực hiện vận dụng, sửa đổi bổ sung các mẫu biểu để phục vụ quản trị nội bộ DN.– Chế độ kế toán Việt Nam trong những năm qua đã có những bước tiến quan trọng, song mới phù hợp với các DN thuộc các ngành sản xuất công nghiệp, xây dựng, còn đối với ngành nông nghiệp thì chưa hợp lý. Vì vậy, các DN thuộc ngành Giống cây trồng trong quá trình vận dụng còn gặp một số khó khăn và đôi khi thực hiện không thống nhất.
– Về xác định đối tượng, phương pháp tập hợp chi phí sản xuất: Việc tập hợp chi phí ở nhiều DN mới chỉ theo địa điểm phát sinh (trại, chi nhánh, công nghệ) mà chưa tập hợp chi tiết theo đối tượng chịu chi phí như sản phẩm, đơn đặt hàng, chủng loại sản phẩm; chưa xây dựng được định mức chi phí, kế hoạch chi phí cho từng sản phẩm, trại, chi nhánh…
4. Một số giải pháp cho các doanh nghiệp thuộc ngành Giống cây trồng VN
– Các DN thuộc ngành Giống cây trồng Việt Nam cần rà soát, bổ sung, xây dựng hệ thống các định mức kinh tế kỹ thuật và thường xuyên rà soát, bổ sung cho phù hợp với từng thời kỳ.
– Trong nền kinh tế mới, công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, các DN ngành Giống cây trồng cần xây dựng và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sao cho phù hợp đặc thù của ngành, đặc thù và yêu cầu quản lý của đơn vị.
– Cần tăng cường nhận thức về KTQT, cũng như sự cần thiết phải vận dụng tổ chức KTQT ở DN.
– Hoàn thiện cơ chế tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh ở DN. Các DN cần căn cứ vào điều kiện, quy mô sản xuất kinh doanh của từng DN và cơ chế quản lý kinh tế, tài chính mới. Các DN cũng cần hoàn thiện cơ chế tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh phù hợp với sự phân cấp quản lý nhằm tăng cường hạch toán kinh tế nội bộ; Xác định rõ mối quan hệ giữa các bộ phận trong đơn vị, giữa phòng kế toán với các bộ phận có liên quan trong toàn DN.
– Tổ chức bồi dưỡng kiến thức về KTQT cho cán bộ quản lý, cán bộ kế toán.
– Chủ động xây dựng mô hình tổ chức KTQT phù hợp với công ty; tổ chức sắp xếp, điều chỉnh và hoàn thiện tổ chức quản lý kinh doanh của công ty. Xây dựng và thiết kế hệ thống kiểm soát quản lý một cách phù hợp và hiệu quả…