Những câu hỏi khi phỏng vấn xin việc

Những câu hỏi khi phỏng vấn xin việc thường gặp:

nhung-cau-hoi-khi-phong-van-xin-viec

 1. “Vì sao bạn lại bỏ công việc trước đây, công việc đang làm?”
 
Bất kể bạn ghét công ty đó như thế nào đi chăng nữa thì cũng không nên đưa ra những lời nhận xét tiêu cực về đồng nghiệp và công ty cũ. Đừng lo sợ khi trả lời rằng bạn nằm  trong số nhân viên bị giảm biên chế.
Ngày nay, việc giảm thiểu nhân viên trong  các doanh nghiệp là chuyện bình thường.  Hãy tập trung vào việc vì sao bạn gửi đơn  vào vị trí này, nó phù hợp với khả năng của  bạn như thế nào.
 
 2. “Bạn mong đợi có được vị trí nào trong 5 năm tới?”
 
Hãy tránh trả lời câu hỏi này bằng một bài diễn văn dài dòng đã học thuộc lòng sẵn ở nhà. Thay vào đó, hãy tỏ ra thành thật với những mục tiêu mà mình đề ra hoặc tìm kiếm trong con đường công danh.
 
3. “Bạn có cảm tưởng gì về công ty của chúng tôi?”
 
Bạn có thể chuẩn bị câu trả lời từ ở nhà. Bạn hãy tìm hiểu lịch sử của công ty và kiểm tra lại thông tin của mình bằng trang web của công ty hoặc nói chuyện với các nhân viên đang làm việc tại công ty. Hãy nói về sức mạnh của công ty và thậm chí cả những gì bạn dự đoán trong tương lai về sự lớn mạnh của công ty.
 
4. “Tại sao bạn nghĩ rằng chúng tôi nên thuê bạn?”
 
Không nên trả lời rằng: “Vì tôi là người phù hợp nhất cho công việc này” bởi vì câu trả lời đó quá chung chung. Thay vào đó, thể hiện một cách trôi chảy những kinh nghiệm công việc của mình có liên quan và phù hợp với vị trí này. Đưa ra cả những ví dụ cụ thể về kinh nghiệm trước đây của mình.
 
5. “Thế mạnh của bạn là gì?”
 
Đây không phải là lúc để khiêm tốn mà bạn phải biết đánh giá những kĩ năng của mình phù hợp với vị trí đang trống. Chẳng hạn như khi công việc yêu cầu bạn lãnh đạo một nhóm làm việc, hãy nói về những kĩ năng làm lãnh đạo mà bạn có trước đây. Chớ có nói về những thành tích đạt được trong thể thao. Sự phù hợp là một chìa khóa dẫn tới thành công trong trả lời phỏng vấn.
 
6. “Điểm yếu của bạn là gì?”
 
Bạn chỉ nên trả lời qua loa thôi. Hãy đưa ra một vài ví dụ về một vài khuyết điểm của bạn nhưng những lỗi này không ảnh hưởng gì tới công việc bạn đang nộp đơn. Đừng nói: “Tôi chẳng có điểm yếu nào cả” vì điều này là không đúng.
 
7. “Bạn muốn hỏi gì không?”
 
Tránh không nên hỏi về lương, lợi ích xã hội hay thời gian nghỉ phép. Bạn chỉ nên hỏi những vấn đề này sau khi đã trúng tuyển. Hãy hỏi những câu hỏi về kế hoạch và phương hướng phát triển của công ty. Cố gắng đưa ra những câu hỏi có liên quan tới một số vấn đề được thảo luận trong buổi phỏng vấn để chứng tỏ bạn rất quan tâm.
 
8. “Công việc trước của bạn như thế nào?”
 
Điều quan trọng nhất là bạn không nên để cho người phỏng vấn thấy rằng có mối quan hệ giữa các kỹ năng mà bạn đã sử dụng trong công việc trước đây với công việc mà họ sẽ thuê nhà. Thể hiện sự nhiệt tình của mình với công việc cũ kèm theo một số thành tích.
 
9. “Với kinh nghiệm của mình dường như công việc này quá dễ đối với bạn. Vì sao bạn lại đăng ký vào vị trí này?”
Nếu bạn quá tâng bốc kinh nghiệm của mình, sẽ dẫn tới câu hỏi vì sao bạn lại đăng ký cho vị trí này. Người phỏng vấn sẽ nghĩ rằng bạn sẽ chỉ làm công việc này mang tính thời vụ thôi và khi tìm được một công việc tốt hơn bạn sẽ chuyển đi. Nhiệm vụ của bạn là phải thuyết phục để họ tin rằng bạn rất thích vị trí làm việc này.
 
10. “Bạn mong có mức lương tối thiểu là bao nhiêu?”
Cách tốt nhất nói về mức lương là sau khi bạn biết rõ công việc yêu cầu những gì. Nhưng nếu như người phỏng vấn nhất định đòi bạn đưa ra một con số thì bạn nên làm một cuộc điều tra trước khi đi phỏng vấn. Hỏi những người làm ở vị trí tương đương để bạn có thể đưa ra con số gần đúng, chứng tỏ bạn rất biết giá trị sức lao động của mình.

NHỮNG CÂU HỎI KHÓ KHI PHỎNG VẤN

Bạn đã bao giờ được các sếp “hạ cố” trực tiếp phỏng vấn khi xin việc? Được các sếp trực tiếp phỏng vấn, điều đầu tiên bạn có thể cảm nhận là các câu hỏi khó đến toát mồ hôi. Bạn sẽ trả lời như thế nào?

1.Xem hồ sơ của bạn tôi thấy có một số môn học bạn không đạt kết quả cao? Bạn có thể nói nguyên nhân?

Phân tích:  Với loại câu hỏi này, nếu bạn trả lời một cách thành thật thì quả là sai lầm. Câu hỏi này của các sếp không phải muốn chỉ ra điểm yếu của bạn mà chỉ muốn xem thái độ và cách giải quyết của bạn trước một tình huống khó xử. Đừng cố tìm ra nguyên nhân.
Trả lời: Cách trả lời tốt nhất là đối diện với sự thật. Bạn có thể nói là: “ Vâng, đúng vậy. Quả là tôi có một số môn học không được tốt, nhưng tôi tin đấy không phải nguyên nhân gây cản trở công việc của tôi hiện tại cũng như sau này.”

2. Nếu bạn là giám đốc tài chính, khi tổng giám đốc yêu trốn 10 triệu tiền thuế mỗi năm thì bạn sẽ làm thế nào?

Phân tích: Bạn đừng cố nghĩ ra cách trốn thuế làm gì. Câu hỏi này chỉ nhằm kiểm tra đạo đức nghề nghiệp của bạn mà thôi.
Trả lời:  Bạn nên trả lời là: “Tôi nghĩ câu hỏi của ông (bà) chỉ là một ví dụ. Với một công ty uy tín như quý công ty đây thì không thể nào có chuyện trốn thuế. Tuy nhiên nếu tổng giám đốc bắt buộc tôi làm điều đó thì tôi chỉ có một lựa chọn duy nhất là xin từ chức. Bởi vì, thành thật là nguyên tắc đầu tiên để trở thành người nhân viên tốt“.

3. Trong các công việc bạn đã làm, việc gì khiến bạn tự  hào nhất?

Phân tích: Hỏi về vấn đề này, sếp không muốn ngồi nghe bạn kể các thành tích đã đạt được mà chỉ muốn thăm dò một phần “tính cách” của bạn. Nếu bạn thao thao bất tuyệt tự hào nói về những thành tích mình đạt được thì ấn tượng lưu lại cho người phỏng vấn chỉ là tính tự mãn của bạn mà thôi.
Trả lời: Bạn có thể nêu các thành tích của mình nhưng nhớ rằng câu đầu tiên nên nói là: “Với sự giúp đỡ của mọi người, tôi cũng đã đạt được một số thành tích nhất định…”.
Câu trả lời như vậy vừa thể hiện tinh thần tập thể vừa thể hiện sự tôn trọng của bạn đối với sức lao động của người khác, thể hiện tính khiêm tốn nhưng vẫn có thành tích cá nhân trong đó.

4: Khi nào bạn có thể đi làm được?

Phân tích:  Nhận được câu hỏi này, rất nhiều người mừng thầm rằng “mình đã được tuyển” và trả lời “Tôi có thể đi làm ngay lập tức”. Câu trả lời này có thể áp dụng cho những người bắt đầu xin việc, còn những nhân viên muốn thay đổi công việc thì hoàn toàn không phù hợp. Thực ra đối phương đang muốn thăm dò tinh thần trách nhiệm của bạn. Một nhân viên khi từ bỏ một công việc sẽ mất khá nhiều thời gian để bàn giao lại công việc cho công ty cũ. Nếu bạn trả lời là có thể đi làm ngay thì nhà tuyển dụng sẽ đánh giá thấp tính trách nhiệm của bạn, rất có thể  bạn sẽ đánh mất cơ hội.
Trả lời: Bạn có thể trả lời là: “Tôi sẽ nhanh chóng bàn giao lại công việc của mình ở công ty cũ, sau khi mọi việc được giải quyết xong xuôi thì tôi sẽ liên lạc với quý công ty” hoặc “Những  thủ tục ở công ty cũ tôi đã giải quyết xong rồi, hiện tại tôi chờ vào sự sắp xếp của quý công ty”.

5. Rất tiếc, chúng tôi không thể tuyển bạn được.

Phân tích: Trong suốt quá trình phỏng vấn, bạn đã phải hết sức tập trung để “đấu sức và đấu trí” với các sếp, nhưng cuối cùng nhà tuyển dụng lại dội vào bạn một gáo nước lạnh bằng câu nói trên. Thực ra, trong nhiều trường hợp các “nhà  tuyển dụng khó tính“ chỉ muốn xem biểu hiện của bạn như thế nào khi gặp một tình huống bất ngờ và khó xử như thế. Nếu như lúc đó bạn hoàn toàn thất vọng, buồn chán thì bạn đã rơi vào “bẫy” của họ rồi.
Trả lời: Thực ra lúc này bạn cũng không nên nói bất kỳ điều gì. Điều duy nhất mà bạn nên làm là “mỉm cười trước thử thách”. Bởi vì, một nhân viên bản lĩnh chính là một nhân viên biết mỉm cười trước mọi khó khăn, thử thách. Có khi chính nụ cười lại đem lại cho bạn sự thành công.

07 NGUYỄN NHÂN PHÁ HỎNG CUỘC PHỎNG VẤN

Chuẩn bị chu đáo trước buổi phỏng vấn là bước quan trọng khi đi xin việc. Tuy nhiên, có rất nhiều người đã vô tình mắc phải những lỗi nhỏ đó mà họ cho là có thể bỏ qua, nhưng họ không biết rằng đó lại chính là nguyên nhân khiến họ bị loại. Sau đây là những lỗi bạn nên chú ý để tránh mắc phải:
1. Đến muộn:
Khi đi phỏng vấn, bạn nên đến đúng giờ, hoặc sớm hơn một vài phút để tạo ấn tưọng tốt với các nhà tuyển dụng. Việc đến muộn không chỉ chứng tỏ rằng bạn là người thiếu chuyên nghiệp mà còn thể hiện bạn không coi trọng kế hoạch làm việc của họ. Việc đến đúng giờ được còn là một yếu tố để đánh giá khả năng hoàn thành công việc đúng thời hạn của bạn, điều mà bất kỳ một công việc nào cũng đòi hỏi. Thêm vào đó, việc đến muộn có thể coi là nguyên nhân bạn bỏ lỡ mất cuộc phỏng vấn nếu như các nhà tuyển dụng đã có cuộc hẹn khác ngay sau đó.
2. Thái độ bất lịch sự với lễ tân hoặc trợ lý:
Nhiều người nghĩ rằng chẳng có vấn đề gì nếu mình có thái độ thiếu lịch sự với người trợ lý khi họ đang sắp xếp buổi phỏng vấn, hoặc tỏ vẻ khó chịu với nhân viên lễ tân khi họ vô tình đọc sai tên bạn. Bạn cho rằng những người này không có quyền đưa ra quyết định có tuyển dụng bạn hay không. Thế nhưng, đáng ngạc nhiên là trong một cuộc thăm dò ý kiến do Robert Half thực hiện, khi 10 nhà tuyển dụng được hỏi về điều này, sáu trong số họ cho biết, họ coi ý kiến của trợ lý và nhân viên là kênh thông tin quan trọng khi đánh giá năng lực của những người đến tuyển dụng. Vì thế, hãy nhớ tỏ ra lịch thiệp và tôn trọng bất cứ ai bạn tiếp xúc trong suốt quá trình di phỏng vấn.
3. Hành động như thể bạn là người duy nhất:
Hãy thử hình dung cảnh tượng: Sau khi ghi tên tham gia phỏng vấn, bạn liền gọi cho bạn của bạn kể tỉ mỉ về bữa tiệc tối qua bạn tham dự. Bạn nói to bất chấp sự có mặt của mọi nhân viên trong văn phòng. Mọi người dù không thích nhưng vẫn phải nghe bạn nói. Rõ ràng, bạn đã tạo ra ấn tượng không tốt cho người khác. Vì thế thay vì làm việc đó, cách tốt nhất là bạn nên ngồi chờ ngoài tiền sảnh và tìm hiểu về những tài liệu của công ty. Làm như vậy, bạn sẽ thể hiện được sự nhã nhặn, lịch thiệp của mình trong mắt người khác, đồng thời giúp bạn biết thêm nhiều thông tin về công ty và những điều họ đang cần.
4. Thiếu sự chuẩn bị khi đi phỏng vấn:
Có quá nhiều người đi phỏng vấn nhưng lại không chuẩn bị chu đáo. Họ cho rằng phỏng vấn chỉ là thủ tục. Vì thế họ không những có thể vượt qua cuộc phỏng vấn dễ dàng mà còn tạo ấn tượng mạnh trong lòng nhà tuyển dụng. Thế nhưng, thực tế là một người tìm việc thông minh là người biết dành nhiều thời gian để tìm hiểu trước những câu hỏi mà nhà tuyển dụng có thể hỏi để có thể trả lời một cách tự tin trong suốt cuộc phỏng vấn. Bạn cũng tìm hiểu trước về nhà tuyển dụng để có thể thể hiện tốt những kỹ năng của bản thân nhằm chứng tỏ mình phù hợp với công việc, cũng như tỏ rõ sự quan tâm của bạn đối với công ty và đối với vị trí họ yêu cầu tuyển dụng.
5. Tỏ vẻ kiêu ngạo:
Tự tin là chìa khoá để dẫn đến thành công, nhưng quá lạm dụng điều này để làm nổi bật bản thân mình thì không nên. Khoe khoang khả năng của bản thân, nói những câu nói sáo rỗng như: “Tôi đã từng là nhân viên tốt nhất ở công ty trước”, chỉ khiến nhà tuyển dụng đánh giá bạn là kẻ kiêu ngạo mà thôi. Và vô tình bạn đã gây ra trở ngại cho chính bản thân mình khi làm việc với những người khác.
6. Không đưa ra câu hỏi:
Sau khi hoàn thành cuộc phỏng vấn, nhà tuyển dụng thường sẽ hỏi xem liệu bạn có bất kỳ thắc mắc gì không. Câu trả lời bạn nên đưa ra là:”Có”. Tuy nhiên bạn không nên đặt ra những câu hỏi nhạy cảm như “Công việc này có mức lương là bao nhiêu”, “Tôi có bao nhiêu ngày nghỉ trong một năm”. Mặc dù việc trả lương và khen thưởng xứng đáng với những gì bạn đã làm là một yếu tố quan trọng, nhưng bạn chỉ nên đề cập đến vấn đề này nếu như nhà tuyển dụng thực sự muốn biết. Những vấn đề bạn hỏi nên hỏi trong cuộc phỏng vấn đầu tiên thường là: “Công việc chính của tôi là làm gì?”, “Quyền hạn lớn nhất của tôi trong công việc này là gì?”, “Công việc cụ thể tôi phải làm trong một ngày là gì?”
7. Không chủ động liên lạc:
Thậm chí ngay cả khi bạn cảm thấy mình đã thực hiện cuộc phỏng vấn hoàn hảo, thì bạn cũng không nên quay trở về và chỉ ngồi chờ cho đến khi nhà tuyển dụng gọi cho bạn. Hãy chủ động gửi thư cho họ ngay sau khi phỏng vấn. Việc làm này vừa có thể giúp bạn cảm ơn họ, đồng thời có thể khẳng định bạn thực sự quan tâm đến công việc này.

PHỎNG VẤN XIN VIỆC MỘT CÁCH CHUYÊN NGHIỆP

Sự chuyên nghiệp sẽ được các nhà tuyển dụng đánh giá rất cao trong buổi phỏng vấn xin việc làm. Dưới đây là những bí quyết giúp bạn đạt được điều đó.
 Luyện tập trước:
Luyện tập bao giờ cũng mang lại kết quả tốt. Hãy nhờ một người thân hoặc một người bạn đóng vai người phỏng vấn còn bạn là người trả lời. Lưu ý là trong quá trình luyện tập bạn phải tưởng tượng là mình đang ngồi trước một người lạ thì buổi tập luyện mới thực sự có hiệu quả.
Đừng nói dối:
Nói dối để khiến mình trở nên ấn tượng hơn trước nhà tuyển dụng ư? Sớm muộn rồi họ cũng phát hiện ra thôi vì các điểm yếu của bạn sẽ bộc lộ trong quá trình làm việc. Hơn nữa trung thực còn là một yếu tố được các nhà tuyển dụng đánh giá rất cao.
Đến sớm trước 10 hoặc 15 phút:
Nếu bạn đến muộn trong buổi phỏng vấn thì thực sự không còn gì để nói. Tốt hơn hết là bạn hãy đến sớm hơn 10 hoặc 15 phút để có thời gian kiểm tra, chỉnh sửa lại một số thứ (quần áo, đầu tóc, thậm chí cả hồ sơ) và quan trọng nhất là để lấy lại bình tĩnh.
Mỉm cười một cách thân thiện:
Một ứng viên có thái độ thân thiện trong buổi phỏng vấn sẽ lấy được cảm tình của nhà tuyển dụng vì điều đó chứng tỏ cô ấy/ anh ấy cũng sẽ thận thiện với các đồng nghiệp.
Bổ sung kiến thức:
Có thể bạn không nắm rõ về một số vấn đề nào đó nhưng cũng đừng quá lo lắng, bạn có thể bổ sung kiến thức trước khi đi phỏng vấn. Hãy tìm và đọc thật nhiều tài liệu về những vấn đề bạn nghĩ là bạn có thể bị hỏi.
Đừng đánh mất sự tự tin và thái độ lịch sự:
Cho dù nhà phỏng vấn đối xử với bạn bằng một thái độ nào đi chăng nữa thì bạn vẫn phải luôn giữ một thái độ tự tin, lịch sự và nhã nhặn. Thể hiện thái độ mất bình tĩnh hay tức giận chứng tỏ bạn không chuyên nghiệp.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *