Theo TT 32/2007/TT-BTC, Hướng dẫn thi hành Nghị định số 158/2003/NĐ-CP ngày 10/12/2003, Nghị định số 148/2004/NĐ-CP ngày 23/7/2004 và Nghị định số 156/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế giá trị gia tăng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng như sau.
I. Đối tượng chịu thuế, đối tượng nộp thuế GTGT :
1- Đối tượng chịu thuế GTGT:
Đối tượng chịu thuế GTGT là hàng hoá, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam (bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ mua của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài), trừ các đối tượng không chịu thuế GTGT nêu tại Mục II, Phần A Thông tư này.
2- Đối tượng nộp thuế GTGT:
Các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ chịu thuế GTGT ở Việt Nam, không phân biệt ngành nghề, hình thức, tổ chức kinh doanh (gọi chung là cơ sở kinh doanh) và tổ chức, cá nhân khác có nhập khẩu hàng hóa, mua dịch vụ từ nước ngoài chịu thuế GTGT (gọi chung là người nhập khẩu) đều là đối tượng nộp thuế GTGT.
Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bao gồm:
2.1- Các tổ chức kinh doanh được thành lập và đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp Nhà nước (nay là Luật Doanh nghiệp) và Luật Hợp tác xã;
2.2- Các tổ chức kinh tế của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức sự nghiệp và các tổ chức khác;
2.3- Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp tác kinh doanh theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (nay là Luật đầu tư); các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động kinh doanh ở Việt Nam nhưng không thành lập pháp nhân tại Việt Nam;
2.4- Cá nhân, hộ gia đình, nhóm người kinh doanh độc lập và các đối tượng kinh doanh khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu.
Xem thêm: Điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào
II- Đối tượng không chịu thuế GTGT:
1. Hàng hóa, dịch vụ sau đây không thuộc diện chịu thuế GTGT:
1.1- Sản phẩm trồng trọt (bao gồm cả sản phẩm rừng trồng), chăn nuôi; thuỷ sản, hải sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc mới qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu.
Các sản phẩm mới qua sơ chế thông thường chưa chế biến ở mức độ cao hơn hoặc chế biến thành các sản phẩm khác được xác định như sau:
a- Đối với sản phẩm trồng trọt là các sản phẩm mới được phơi, sấy khô, làm sạch, bảo quản tươi bằng hoá chất, bóc vỏ, phân loại và đóng gói.
b- Đối với sản phẩm chăn nuôi; thuỷ sản, hải sản nuôi trồng, đánh bắt là các sản phẩm mới được phơi, sấy khô, làm sạch, ướp đông, ướp muối, phân loại và đóng gói.
1.2- Sản phẩm là giống vật nuôi, giống cây trồng, như: trứng giống, con giống, cây giống, hạt giống, tinh dịch, phôi, vật liệu di truyền ở các khâu nuôi trồng, nhập khẩu và kinh doanh thương mại. Sản phẩm giống vật nuôi, cây trồng thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT là sản phẩm do các cơ sở nhập khẩu, kinh doanh thương mại có giấy đăng ký kinh doanh giống vật nuôi, cây trồng do cơ quan quản lý nhà nước cấp. Đối với sản phẩm là giống vật nuôi, cây trồng thuộc loại nhà nước ban hành tiêu chuẩn, chất lượng phải đáp ứng các điều kiện do nhà nước quy định.
1.3- Sản phẩm muối bao gồm: muối sản xuất từ nước biển, muối mỏ tự nhiên, muối tinh, muối i-ốt.
1.4- Hàng hoá nhập khẩu sau đây thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT:
a- Thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng nằm trong dây chuyền công nghệ và vật tư xây dựng thuộc loại trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để tạo tài sản cố định của doanh nghiệp;
b- Thiết bị, máy móc, vật tư, phương tiện vận tải thuộc loại trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sử dụng trực tiếp vào hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ;
c- Máy bay, dàn khoan, tàu thuỷ thuộc loại trong nước chưa sản xuất được thuê của nước ngoài dùng cho sản xuất, kinh doanh.
d- Thiết bị, máy móc, phụ tùng, phương tiện vận tải chuyên dùng và vật tư cần thiết để tiến hành hoạt động tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ dầu khí; phụ tùng, khí tài máy bay, thiết bị đặc chủng chuyên dùng cho máy bay (loại trong nước chưa sản xuất được).
Trường hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh nhập khẩu dây chuyền thiết bị, máy móc đồng bộ thuộc diện không chịu thuế GTGT theo hướng dẫn tại điểm 1.4 này, nhưng trong dây chuyền đồng bộ đó có cả loại thiết bị, máy móc trong nước đã sản xuất được thì toàn bộ dây chuyền thiết bị, máy móc đồng bộ này không thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng.
Doanh nghiệp nêu tại điểm 1.4 này bao gồm các doanh nghiệp thành lập theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước (nay là Luật Doanh nghiệp), Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã; các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp tác kinh doanh theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (nay là Luật Đầu tư); các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động kinh doanh ở Việt Nam nhưng không thành lập pháp nhân tại Việt Nam.
Ví dụ1: Công ty Dệt A nhập khẩu một số máy dệt loại trong nước chưa sản xuất được, trong đó có cả một số mô tơ điện đồng bộ của máy dệt là loại trong nước đã sản xuất được thì mô tơ nhập khẩu đồng bộ này cũng không chịu thuế GTGT.
Để xác định hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT ở khâu nhập khẩu quy định tại điểm này, cơ sở nhập khẩu phải xuất trình cho cơ quan Hải quan các hồ sơ sau:
+ Hợp đồng nhập khẩu.
Trường hợp nhập khẩu uỷ thác phải có thêm Hợp đồng uỷ thác nhập khẩu.
Trường hợp cơ sở đã trúng thầu cung cấp hàng hóa cho các đối tượng, sử dụng cho các mục đích quy định tại điểm này phải có thêm Giấy báo trúng thầu và hợp đồng bán cho các doanh nghiệp theo kết quả đấu thầu.
Trường hợp Công ty cho thuê tài chính nhập khẩu để cho thuê tài chính phải có thêm Hợp đồng cho thuê tài chính.
Trường hợp nhập khẩu để nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phải có thêm Văn bản của cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ cho các tổ chức thực hiện các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ hoặc Hợp đồng khoa học và công nghệ giữa bên đặt hàng và bên nhận đặt hàng thực hiện hợp đồng khoa học và công nghệ.
+ Xác nhận của Giám đốc doanh nghiệp hoặc thủ trưởng cơ quan nghiên cứu khoa học về các loại hàng hóa nhập khẩu để sử dụng làm tài sản cố định; sử dụng trực tiếp vào hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; sử dụng vào hoạt động thăm dò, phát triển mỏ dầu khí; là loại chuyên dùng cho máy bay.
Riêng đối với máy bay, giàn khoan, tầu thuỷ thuê của nước ngoài, loại trong nước chưa sản xuất được, dùng cho sản xuất, kinh doanh không phải nộp thuế GTGT, các cơ sở đi thuê chỉ phải xuất trình cho cơ quan Hải quan hợp đồng thuê ký với nước ngoài.
Các loại hàng hoá nhập khẩu trên thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu được xác định căn cứ vào danh mục các loại máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải chuyên dùng, vật tư xây dựng, vật tư, phụ tùng trong nước đã sản xuất được do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành.
1.5- Nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước do nhà nước bán cho người đang thuê theo quy định tại Nghị định số 61/CP ngày 5/7/1994 của Chính phủ về mua bán và kinh doanh nhà ở.
1.6- Chuyển quyền sử dụng đất.
1.7- Dịch vụ tín dụng và quỹ đầu tư bao gồm hoạt động cho vay vốn, bảo lãnh cho vay, chiết khấu thương phiếu và giấy tờ có giá trị như tiền, bán tài sản đảm bảo tiền vay để thu hồi nợ, cho thuê tài chính của các tổ chức tài chính tín dụng tại Việt Nam; các hoạt động chuyển nhượng vốn theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã, Luật Doanh nghiệp Nhà nước (nay là Luật Doanh nghiệp); hoạt động kinh doanh chứng khoán, bao gồm môi giới, tự doanh, quản lý danh mục đầu tư, bảo lãnh phát hành, tư vấn đầu tư chứng khoán.
1.8- Bảo hiểm nhân thọ; bảo hiểm học sinh và các dịch vụ bảo hiểm con người như bảo hiểm tai nạn thuỷ thủ, thuyền viên, bảo hiểm tai nạn con người (bao gồm cả bảo hiểm tai nạn, sinh mạng, kết hợp nằm viện), bảo hiểm tai nạn hành khách, bảo hiểm khách du lịch, bảo hiểm tai nạn lái – phụ xe và người ngồi trên xe, bảo hiểm cho người đình sản, bảo hiểm trợ cấp nằm viện phẫu thuật, bảo hiểm sinh mạng cá nhân, bảo hiểm người sử dụng điện và các bảo hiểm khác liên quan đến con người; bảo hiểm vật nuôi, cây trồng, bảo hiểm nông nghiệp khác và các loại bảo hiểm không nhằm mục đích kinh doanh như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm lao động.
1.9- Dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, phòng dịch bệnh, dịch vụ sinh đẻ có kế hoạch, dịch vụ điều dưỡng sức khoẻ, phục hồi chức năng cho người bệnh và dịch vụ thú y.
1.10- Các sản phẩm, dịch vụ thuộc lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao dưới đây:
a- Hoạt động văn hoá, triển lãm và thể dục, thể thao, tổ chức luyện tập, thi đấu mang tính phong trào, quần chúng, không thu tiền hoặc có thu tiền dưới hình thức bán vé vào xem, thu tiền luyện tập nhưng không nhằm mục đích kinh doanh. Các khoản doanh thu khác như: bán hàng hoá, cho thuê sân bãi, gian hàng tại hội chợ, triển lãm… phải chịu thuế GTGT.
b- Hoạt động biểu diễn nghệ thuật như: tuồng, chèo, cải lương, ca, múa, nhạc, kịch, xiếc; hoạt động biểu diễn nghệ thuật khác và dịch vụ tổ chức biểu diễn nghệ thuật của các nhà hát hoặc đoàn tuồng, chèo, cải lương, ca, múa, nhạc, kịch, xiếc có giấy phép hoạt động do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp.
c- Sản xuất phim các loại (phim đã ghi hình) không phân biệt chủ đề, loại hình phim.
d- Nhập khẩu phim đã ghi hình, phát hành và chiếu phim nhựa, phim vi-đi-ô tài liệu: Đối với phim nhựa không phân biệt chủ đề, loại phim; Đối với phim ghi trên băng hình, đĩa hình chỉ là phim tài liệu, phóng sự, khoa học. Loại phim và chủ đề phim được xác định theo các quy định của Bộ Văn hoá và Thông tin.
1.11- Dạy học, dạy nghề bao gồm: dạy văn hóa, ngoại ngữ, tin học, dạy múa, hát, hội họa, nhạc, kịch, xiếc, thể dục, thể thao, nuôi dạy trẻ và dạy các nghề khác nhằm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hoá, kiến thức chuyên môn nghề nghiệp cho mỗi người.
1.12- Phát sóng truyền thanh, truyền hình theo chương trình, bằng nguồn tiền Ngân sách Nhà nước (NSNN) cấp.
1.13- Xuất bản, nhập khẩu và phát hành:
a- Báo, tạp chí, bản tin chuyên ngành, bao gồm cả hoạt động truyền trang báo, tạp chí, bản tin chuyên ngành.
b- Sách chính trị là sách tuyên truyền đường lối chính trị của Đảng và Nhà nước phục vụ nhiệm vụ chính trị theo chuyên đề, chủ đề, phục vụ các ngày kỷ niệm, ngày truyền thống của các tổ chức, các cấp, các ngành, địa phương; các loại sách thống kê, tuyên truyền phong trào người tốt việc tốt; sách in các bài phát biểu, nghiên cứu lý luận của lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
c- Sách giáo khoa (kể cả dưới dạng băng hoặc đĩa ghi tiếng, ghi hình, dữ liệu điện tử) là sách dùng để giảng dạy và học tập trong tất cả các cấp từ mầm non đến phổ thông trung học (bao gồm cả sách tham khảo dùng cho giáo viên và học sinh phù hợp với nội dung chương trình giáo dục).
d- Sách giáo trình là sách dùng để giảng dạy và học tập trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.
đ- Sách văn bản pháp luật (sách in các văn bản pháp luật, các Văn kiện, Nghị quyết, văn bản pháp quy khác) là sách in các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước.
e- Sách khoa học kỹ thuật là sách dùng để giới thiệu, hướng dẫn những kiến thức khoa học, kỹ thuật có quan hệ trực tiếp đến sản xuất và các ngành khoa học, kỹ thuật.
g- Sách in bằng chữ dân tộc thiểu số bao gồm cả sách in song ngữ chữ phổ thông và chữ dân tộc thiểu số.
h- Tranh, ảnh, áp phích tuyên truyền cổ động là tranh, ảnh, áp phích, các loại tờ rơi, tờ gấp phục vụ cho mục đích tuyên truyền, cổ động, khẩu hiệu, ảnh lãnh tụ, Đảng kỳ, Quốc kỳ, Đoàn kỳ, Đội kỳ.
i- In tiền và các chứng chỉ có giá trị như tiền (séc, trái phiếu, ngân phiếu, tín phiếu …); tiền mặt từ nước ngoài chuyển về Việt Nam.
k- Băng, đĩa âm thanh hoặc ghi hình, ghi nội dung các loại sách, báo, tạp chí, bản tin nêu tại điểm 1.13 này.
1.14- Dịch vụ công cộng về vệ sinh, thoát nước đường phố và khu dân cư, duy trì vườn thú, vườn hoa, công viên, cây xanh đường phố, chiếu sáng công cộng, dịch vụ tang lễ. Các dịch vụ nêu tại điểm này không phân biệt nguồn kinh phí chi trả.
a- Dịch vụ công cộng về vệ sinh, thoát nước đường phố và khu dân cư bao gồm các hoạt động thu, dọn, xử lý rác và chất phế thải, thoát nước, xử lý nước thải cho các tổ chức, cá nhân. Nếu cơ sở kinh doanh tận dụng chất phế thải để sản xuất ra sản phẩm khác để bán thì các sản phẩm này sẽ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo hướng dẫn tại mục II, phần A Thông tư này hoặc chịu thuế GTGT theo hướng dẫn tại mục II, phần B Thông tư này. Trường hợp cơ sở kinh doanh cung cấp các dịch vụ về vệ sinh, thoát nước cho các tổ chức, cá nhân như lau dọn, vệ sinh văn phòng … thì các dịch vụ này thuộc đối tượng chịu thuế GTGT theo thuế suất 10% hướng dẫn tại điểm 3.27, mục II, phần B Thông tư này.
b- Duy trì vườn thú, vườn hoa, công viên, cây xanh đường phố bao gồm hoạt động quản lý, trồng cây, chăm sóc cây, bảo vệ chim, thú ở các công viên, vườn thú, khu vực công cộng, vườn quốc gia.
c- Chiếu sáng công cộng bao gồm chiếu sáng đường phố, ngõ, xóm trong khu dân cư, vườn hoa, công viên.
d- Dịch vụ tang lễ bao gồm các hoạt động cho thuê nhà, xe ô tô phục vụ tang lễ của các tổ chức làm dịch vụ tang lễ, mai táng, hoả táng.
1.15- Duy tu, sửa chữa, phục chế, xây dựng các công trình văn hóa, nghệ thuật, công trình phục vụ lợi ích công cộng, cơ sở hạ tầng và nhà tình nghĩa bằng nguồn vốn đóng góp của nhân dân và vốn viện trợ nhân đạo, kể cả trường hợp được Nhà nước cấp hỗ trợ một phần vốn không quá 30% tổng số vốn thực chi cho công trình.
1.16- Vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt, xe điện của các cơ sở vận tải xe buýt, xe điện được thành lập và hoạt động theo quy chế của Bộ Giao thông vận tải phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân có lộ trình trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nối các thành phố, thị xã, huyện, khu công nghiệp, khu du lịch và chạy tuyến lân cận có lộ trình đi từ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến các tỉnh lân cận, các khu công nghiệp, khu du lịch, trong đó điểm đầu, điểm cuối và lộ trình của một tuyến không vượt quá 2 tỉnh, thành phố; nếu điểm đầu hoặc điểm cuối thuộc đô thị loại đặc biệt thì tuyến không vượt quá 3 tỉnh, thành phố như quy định tại điểm b và điểm c Khoản 2 Điều 3 quy định về quản lý vận tải khách công cộng bằng xe buýt ban hành kèm theo Quyết định số 34/2006/QĐ-BGTVT ngày 16/10/2006 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải với tuyến đường, điểm đỗ, thời gian chạy, giá vé cước do cấp có thẩm quyền quy định.
1.17- Điều tra cơ bản của Nhà nước do NSNN cấp phát kinh phí để thực hiện (bao gồm điều tra, thăm dò địa chất khoáng sản, tài nguyên nước, khí tượng thuỷ văn, môi trường; đo đạc, lập bản đồ);
1.18- Tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp; nước sạch do tổ chức, cá nhân tự khai thác tại địa bàn miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa để phục vụ cho sinh hoạt ở nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.
1.19- Vũ khí, khí tài chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh.
a- Danh mục vũ khí, khí tài chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh quy định tại Phụ lục số 3 ban hành kèm theo Thông tư này.
Các vũ khí, khí tài này thuộc diện không chịu thuế giá trị gia tăng theo hướng dẫn tại điểm này phải là các sản phẩm hoàn chỉnh, đồng bộ hoặc các bộ phận, linh kiện, bao bì chuyên dùng để lắp ráp, bảo quản sản phẩm hoàn chỉnh. Trường hợp vũ khí, khí tài chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh phải sửa chữa thì dịch vụ sửa chữa vũ khí, khí tài do các doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện không thuộc diện chịu thuế GTGT.
b- Vũ khí, khí tài (kể cả vật tư, máy móc, thiết bị, phụ tùng) chuyên dùng phục vụ cho quốc phòng, an ninh nhập khẩu thuộc diện được miễn thuế nhập khẩu theo quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hoặc nhập khẩu theo hạn ngạch hàng năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
Hồ sơ, thủ tục đối với vũ khí, khí tài nhập khẩu không phải chịu thuế GTGT ở khâu nhập khẩu theo đúng nội dung quy định về thủ tục hồ sơ miễn thuế, xét miễn thuế, hoàn thuế nhập khẩu hiện hành.
1.20- Hàng nhập khẩu trong các trường hợp sau: hàng viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại (bao gồm cả hàng hoá nhập khẩu thuộc nguồn vốn ODA không hoàn lại), quà tặng cho cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; quà biếu, quà tặng cho cá nhân ở Việt Nam; đồ dùng của các tổ chức, cá nhân nước ngoài theo tiêu chuẩn miễn trừ ngoại giao; hàng mang theo người trong tiêu chuẩn hành lý miễn thuế; hàng là đồ dùng của người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi về nước mang theo.
Mức hàng hoá nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT ở khâu nhập khẩu theo mức miễn thuế nhập khẩu quy định tại Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Hàng hoá nhập khẩu của tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng miễn trừ ngoại giao theo Pháp lệnh miễn trừ ngoại giao được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ thuế GTGT theo quy định hiện hành. Trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam có thuế GTGT sẽ được hoàn thuế theo hướng dẫn tại Điểm 8, Mục I, Phần D Thông tư này. Đối tượng, hàng hóa, thủ tục hồ sơ để được hưởng ưu đãi miễn trừ thuế GTGT hướng dẫn tại điểm này thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 08/2003/TT-BTC ngày 15/1/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện hoàn thuế GTGT đối với cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Đối với hàng hóa nhập khẩu là hàng hóa viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại phải có văn bản xác nhận của Bộ Tài chính.
Hồ sơ, thủ tục xử lý hàng nhập khẩu không phải chịu thuế GTGT ở khâu nhập khẩu theo đúng nội dung quy định thủ tục hồ sơ miễn thuế, xét miễn thuế, hoàn thuế nhập khẩu hiện hành.
1.21- Hàng hoá bán cho các tổ chức quốc tế, người nước ngoài để viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam;
Thủ tục để các tổ chức quốc tế, người nước ngoài mua hàng hoá tại Việt Nam để viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam được miễn thuế GTGT: các tổ chức quốc tế, người nước ngoài phải có văn bản gửi cho cơ sở bán hàng trong đó ghi rõ tên tổ chức quốc tế, người nước ngoài mua hàng để viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam, số lượng hoặc giá trị loại hàng mua; văn bản xác nhận của Bộ Tài chính về khoản viện trợ này.
Khi bán hàng, cơ sở phải lập hoá đơn theo đúng hướng dẫn tại Điểm 5.1, Mục IV, Phần B Thông tư này, trên hoá đơn ghi rõ là hàng bán cho tổ chức, người nước ngoài để viện trợ không hoàn lại, viện trợ nhân đạo không tính thuế GTGT và lưu giữ văn bản của tổ chức quốc tế hoặc của cơ quan đại diện của Việt Nam để làm căn cứ kê khai và quyết toán thuế.
1.22- Hàng chuyển khẩu, quá cảnh, mượn đường qua Việt Nam; hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu; hàng tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu; nguyên vật liệu nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu theo hợp đồng sản xuất, gia công xuất khẩu đã ký với nước ngoài.
Hàng hoá thuộc diện không chịu thuế GTGT trong trường hợp này do cơ quan Hải quan giải quyết. Hồ sơ, thủ tục để xác định và xử lý không thu thuế GTGT trong các trường hợp này thực hiện theo đúng nội dung quy định thủ tục hồ sơ miễn thuế, xét miễn thuế, tạm miễn thuế, hoàn thuế nhập khẩu hiện hành.
1.23- Hàng hóa, dịch vụ cung ứng cho các đối tượng:
a- Dịch vụ đăng kiểm phương tiện vận tải thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài (trừ trường hợp các phương tiện vận tải này được các tổ chức, cá nhân Việt Nam thuê trần, thuê định hạn để hoạt động vận tải theo quy định của pháp luật);
b- Dịch vụ tái bảo hiểm ra nước ngoài; bảo hiểm hàng hoá vận chuyển đường bộ, đường biển, đường sông, đường sắt và đường hàng không của hàng hoá xuất khẩu, dầu thô bán cho nước ngoài; bảo hiểm hàng hoá vận chuyển đường bộ, đường biển, đường sông, đường sắt và đường hàng không của hàng hoá nhập khẩu từ nước ngoài về đến sân bay, bến cảng hoặc cửa khẩu biên giới đất liền của Việt Nam; dịch vụ bảo hiểm các công trình, thiết bị của nhà thầu nước ngoài (kể cả tàu chứa dầu mang quốc tịch nước ngoài), do nhà thầu dầu khí nước ngoài hoặc nhà thầu phụ dầu khí nước ngoài sử dụng cho việc tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí tại vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam (bao gồm vùng biển chồng lấn mà Việt Nam và các quốc gia có bờ biển tiếp liền hay đối diện đã thoả thuận đặt dưới chế độ khai thác chung) kể cả trường hợp các thiết bị đó có thời gian phải bảo dưỡng, sửa chữa tại vùng lãnh hải, cảng biển của Việt Nam; dịch vụ bảo hiểm cung cấp cho phương tiện vận tải thuộc sở hữu tổ chức, cá nhân ở nước ngoài.
c- Vận tải quốc tế là việc vận tải hàng hoá, hành khách Việt nam đi nước ngoài, từ nước ngoài vào Việt nam hoặc vận tải hàng hoá, hành khách giữa các cảng nước ngoài.
Trường hợp cơ sở kinh doanh làm dịch vụ vận tải ký hợp đồng vận tải hàng hoá, hành khách từ Việt Nam ra nước ngoài thì doanh thu dịch vụ vận tải không chịu thuế GTGT là doanh thu thực thu của khách hàng. Trường hợp trong hợp đồng vận tải có cả chặng vận tải nội địa mà không tách được doanh thu vận tải nội địa, quốc tế thì doanh thu không chịu thuế GTGT bao gồm cả doanh thu vận tải nội địa.
d- Hàng hoá, dịch vụ cung ứng trực tiếp cho vận tải quốc tế là hàng hoá, dịch vụ do cơ sở kinh doanh tại Việt Nam bán trực tiếp cho các chủ phương tiện hoạt động vận tải quốc tế để sử dụng cho hoạt động vận tải quốc tế hoặc sử dụng trực tiếp cho phương tiện vận tải đó bao gồm:
d.1- Hàng hoá, dịch vụ cung ứng để sử dụng cho hoạt động vận tải quốc tế như suất ăn, nước uống; khăn, giấy vệ sinh; dịch vụ vệ sinh phương tiện vận tải; phao, dù cứu hộ; lai dắt tàu biển, dẫn đường hạ, cất cánh tàu bay; cầu cảng; cởi buộc dây tàu biển; ống lồng tàu bay và một số hàng hoá, dịch vụ khác cung ứng trực tiếp cho vận tải quốc tế.
d.2- Hàng hoá, dịch vụ cung cấp để đảm bảo hoạt động của phương tiện vận tải quốc tế như xăng, dầu, sửa chữa, sơn, bảo dưỡng phương tiện vận tải và một số hàng hoá, dịch vụ khác cung ứng để đảm bảo hoạt động của phương tiện vận tải quốc tế, trừ các dịch vụ đăng kiểm, bảo hiểm, sửa chữa, sơn, bảo dưỡng cung ứng trực tiếp cho phương tiện vận tải thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc phương tiện vận tải do tổ chức, cá nhân Việt Nam thuê trần, thuê định hạn của tổ chức, cá nhân nước ngoài đều thuộc diện chịu thuế GTGT theo hướng dẫn tại phần B Thông tư này.
Phương tiện vận tải quốc tế nêu tại điểm 1.23.d.2 này bao gồm:
+ Phương tiện vận tải thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài thực hiện hoạt động vận tải quốc tế.
+ Phương tiện vận tải thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc phương tiện vận tải do tổ chức, cá nhân Việt Nam thuê định hạn, thuê trần của tổ chức, cá nhân nước ngoài để thực hiện hoạt động vận tải quốc tế.
e- Hàng hoá bán miễn thuế ở các cửa hàng miễn thuế tại các sân bay, bến cảng, nhà ga quốc tế và cửa khẩu biên giới.
g- Hàng dự trữ quốc gia do cơ quan dự trữ quốc gia bán ra.
h- Hàng hoá, dịch vụ mua bán, trao đổi giữa các tổ chức, cá nhân trong các khu phi thuế quan với nhau và tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan xuất khẩu ra nước ngoài.
i- Hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng ở nước ngoài, trừ hàng hoá dịch vụ xuất khẩu thuộc diện được áp dụng thuế suất thuế GTGT 0%.
k- Các hoạt động có thu phí, lệ phí theo chế độ phí và lệ phí của Nhà nước thì khoản thu này không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, trừ trường hợp đã chuyển sang cơ chế giá dịch vụ.
1.24- Chuyển giao công nghệ, phần mềm máy tính, trừ phần mềm xuất khẩu.
a- Chuyển giao công nghệ được xác định theo quy định tại Phần thứ 6 Chương 36 “Chuyển giao công nghệ” của Bộ luật Dân sự nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đối với những hợp đồng chuyển giao công nghệ có kèm theo máy móc, thiết bị thì việc không thu thuế chỉ thực hiện đối với phần giá trị công nghệ chuyển giao.
b- Phần mềm máy tính (trừ phần mềm máy tính xuất khẩu) bao gồm sản phẩm phần mềm và dịch vụ phần mềm theo quy định của pháp luật.
1.25- Dịch vụ bưu chính viễn thông và Internet phổ cập theo chương trình của Chính phủ.
1.26- Vàng nhập khẩu dạng thỏi, miếng và các loại vàng chưa chế tác thành sản phẩm, mỹ nghệ, đồ trang sức hay sản phẩm khác.
Vàng dạng thỏi, miếng và các loại vàng chưa chế tác được xác định phù hợp với các quy định quốc tế.
1.27- Sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác, cụ thể dưới đây:
a- Dầu thô.
b- Đá phiến, cát, đất hiếm.
c- Đá quý.
d- Quặng măng-gan, quặng thiếc, quặng sắt, quặng cờ-rôm-mít, quặng êmênhít, quặng a-pa-tít.
1.28- Sản phẩm là bộ phận nhân tạo dùng để thay thế cho bộ phận của người bệnh; nạng, xe lăn và dụng cụ chuyên dùng khác dùng cho người tàn tật.
1.29- Hàng hóa, dịch vụ của những cá nhân kinh doanh có mức thu nhập bình quân tháng thấp hơn mức lương tối thiểu Nhà nước quy định đối với công chức Nhà nước. Thu nhập được xác định bằng doanh thu từ hoạt động kinh doanh trừ (-) chi phí hợp lý của hoạt động kinh doanh đó.
Hộ kinh doanh có mức thu nhập thấp không phải nộp thuế GTGT do Chi cục thuế phối hợp với Hội đồng tư vấn thuế kiểm tra, xác định, lập danh sách và thông báo bằng văn bản cho hộ kinh doanh biết.
Hộ kinh doanh trong thời gian được thông báo không phải nộp thuế GTGT nếu tình hình kinh doanh có thay đổi, thu nhập cao hơn mức thu nhập theo quy định, Chi cục thuế phải thông báo cho hộ kinh doanh biết và đưa vào diện phải nộp thuế GTGT kể từ tháng có thu nhập cao hơn mức quy định.
2. Cơ sở kinh doanh không được khấu trừ và hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hoá, dịch vụ sử dụng cho sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng nêu tại mục II này mà phải tính vào nguyên giá tài sản cố định, giá trị nguyên vật liệu hoặc chi phí kinh doanh