Hạch toán chi phí vận tải đường bộ theo Thông tư 200

Để quản trị tốt Giá thành trong doanh nghiệp thì cần quản trị tốt mảng chi phí. Mỗi một doanh nghiệp cần có phương pháp quản trị khác nhau để phù hợp với doanh nghiệp và đặc thù ngành nghề mình kinh doanh. Vậy bạn đã biết cách hạch toán chi phí vận tải đường bộ để quản trị hiệu quả chưa? Cùng Kế Toán Việt Hưng tìm hiểu nhé!

Đối với mảng vận tải đường bộ theo chuyến, vận tải hành khách, chuyển phát bưu chính thì phần chi phí nhiên liệu và chi phí nhân công là 2 loại chi phí chiếm tỷ lệ lớn. Vì vậy để quản trị tối ưu chi phí thì cần có định mức cũng như quy định chặt chẽ cho các loại chi phí này.

Đặc thù ngành chuyển phát bưu phẩm thư hàng sẽ khác với ngành kinh doanh vận tải theo chuyến. Ngành chuyển phát bưu phẩm thư hàng sẽ gồm rất nhiều giai đoạn và rất nhiều loại dịch vụ khác nhau:

* Chuyển phát nhanh

* Chuyển phát tiết kiệm

* Dịch vụ phát trước 9h

* Dịch vụ phát trước 12h

* Dịch vụ phát trước 16h

* Dịch vụ phát hỏa tốc…

==> Và sẽ cần dùng đến nhiều phương thức để vận chuyển: Đi xe tải riêng của công ty; thuê ô tô vận chuyển hàng, đi qua trung gian là tàu hỏa, máy bay…

+ Đối với chi phí xăng dầu cần có mức khoán tiêu thụ tối đa cho xe tải chở hàng, xe chở hành khách (Khoán định mức theo số năm đã sử dụng, theo đường đồng chạy bằng hay đường chạy miền núi), xe tải càng mới, chạy đường đồng bằng thì mức tiêu hao nhiên liệu càng ít, xe tải càng lâu năm, chạy đường miền núi thì mức tiêu hao nhiên liệu sẽ nhiều hơn.

Lưu ý khi hạch toán chi phí vận tải đường bộ theo Thông tư 200
Lưu ý khi hạch toán chi phí vận tải đường bộ theo Thông tư 200

+ Đối với chi phí nhân công: Cần có khung lương riêng cho từng đội nghiệp vụ: Lái xe ô tô, nhân viên giao dịch (xe máy). Sẽ có mức khoán sản lượng phát và lấy thư, hàng. Đồng thời cũng có mức thưởng vượt sản lượng phát và lấy thư, hàng để kích thích doanh thu và tạo động lực cho nhân viên.

+ Đối với bộ phận dịch vụ, chăm sóc khách hàng: Cần có quy định về thưởng doanh số chăm sóc khách hàng cũ hàng tháng và thưởng doanh số khách mới hàng tháng, đồng thời phạt nếu làm mất khách hàng cũ từ doanh thu bao nhiêu trở lên. Mục đích nhằm duy trì ổn định khách hàng và gia tăng khách hàng mới.

+ Đối với nhân viên kinh doanh: Cần lập quy định rõ ràng về mức khoán tối thiểu khách mới hàng tháng, tỷ lệ hưởng lương cơ bản theo mức doanh số khách mới đạt được, mức tỷ lệ % doanh thu khách mới tháng đầu và % doanh thu khách cũ từ tháng thứ 2 trở đi…

+ Đối tượng tập hợp chi phí đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường bộ là từng loại dịch vụ: Vận chuyển theo chuyến hàng; vận chuyển hành khách; chuyển phát bưu chính.

Xem thêm: Khóa học kế toán vận tải dành cho người bắt đầu từ số 0

Hạch toán chi phí vận tải đường bộ theo Thông tư 200/2014/TT-BTC:

– Chi phí mua xăng dầu, nhiên liệu để vận chuyển: Trước khi vận chuyển cần kiểm tra số dư đầu kỳ, sau đó kết thúc chuyến kiểm tra số tồn cuối kỳ để tính được số nhiên liệu tiêu thụ trong kỳ:

+ Bút toán khi Mua Nhiên liệu:

Nợ TK 152: Giá trị mua nhiên liệu trước thuế GTGT

Nợ TK 133: Thuế GTGT

         Có TK 111, 112, 331: Tổng giá trị nhiên liệu mua

+ Cuối mỗi chuyến, chốt được số lượng đã sử dụng trong chuyến đó:

Giá trị tiêu thụ = Tồn đầu + Mua mới – Tồn cuối chuyến.

Kế toán hạch toán xuất kho nhiên liệu:

Nợ TK 621: Giá trị nhiên liệu tiêu thụ thực tế

         Có TK 152: Tổng nhiên liệu tiêu thụ thực tế từng chuyến

– Chi phí lương: Đối với lương của bộ phận Quản lý sẽ tính vào Chi phí quản lý kinh doanh; Bộ phận kinh doanh, chăm sóc khách hàng sẽ tính vào chi phí bán hàng, đối với bộ phận nghiệp vụ: Lái xe, phụ xe, điều phối xe, quản lý xe… sẽ tính vào giá thành chuyến xe.

+ Hạch toán chi phí lương:

Nợ TK 622: Chi phí nhân công trực tiếp

Nợ TK 627: Chi phí sản xuất chung

Nợ TK 641: Chi phí quản bán hàng

Nợ TK 642: Chi phí quản lý doanh nghiệp

         Có TK 334: Phải trả người lao động

+ Hạch toán Chi phí BHXH, BHYT, BHTN chi cho người lao động:

Nợ TK 622: Chi phí nhân công trực tiếp

Nợ TK 627: Chi phí sản xuất chung

Nợ TK 642: Chi phí quản lý doanh nghiệp

         Có TK3383, 3384 ,3386: Các khoản BHXH, BHYT, BHTN

+ Hạch toán trích bảo hiểm trừ vào lương người lao động:

Nợ TK 334: Chi phí quản lý doanh nghiệp

         Có TK3383, 3384, 3386: Các khoản BHXH, BHYT, BHTN

+ Hạch toán nghiệp vụ thanh toán lương cho người lao động:

Nợ TK 334: Tổng số lương phải trả

         Có TK 111, 112: Tổng số tiền thanh toán

+ Hạch toán nghiệp vụ thanh toán BHXH cho người lao động:

Nợ TK 3383, 3384, 3386: Tổng BHXH, BHYT, BHTN đã trích

         Có TK 111, 112: Tổng số tiền thanh toán

Lưu ý khi hạch toán chi phí mua công cụ dụng cụ

– Chi phí khấu hao TSCĐ: Đối với mảng vận chuyển, TSCĐ chủ yếu là phương tiện vận chuyển: ô tô tải, xe kéo… Mức sử dụng tương đối nhiều, thông thường mức khấu hao để từ 6-8 năm. Ngoài ra:

+ Khi mua TSCĐ:

Nợ TK 211: Giá mua TSCĐ (Giá chưa có thuế GTGT)

Nợ TK 213: TSCĐ Vô hình (Giá chưa có thuế GTGT)

         Có TK 111, 112: Tiền mặt, Tiền ngân hàng (Tổng Số tiền thanh toán trên hóa đơn)

+ Chi thanh toán lệ phí trước bạ:

Nợ TK 3339: Thuế, phí trước bạ

         Có TK 111,112: Tiền mặt, Tiền ngân hàng (Số tiền thanh toán)

+ Kết chuyển phí trước bạ sang TSCĐ:

Nợ TK 211: TSCĐ hữu hình

Nợ TK 213: TSCĐ Vô hình

         Có TK 3339: Thuế, phí trước bạ

+ Cuối kỳ, Trích khấu hao TSCĐ đối với TSCĐ dùng cho sản xuất kinh doanh:

Nợ TK 627: Chi phí sản xuất chung

         Có TK 214: Hao mòn TSCĐ

+ Cuối kỳ, Trích khấu hao TSCĐ đối với TSCĐ dùng cho khối hỗ trợ, bộ phận quản lý:

Nợ TK 642: Chi phí quản lý kinh doanh

         Có TK 214: Hao mòn TSCĐ

Xem thêm: Bảng tính định mức trong công ty vận tải

– Chi phí mua Nguyên vật liệu (NVL) về để sử dụng quá trình vận tải đường bộ theo chuyến, vận tải hành khách: Thùng xốp, thùng giấy, bọc nilon, túi nilon…

+ Bút toán khi mua NVL về nhập kho:

Nợ TK 152: Nguyên Vật Liệu

Nợ TK 133: Thuế GTGT

         Có TK 111, 112, 331: Tổng số tiền thanh toán

+ Khi xuất dùng NVL ra để dùng cho vận tải theo chuyến, hành khách:

Nợ TK 627: Chi phí sản xuất chung

         Có TK 152: Nguyên Vật Liệu (Giá trị xuất dùng)

– Chi phí mua công cụ dụng cụ (CCDC) về để sử dụng quá trình vận tải đường bộ theo chuyến, vận tải hành khách: Máy Bắn đinh, Máy Quấn màng co…

+ Bút toán khi mua CCDC về nhập kho:

Nợ TK 153: Công cụ dụng cụ

Nợ TK 133: Thuế GTGT

         Có TK 111, 112, 331: Tổng số tiền thanh toán

+ Khi xuất dùng CCDC giá trị nhỏ ra để dùng cho vận tải theo chuyến, hành khách:

Nợ TK 627: Chi phí sản xuất chung (xuất thẳng 100% vào chi phí)

         Có TK 153: CCDC (Giá trị xuất dùng)

+ Khi xuất dùng CCDC giá trị lớn ra để dùng cho vận tải theo chuyến, hành khách, sẽ phân bổ nhiều kỳ (tối đa 3 năm) và định kỳ kế toán sẽ phân bổ dần vào chi phí:

• Hạch toán vào chi phí trả trước:

Nợ TK 242: Chi phí Trả trước (Nếu giá trị lớn, sẽ phân bổ nhiều kỳ)

         Có TK 153: CCDC (Giá trị xuất dùng)

• Định kỳ phân bổ dần CCDC vào chi phí:

Nợ TK 627: Chi phí sản xuất chung (Chi phí phân bổ định kỳ)

         Có TK 153: CCDC (Giá trị từng kỳ phân bổ)

– Chi phí dịch vụ mua ngoài: chi phí gửi hàng, chi phí hàng không, Điện, nước, điện thoại… kế toán căn cứ vào hóa đơn chứng từ để hạch toán vào chi phí sản xuất chung:

Nợ TK 627: Chi phí sản xuất chung

Nợ TK 133: Thuế GTGT

         Có TK 111, 112, 331: Tổng số tiền thanh toán

– Chi phí bồi thường khách hàng do vi phạm hợp đồng:

Nợ TK 641: Chi phí bán hàng (Chi phí bồi thường)

         Có TK 131: Giảm khoản phải thu khách hàng

– Cuối kỳ kết chuyển chi phí NVL, chi phí nhân công, chi phí sản xuất chung sang TK chi phí sản xuất kinh doanh dở dang:

Nợ TK 154: Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang

         Có TK 621: Chi phí Nguyên vật liệu trực tiếp

         Có TK 622: Chi phí nhân công trực tiếp

         Có TK 627: Chi phí sản xuất chung

– Cuối kỳ kết chuyển giá vốn vận tải theo chuyến:

Nợ TK 632: Giá vốn hàng bán

         Có TK 154: Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang

Hi vọng với việc chia sẻ cách hạch toán chi phí vận tải đường bộ theo Thông tư 200 trên đây đã giúp kế toán viên hiểu và định khoản 1 cách chính xác nhất. Với các doanh nghiệp áp dụng theo Thông tư 133, mời bạn đón đọc trong bài viết tiếp theo. Và đừng quên ghé fanpage để nhận các chia sẻ nghiệp vụ mới nhất nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *